Người lính Trường Sa năm ấy
Ngày đăng : 14:14, 03/11/2018
1. Chúng tôi gặp anh vào một ngày đầu tháng 7/2018, giữa cái nóng, cái gió của vùng thủ phủ đất đỏ Bazan Phủ Quỳ, giữa tâm điểm nắng nóng đặc trưng của mùa hè xứ Nghệ. Bên dòng sông Hiếu, chúng tôi nói về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện một người lính Trường Sa rời binh ngũ trở về đời thường với hành trang là lòng quả cảm, chất đầy khát vọng cống hiến của tuổi thanh xuân. Khi nói đến Trường Sa, dường như, những xúc cảm, hoài niệm của năm tháng ở Trường Sa lại dào dạt ùa về, như thể vẫn còn đang hiện hữu, chưa thể phai mờ trên khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị của anh. Anh say xưa kể về đời lính đảo, về những năm tháng gian khó, hiểm nguy, về những kỷ niệm không thể nào quên với các đồng đội thân yêu trong khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn tràn đầy lạc quan, tình cảm.
Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mẹ mất sớm, tuổi thơ đã sớm phải tự lập, ngày ngày chăn trâu cắt cỏ, chăm chỉ học hành. Tháng 02/1982, sau khi rời ghế nhà trường, anh nhập ngũ, thuộc Sư đoàn 403 Quân chủng Hải quân, học khóa đào tạo hạ sỹ quan pháo binh xong thì được điều động về Lữ đoàn 146 ở Cam Ranh. Giáp tết năm đó, anh được lệnh xuống tàu hành quân ra Trường Sa nhận nhiệm vụ và trở thành người lính đảo Trường Sa Lớn từ đó. Đảo lúc đó chỉ là một bãi đá rộng, hầu như không có cây cối gì. Nơi ở của bộ đội nửa lộ thiên, nửa ngầm dưới rặng san hô, phơi mình giữa nắng gió, bão bùng, chống chọi cùng thiên nhiên khắc nghiệt. Giường nằm của chiến sỹ là những tấm ghi lấy từ đường băng sân bay dã chiến của chế độ cũ để lại. Mỗi năm chỉ có một, hai chuyến tàu từ đất liền ra đảo tiếp tế, chuyển thư báo nên thiếu thốn đủ thứ. Nước ngọt thì khan hiếm, mỗi người mỗi ngày bình quân được cấp 05 lít nước để dùng, từ huấn luyện, tuần tra đến sinh hoạt cá nhân. Bộ đội ăn uống còn kham khổ, quanh năm vật lộn với nắng, gió, cát, mưa bão nên đều có chung một màu da mang vị mặn của muối quyện với nắng gió biển khơi. Nhưng thiếu thốn nhất có thể nói đó là thiếu thốn về đời sống tinh thần của anh em.
Anh bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm “rất đời, rất người” của lính đảo, mỗi lần ra đón văn công từ xuồng cập mép nước, anh em lại “vô tình” kéo xô nghiêng xuồng để được đỡ và ôm eo các cô gái; hay chậu nước các cô văn công gội đầu xong để lại cũng không nỡ đổ đi ngay vì trong đó, người lính cảm nhận được hơi ấm của cơ thể người phụ nữ, cảm nhận được mùi hương bồ kết của người mẹ, người vợ, người em gái ở quê nhà còn phảng phất ở đâu đây, thật cảm động và cũng xót xa thật nhiều!. Gian nan vất vả, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần như thế, nhưng anh em lính đảo như một gia đình lớn, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, một lòng quyết tâm ngày đêm vững chắc tay súng giữ biển, đảo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Anh được Lữ đoàn 146 - vùng 4 Hải quân và Bộ Tư lệnh Hải quân tặng 03 Bằng khen và tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tháng 5/2015, một món quà vô cùng ý nghĩa, bất ngờ đã đến, anh được Viện trưởng VKSND tối cao lựa chọn, quyết định cử tham gia cùng Đoàn đại biểu ngành Kiểm sát nhân dân ra thăm quần đảo Trường Sa với chuyến hành trình trọn 10 ngày. Sau ba mươi năm trở lại đảo Trường Sa Lớn, lần này, anh cùng đoàn đại biểu còn được đến thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ ở các đảo khác như Đá Lát, Đá Đông (A, B, C), Phan Vinh (A, B), Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài, An Bang và Nhà giàn DK1/21. Mặc dù đã được nghe, xem trên các phương tiện truyền thông, nhưng ngày trở lại, anh không khỏi ngỡ ngàng, vui mừng bởi sự đổi thay kỳ diệu tại nơi đây, đời sống sinh hoạt của bộ đội đã tốt hơn lên rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của quân và dân cả nước. Những chuyến tàu cập đảo đã nhiều hơn, chở theo muôn vàn tình yêu thương, sẻ chia, động viên, gửi gắm niềm tin của cả nước.
Trường Sa bây giờ đã có điện chiếu sáng, có dân định cư trên đảo, nước ngọt đã dồi dào hơn bởi nhiều loại cây xanh phủ bóng mát khắp nơi. Mạng điện thoại di động phủ sóng thông suốt đã xóa nhòa khoảng cách giữa hải đảo và đất liền, cơ sở vật chất cũng được đầu tư xây dựng khang trang hơn, mang lại tầm vóc, diện mạo mới. Và yên tâm hơn nữa, khi trước đây hệ thống phòng thủ của đảo chỉ là những khẩu pháo cũ kỹ, chủ yếu là chống đổ bộ, thì nay đã được trang bị nhiều thiết bị, khí tài hiện đại, có thể phát hiện mục tiêu, phòng thủ tầm xa đến hàng trăm km. Tham gia vào các hoạt động trên đảo, dù rời quân ngũ đã hơn 30 năm, anh thấy mình vẫn như là một người lính của đảo ngày nào, thiêng liêng và xúc động quá, chực trào nước mắt trong giây phút chia tay. Dẫu biết rằng, lính đảo xa luôn chịu nhiều gian khổ, thiệt thòi, nhưng trong mỗi các anh, vượt lên trên tất cả là trách nhiệm vinh quang, là niềm tự hào cao cả được cống hiến, hy sinh vì sự toàn vẹn của Tổ quốc. Để đến một lúc nào đó, có thể tự hào kể cho con, cháu và các thế hệ mai sau về một thời hào hùng của cha anh thuở trước. Chợt nhớ một câu thơ xưa từng ca ngợi người lính tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc chiến thắng trở về đời thường:“Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Đối với anh cũng vậy, tuy chưa thật già, nhưng những ký ức hào hùng, vẻ vang của người lính đảo ngày nào còn luôn hào sảng, sống mãi.
Anh Chu Văn Truyền bên cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa Lớn (Tháng 5/2015) |
2. Có lẽ, cuộc sống khó khăn tự lập từ sớm, lại được kinh qua môi trường khắc nghiệt nhất của đời lính Trường Sa đã hun đúc nên một Chu Văn Truyền - một cán bộ Kiểm sát cương trực, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm của ngày hôm nay. Tháng 11/1985, sau gần 03 năm giữ đảo, anh xuất ngũ trở về đời thường với bộn bề lo toan, tính đường lập thân, lập nghiệp. Vừa làm, vừa ôn luyện, anh thi đậu vào Trường đại học Pháp lý Hà Nội hệ chính quy. Sau 04 năm mệt mài vừa đèn sách, bươn chải, mưu sinh kiếm sống, anh tốt nghiệp ra trường.
Tháng 4/1992, anh được tiếp nhận vào công tác tại VKSND huyện Nghĩa Đàn, tháng 4/2004 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng. Thực hiện Nghị định 164/NĐ-CP ngày 15/11/2007 của Chính phủ về việc chia tách địa giới hành chính huyện Nghĩa Đàn để thành lập thị xã Thái Hòa, Viện kiểm sát huyện Nghĩa Đàn được tổ chức lại và tháng 5/2008 anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng. Sau khi chia tách bộn bề khó khăn, thách thức, bộ máy lãnh đạo được bổ sung mới hoàn toàn, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ban đầu chỉ có 05 người, chủ yếu là cán bộ mới được điều động về chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Trong khoảng 3 năm đơn vị phải thuê, chuyển nơi làm việc hai lần, nơi làm việc của đơn vị chỉ là nhà cấp 4 tạm bợ, chật hẹp, dột nát; trang thiết bị làm việc cũ nát, mối mọt; đời sống cán bộ gặp nhiều khó khăn, phải thuê nơi ăn chốn ở, thiếu thốn đủ bề.
Với cương vị Viện trưởng, anh đã lãnh đạo đưa đơn vị từng bước khắc phục mọi khó khăn, vừa ổn định tổ chức, nơi ăn, ở cho anh em, vừa bắt tay triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo kế hoạch công tác hàng năm của ngành. Anh là người quyết đoán, tinh thần trách nhiệm cao, luôn lắng nghe, khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên phát huy hết khả năng, sở trường của mình, tích cực tham gia ý kiến trong công tác chuyên môn và xây dựng đơn vị; rèn luyện cho cán bộ, Kiểm sát viên tính tự chủ cao, tự tìm tòi, nghiên cứu, học tập, phát huy trí tuệ cá nhân, tập thể trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Anh bảo, đây cũng là biện pháp để đào tạo, nâng cao kiến thức, năng lực và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chống tư tưởng thụ động, ỷ lại cấp trên; Trong quản lý, chỉ đạo anh luôn đảm bảo tính thực tiễn, cụ thể, rõ ràng, đề ra được các “khâu đột phá”, các chỉ tiêu nghiệp vụ cho các khâu công tác để tổ chức thực hiện; đề cao công tác kiểm tra, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện; động viên, khuyến khích, đôn đốc, nhắc nhở anh em nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, anh đã lãnh đạo đơn vị đề ra được các giải pháp, biện pháp đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đầy đủ quyền năng pháp lý của ngành; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Tòa án tập trung giải quyết dứt điểm, nghiêm minh một số vụ án phức tạp gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, điển hình như vụ án Võ Thị Hồng Vân cùng đồng phạm phạm tội "Cướp tài sản" tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, với động cơ liều lĩnh, táo tợn thuê "xã hội đen" đem hung khí đi “xiết nợ”, cướp tài sản trắng trợn giữa ban ngày; vụ án Đàm Huy Luyện cùng đồng phạm có hành vi kích động, xúi dục gây rối trật tự công cộng, cản trở cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về thăm trang trại bò sữa TH tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn nhằm gây áp lực với cấp trên can thiệp để Tập đoàn TH không tiếp tục thực hiện dự án. Năm 2014, tại Nghĩa Đàn xảy ra vụ án giết người, đối tượng là Ngô Trí Minh, vì mâu thuẫn đã dùng gậy gỗ đánh liên tiếp vào đầu chị Phan Thị Thủy, có can ngăn nhưng Minh vẫn đánh chị Thủy gục ngã, ngất xỉu mới bỏ đi, tuy người bị hại chỉ bị tổn hại 60% sức khỏe nhưng hành vi giết người đã hoàn thành. Hai bên gia đình đã thỏa thuận giải quyết dân sự, không báo cho cơ quan chức năng. Cơ quan điều tra nắm được tin báo, nhưng vì nhiều lý do đã để kéo dài, chậm xử lý. Anh đã kiên quyết chỉ đạo Kiểm sát viên yêu cầu xã, Cơ quan điều tra báo cáo và chuyển hồ sơ để nghiên cứu, mời đối tượng, người liên quan lên làm việc, lấy lời khai, khi thấy có đủ căn cứ đã kiên quyết ra quyết định yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án và bị can, bắt tạm giam bị can để điều tra, vụ án sau đó đã được khởi tố, chuyển cấp tỉnh xử lý về tội giết người, được dư luận nhân dân, cấp ủy chính quyền đồng tình, ủng hộ cao, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Viện kiểm sát.
Trong mối quan hệ phối hợp với các ngành tư pháp, anh đã thể hiện được vai trò bao quát, luôn chủ trì các cuộc họp liên ngành, là “địa chỉ tin cậy” để các ngành tham khảo ý kiến trước khi quyết định những vấn đề khó khăn, phức tạp trong chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, quan điểm của Viện kiểm sát luôn được các ngành ghi nhận, thống nhất cao.
Anh Chu Văn Truyền bên cột mốc chủ quyền của đảo Thuyền Chài (Tháng 5/2015) |
Với vai trò là Huyện ủy viên, đại biểu HĐND huyện (từ năm 2008), anh đã lãnh đạo đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên địa bàn, luôn nêu cao tính đảng trong hoạt động kiểm sát; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện. Hàng năm, anh đều tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng để xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, nghị quyết HĐND huyện để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội; tham mưu, phối hợp giúp chính quyền giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp về đất đai, giải phóng mặt bằng trên địa bàn..., với những đóng góp quan trọng đó, Viện KSND huyện Nghĩa Đàn và vai trò lãnh đạo của cá nhân anh luôn được các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao, khẳng định được uy tín, vị thế của Viện kiểm sát.
Trong đời thường, anh là người có tính cách dễ mến, dễ gần, thẳng thắn nhưng thật chân tình, luôn quan tâm đến tâm tư tình cảm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cũng như môi trường làm việc của anh em trong đơn vị. Khi đơn vị có trụ sở làm việc mới (11/2011), khuôn viên trơ trọi toàn đá sỏi cằn cỗi, mùa hè thì nắng cháy, mùa đông thì sương giá dày đặc, ảnh hưởng nhiều đến công việc cũng như đời sống sinh hoạt, anh đã bỏ công sức cùng anh em lao động 2 buổi/tuần cải tạo lại đất, trồng cây xanh, đến nay khuôn viên đã có vườn cây tạo cảnh quan môi trường công sở xanh mát, văn minh và lịch sự.
Dưới sự chèo lái của anh, VKSND huyện Nghĩa Đàn đã nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trở thành một tập thể mạnh về chuyên môn, vững về chính trị, thống nhất, đoàn kết cao, hàng năm luôn đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên và của Quốc Hội giao. Là một trong số ít đơn vị lá cờ đầu của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, 09 năm liền được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được Viện trưởng VKSND tối cao và UBND tỉnh Nghệ An tặng “Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu Khối” và tặng nhiều “Bằng khen” trong các phong trào thi đua yêu nước cho tập thể đơn vị; năm 2011 được tặng “Bằng khen” của Thủ tướng Chính phủ; năm 2015 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tặng cờ "Chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 2011 - 2015".
Đồng chí Chu Văn Truyền ba lần được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” các năm 2011, 2014, 2017; được tặng thưởng “Bằng khen” của Thủ tướng Chính phủ; được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tặng "Bằng khen" Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 5 năm liền và rất nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Đặc biệt, ngày 09/5/2018, đơn vị VKSND huyện Nghĩa Đàn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đó là những ghi nhận, những phần thưởng xứng đáng đối với những nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi của người Viện trưởng và tập thể VKSND huyện Nghĩa Đàn, đặt nền móng vững chắc để xây dựng đơn vị đoàn kết, thống nhất, vững mạnh về mọi mặt, và đây cũng là thời điểm anh Chu Văn Truyền hoàn thành sứ mệnh, chia tay Nghĩa Đàn để trở lại ở cương vị Viện trưởng VKSND thị xã Thái Hòa theo sự điều động, luân chuyển của tổ chức từ ngày 01/4/2018, tiếp tục một hành trình, một thử thách mới, cống hiến không ngừng nghỉ trong sự nghiệp của mình.
Đồng chí Chu Văn Truyền phát biểu tại cuộc họp Chi bộ quy hoạch nguồn lãnh đạo VKSND thị xã Thái Hòa |
Khi biết chúng tôi có ý định viết bài này, anh gạt đi: “Mình chỉ cố gắng làm tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của một người lính, của một người cán bộ Kiểm sát thôi mà, có gì để viết đâu”. Vâng, chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng cái đơn giản, bình dị ấy cũng cần được tôi luyện, trui rèn qua thử thách khắc nghiệt của cuộc sống để có một Chu Văn Truyền đại diện cho phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, một người cán bộ Kiểm sát công tâm, bản lĩnh, trách nhiệm như ngày hôm nay, mà chúng tôi, những thế hệ đi sau luôn lấy đó làm nguồn cảm hứng, là động lực để tiếp nối, quyết tâm nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để trở thành người cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, góp phần xây dựng Viện kiểm sát nhân dân nói chung và VKSND Nghệ An nói riêng trong sạch, vững mạnh, phát triển./.
Xem thêm >>>
VKSND huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh với chặng đường bảo vệ công lý
"Viên gạch hồng" của Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Hồ, Vĩnh Long