Từ 01/12/2018: Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đóng bảo hiểm xã hội
Ngày đăng : 12:12, 08/11/2018
Quy định này sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa lao động trong và ngoài nước (Ảnh: Lao động) |
Đây là nội dung đáng chú ý của Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam được Chính phủ ban hành ngày 15/10/2018.
Theo đó, từ ngày 01/12/2018, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong văn bản này khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu như quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động hiện hành.
Nghị định nêu rõ, người lao động nước ngoài thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Mức đóng hằng tháng mà chủ sử dụng lao động tính trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo Nghị định, trước mắt, nhóm đối tượng này sẽ tham gia ba chế độ BHXH là ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/12/2018. Riêng quy định về chế độ hưu trí và chế độ tử tuất có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Mục đích của việc lùi thời gian thực hiện đóng chế độ BHXH bắt buộc dài hạn với 02 chế độ hưu trí và tử tuất đến năm 2022 là để đến thời điểm đó, Việt Nam sớm hoàn tất hiệp định song phương về BHXH với các nước, tránh đóng BHXH 02 lần với các nước.
Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Quy định mới sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa lao động trong và ngoài nước. Thay vì trả hết lương cho lao động nước ngoài, chủ sử dụng lao động sẽ trích một phần trong đó để đóng BHXH và không làm thay đổi tổng quỹ lương của doanh nghiệp.
Xem thêm>>>>
Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội