Trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định và vướng mắc trong thực tiễn
Ngày đăng : 09:46, 29/11/2018
Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Điều 206 của BLTTHS năm 2015 quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, gồm:
- Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
- Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
- Nguyên nhân chết người;
- Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
- Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
- Mức độ ô nhiễm môi trường.
Những vướng mắc trong thực tiễn
Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải vướng mắc từ quy định của BLTTHS năm 2015 về những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Vụ việc thứ nhất: Ngày 12/8/2018, Nguyễn Thanh P đột nhập vào nhà của ông T vào lúc nửa đêm đã lấy trộm số vàng theo lời khai của bị hại là 01 sợi dây chuyền 5 chỉ vàng 24K và 01 chiếc nhẫn 03 chỉ vàng 18K. Quá trình điều tra, Nguyễn Thanh P khai nhận đã vào nhà ông T trộm lấy số tài sản trên và đem đi bán tại Tiệm vàng K với số tiền là 22.000.000 đồng. Làm việc với ông K là chủ Tiệm vàng K cho biết là có mua của một người 01 sợi dây chuyền và 01 chiếc nhẫn với số tiền 22.000.000 đồng nhưng số vàng này đã bán cho người khác và không biết người mua vàng ở đâu.
Tuy nhiên, vụ việc này có hai ý kiến về việc trưng cầu giám định:
Ý kiến thứ nhất, cho rằng tài sản mà P trộm là vàng nên theo quy định tại khoản 5 Điều 206 của BLTTHS năm 2015 thì bắt buộc phải trưng cầu giám định đối với số vàng đã trộm.
Ý kiến thứ hai, cho rằng mặc dù khoản 5 Điều 206 của BLTTHS năm 2015 có quy đình vàng là thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên, số vàng mà P trộm hiện không thu giữ được nên không thể trưng cầu giám được vì không có vật để giám định. Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào số tiền mà P bán vàng và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để truy cứu trách nhiệm hình sự P về Tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015.
Ảnh minh họa (Internet) |
Vụ việc thứ hai: Ngày 15/9/2018, Trần H bị bắt quả tang về hành vi mua bán trái phép ma túy. Quá trình điều tra, H khai nhận ngày 12/9/2018, H có bán cho anh Nguyễn Văn L một tép ma túy với số tiền là 250.000 đồng. Như vậy, hành vi H khai nhận có bán 01 tép ma túy thì có hai cách xử lý khác nhau:
Ý kiến thứ nhất, cho rằng hành vi mua bán ma túy ngày 12/9/2018 như khai nhận của H là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 5 Điều 206 của BLTTHS năm 2015 thì chất ma túy phải bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Ý kiến thứ hai, cho rằng số ma túy mà H khai nhận bán không thu giữ được nên việc trưng cầu giám định chất ma túy như quy định tại khoản 5 Điều 206 của BLTTHS năm 2015 là không thể thực hiện được. Do đó chỉ có thể căn cứ vào lời khai của H để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H về Tội mua bán trái phép chất ma túy.
Hành vi phạm tội của P và H trong hai vụ án trên là rất rõ ràng. Tuy nhiên việc xử lý hành vi phạm tội của H thì đang gặp vướng mắc từ quy định của pháp luật. Nếu không xử lý hành vi phạm tội của P và H thì bỏ lọt tội phạm nhưng nếu đưa vụ án ra xét xử H và P mà không tiến hành trưng cầu giám định như quy định tại Điều 206 BLTTHS năm 2015 là vi phạm thủ tục tố tụng.
Từ những vướng mắc trên, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định nhưng tang vật, vật chứng cần giám định trong vụ án không còn, không thu giữ được.
Xem thêm >>>