Về tịch thu phương tiện vận chuyển hàng trái phép
Ngày đăng : 12:09, 06/11/2018
Vào hồi 02 giờ ngày 08/10/2017, tại xã E, huyện M, tỉnh Đ, Công an huyện M đã kiểm tra, phát hiện ông Nguyễn Đắc A, sinh năm 1970, trú tại thị xã NH, tỉnh KH đang điều khiển xe ô tô BKS 78C... vận chuyển gỗ xẻ Xoan Đào, nhóm VI không có nguồn gốc hợp pháp. Công an huyện đã tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm đưa về trụ sở để xác minh, xử lý theo quy định. Qua quá trình tiến hành điều tra, xác minh, đến ngày 16/11/2017 Công an huyện đã ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ và ban hành Công văn số 03/CV kèm theo hồ sơ vụ việc chuyển đến Chi cục Kiểm lâm đề nghị tham mưu UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Theo hồ sơ vụ việc thì chủ sở hữu xe ô tô BKS 78C... là ông Nguyễn Đắc B, địa chỉ tại thị xã NH, tỉnh KH. Ngày 07/10/2017, ông A đã đến nhà ông B hỏi mượn xe ô tô 78C... để vận chuyển vôi đến thành phố B, tỉnh Đ để bán, ông B đã đồng ý và giao xe cho ông A mà không làm giao kết bằng văn bản giữa hai bên. Sau khi bán vôi xong, A điều khiển xe ô tô 78C... về lại tỉnh KH, nhưng trên đường về, khi đến địa bàn xã E thì tình cờ A gặp một người đàn ông vẫy xe đặt vấn đề thuê vận chuyển một số gỗ về thị xã NH với giá cước vận chuyển là 1.000.000 đồng. Bốc gỗ lên xe xong, A điều khiển xe ô tô vận chuyển gỗ về thị xã NH, tỉnh KH, nhưng khi xe mới ra đến đường Quốc lộ 26 thì bị lực lượng Công an huyện kiểm tra, bắt giữ tang vật gỗ xẻ Xoan Đào.
Ảnh minh họa (Internet) |
Căn cứ Nghị định số Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 40/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017; sau đây gọi là Nghị định số 157/2013/NĐ-CP), Công an huyện đề nghị áp dụng hình thức xử phạt như sau:
Hình thức phạt chính: Áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đắc A có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật, tang vật vi phạm là gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ trên 10m3 theo quy định tại điểm d khoản 6 điều 22 của Nghị định số 157/201/NĐ-CP (mức xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng).
Hình thức phạt bổ sung:
- Tịch thu gỗ xẻ Xoan Đào theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 22 của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP.
- Tịch thu 01 xe ô tô 78C... theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 22 của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP, vì khi giao xe ô tô cho ông A, ông B không có văn bản thể hiện việc cho mượn xe giữa hai người theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định 157/2013/NĐ-CP.
Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định:
“Phương tiện bị người vi phạm sử dụng trái phép là trường hợp chủ sở hữu hợp pháp, người quản lý hợp pháp hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện cho người khác thuê, mượn hoặc thuê người khác điều khiển phương tiện hoặc giao phương tiện cho người lao động của mình điều khiển để sử dụng vào mục đích hợp pháp, nhưng người được thuê, được mượn phương tiện hoặc người được giao điều khiển phương tiện đó đã tự ý sử dụng phương tiện để vi phạm hành chính.
Việc cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện hoặc giao người điều khiển phương tiện phải được giao kết bằng văn bản giữa chủ sở hữu hợp pháp, người quản lý hợp pháp hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện và người được thuê, được mượn theo quy định của pháp luật trước khi hành vi vi phạm xảy ra. Văn bản giao kết phải ghi rõ mục đích, nội dung sử dụng phương tiện cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển. Đối với cá nhân cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện thì văn bản giao kết phải có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc chứng nhận của Công chứng viên; đối với tổ chức giao phương tiện cho người lao động của mình quản lý, điều khiển thì phải có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phương tiện bị tạm giữ, người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật phải xuất trình bản giao kết hoặc hợp đồng lao động cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc”.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi là Luật) quy định:
“... Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước”.
Theo hồ sơ do cơ quan Công an thì việc ông A sử dụng xe ô tô 78C... vận chuyển gỗ là tự ý, không được sự đồng ý của ông B là chủ xe, theo quy định tại đoạn 1 khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP thì phương tiện xe ô tô 78C... đã bị ông A sử dụng trái phép, nhưng việc mượn xe giữa ông A với ông B không lập thành văn bản như quy định tại đoạn 2 khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP là trường hợp bị tịch thu phương tiện.
Theo quan điểm của người viết thì có thể hiểu quy định tại đoạn 2 khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP là hướng dẫn cụ thể khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính về hình thức của giao kết hợp đồng cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện hoặc giao người điều khiển phương tiện; tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp, bởi lẽ Điều 126 đã quy định “trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trừ trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng phương tiện vi phạm hành chính”; do đó, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác định xem phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có thuộc trường hợp bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hay không để áp dụng pháp luật cho đúng khi xử phạt và hình thức của giao kết hợp đồng cho thuê, cho mượn phương tiện phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự về giao dịch dân sự.
Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
...
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.
Theo quy định tại Chương XVI Mục 8 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng mượn tài sản không quy định về hình thức của hợp đồng; do đó, hợp đồng mượn tài sản có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể; trong trường hợp này việc mượn xe giữa ông A với ông B bằng lời nói là phù hợp quy định pháp luật, không nhất thiết bắt buộc phải lập thành văn bản và việc ông A được ông B cho mượn xe ô tô 78C.… để vận chuyển vôi đến thành phố B, tỉnh Đ, sau khi bán vôi xong, A có nghĩa vụ điều khiển xe ô tô 78C... về trả lại cho B và không được sử dụng vào mục đích khác khi chưa có sự đồng ý của ông B.
Mặt khác, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 tại khoản 2 Điều 156 quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”, nên quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về hợp đồng mượn tài sản sẽ có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định tại đoạn 2 khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP và việc ông B cho ông A mượn xe đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về giao dịch dân sự.
Như vậy, trong trường hợp cụ thể này việc ông Nguyễn Đắc A tự ý sử dụng xe của ông Nguyễn Đắc B để vận chuyển gỗ trái phép là trường hợp phương tiện đã bị ông A sử dụng trái phép; trong trường hợp này người có thẩm quyền xử phạt quyết định buộc ông A nộp số tiền tương ứng với giá trị phương tiện theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và trả phương tiện xe ô tô 78C... cho ông Nguyễn Đắc B là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Xem thêm >>>
Hà Nội sẽ lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô
Từ ngày 26/11/2018: Công chức quản lý thị trường được khám người, phương tiện