Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Ngày đăng : 14:01, 03/11/2018
Sau đó tiến hành thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan đến quy hoạch.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Ảnh: ÐĂNG ANH
Có phương án, lộ trình phù hợp thực hiện Hiệp định CPTPP
Tờ trình về việc đề nghị QH phê chuẩn Hiệp định CPTPP do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày nêu rõ: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Ðông - Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thật sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai, sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, nhất là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta.
Báo cáo thẩm tra Hiệp định CPTPP của Ủy ban Ðối ngoại của QH cho biết, Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung của Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) đã được 12 nước ký kết ngày 4-2-2016, nhưng do Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định nên các nước dừng việc phê chuẩn và 11 nước còn lại tiếp tục đàm phán Hiệp định. Trong khuôn khổ Hội nghị APEC tại Ðà Nẵng, Việt Nam tháng 11-2017, 11 nước thể hiện quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định với tên gọi mới là Hiệp định CPTPP và ngày 8-3-2018, Hiệp định CPTPP được 11 nước ký kết tại Thủ đô San-ti-a-go, Chi-lê.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) và nhiều đại biểu QH đồng tình Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Ðối ngoại của QH, theo đó nhấn mạnh, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết chính trị, khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm, được Ban Chấp hành T.Ư và Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, bàn bạc kỹ, bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và thể chế các nước đặt ra về kinh tế. Qua thực tế đổi mới và hội nhập hơn 30 năm qua, Việt Nam đã tham gia các hiệp định quốc tế, khi bước vào thực hiện có cả thuận lợi và khó khăn, song với quyết tâm cao, có niềm tin, cho nên đất nước đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, với nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp đổi mới.
Tuy nhiên, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Ðịnh) và một số đại biểu cho rằng, Hiệp định CPTPP đồ sộ, tác động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, khi ký kết Hiệp định triển khai thực hiện, Việt Nam có 15 cam kết/nhóm cam kết áp dụng thực hiện ngay, có cam kết từ 10 đến 15 năm tới mới thực hiện, trong khi đó lộ trình áp dụng Hiệp định khá phức tạp. Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có phương án, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, bảo đảm công khai để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện, hạn chế thấp nhất những rủi ro, tiêu cực, bảo đảm cho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Có ý kiến đại biểu còn băn khoăn về sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn và cho rằng, mặc dù Hiệp định mang lại nhiều cơ hội, nhưng đi cùng theo là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin; trong khi đó một số văn bản quy phạm pháp luật của nước ta chưa tương thích… Do vậy, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, nội luật hóa theo đúng lộ trình cam kết, bảo đảm tính tương thích các cam kết trong CPTPP. Ðồng thời, kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong triển khai thực hiện hiệp định.
Về vấn đề này, đại biểu QH Hồ Thanh Bình (An Giang) và một số đại biểu cho rằng, khi nước ta phê chuẩn và triển khai thực hiện theo Hiệp định CPTPP, thì nền nông nghiệp, với lực lượng lao động chiếm 60% sẽ chịu tác động ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn; thu nhập chỉ dồn vào người lao động có trình độ cao, lực lượng lao động còn lại không được hưởng lợi gì. Có đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc cho phép quyền liên kết, quyền thương lượng của người lao động được thành lập các tổ chức ngoài tổ chức công đoàn ở cơ sở để hoạt động, vì không loại trừ việc thành lập tổ chức đại diện người lao động nhưng do chủ doanh nghiệp thao túng, lợi dụng để chống phá chế độ, gây phức tạp về tình hình an ninh - trật tự ở các địa phương… Do vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động có phương án, giải pháp phù hợp; trong đó cần coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Hoàn thiện, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch
Trong phiên làm việc tại hội trường vào chiều cùng ngày, QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan quy hoạch. Phần lớn ý kiến các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật, cho rằng đây là cuộc cách mạng về hoạt động quy hoạch, trong bối cảnh các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không còn phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Ðồng thời, Luật còn khắc phục đáng kể tình trạng dàn trải, chồng chéo, tùy tiện trong quy tắc quy hoạch, gây lãng phí lớn trong phân bổ, sử dụng nguồn lực quốc gia, làm méo mó nhiều khu vực, khu đô thị... mặc dù trước đó quy hoạch tại những vùng này đều đã được xác lập. Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về một số khái niệm chưa rõ ràng trong dự án Luật. Ðại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, khái niệm “khu chức năng” cần được gắn với thứ bậc hoặc mức độ quan trọng cụ thể, nhằm đơn giản hóa việc phân cấp, phân quyền quản lý trong công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, việc quy định quy hoạch xây dựng khu chức năng như dự án Luật là chưa thỏa đáng, vì quy hoạch xây dựng khu chức năng chưa thể hiện được các phân khu cũng như công trình xây dựng theo chức năng của khu. Ngoài ra, cần làm rõ hai khái niệm “vùng huyện” và “huyện”, vì thực tế hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau, nếu sử dụng không hợp lý sẽ dẫn đến những sai sót khi ban hành Luật.
Có đại biểu cho rằng, Ban Soạn thảo dự án Luật cần cân nhắc các điều khoản về phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm tính hệ thống, tránh thiếu sót. Dẫn khoản 6 Ðiều 6 dự án Luật về quy hoạch sử dụng đất, quy định cấp dưới chỉ được phê duyệt sau khi quy hoạch sử dụng đất của cấp trên được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đại biểu Ðặng Thế Vinh (Hậu Giang) lo ngại: Trong trường hợp quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chưa có, thì quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các cấp dưới sẽ mãi mãi phải “đóng băng” chờ đợi?
Cũng tại phiên làm việc hôm qua, QH đã nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số ý kiến đại biểu đã nêu. Ðối với vấn đề liên quan đến khái niệm về các khu chức năng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, hiện đang có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung giữa các khu chức năng, được thành lập căn cứ theo cả các bộ luật chuyên ngành và Luật Xây dựng. Không những vậy, một số khu chức năng còn được thành lập căn cứ theo cả Luật Xây dựng và luật chuyên ngành. Về nguyên tắc, bộ luật của chuyên ngành nào sẽ quản lý chuyên ngành đó, bao gồm cả khu chức năng và quy hoạch khu chức năng tương ứng. Do đó, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ triển khai rà soát nhằm phân định rõ trách nhiệm của ngành tương ứng với các khu chức năng. Về khái niệm quy hoạch xây dựng cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và Bộ Xây dựng thấy rằng: khái niệm quy hoạch tỉnh đã tồn tại, tuy nhiên ở mức độ chưa thật cụ thể theo phân bố về không gian, chức năng cũng như vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện theo chức năng của từng khái niệm.
PV
Ðề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về các nội dung của Hiệp định CPTPP để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để kịp thời nắm bắt được các lợi ích mà Hiệp định mang lại. Ðồng thời, chủ động có giải pháp phù hợp để xử lý hiệu quả các bất lợi có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện, cũng như thấy được thách thức phải nỗ lực vượt qua khi tham gia Hiệp định CPTPP.
Ðại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh)
Quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra quá nhanh, dẫn tới quá tải, gây biến dạng cấu trúc đô thị. Nhiều khu đô thị mới không có bản sắc đua nhau mọc lên, trong khi đất nông nghiệp, ao - hồ, sông - suối ở các vùng phụ cận ngày càng bị chiếm dụng ngang nhiên, thiếu kiểm soát, dẫn đến hậu quả là giao thông tắc nghẽn, điện nước không theo kịp nhu cầu, mất kiểm soát rác thải sinh hoạt... Tất cả cho thấy nhu cầu cấp thiết về việc xác lập quy hoạch đô thị theo hướng cân bằng, ổn định, tạo hành lang pháp lý cho các phương pháp phát triển tiên tiến, khoa học.
Ðại biểu Nguyễn Bá Sơn (Ðà Nẵng)
Phải trải qua hàng nghìn năm phong hóa, một mảnh đất mới có thể trồng được lúa. Nhưng chỉ cần đổ xi-măng vào đó là khả năng này hoàn toàn biến mất. Hiện nay, Chính phủ nhiều nước phát triển trong khu vực đang nỗ lực duy trì việc trả tiền để người dân giữ đất nông nghiệp màu mỡ, không bị hoang hóa. Nước ta cần nghiên cứu vấn đề này.
Ðại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
Công bố hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 2-11, Tổng Thư ký Quốc hội có công văn gửi các cơ quan báo chí đề nghị đăng tải công bố nội dung hai nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Cụ thể gồm: Nghị quyết số 587/NQ-UBTVQH14 ngày 16-10-2018 về việc thành lập thị trấn Tân Khai thuộc huyện Hớn Quản; thành lập phường Tiến Thành thuộc thị xã Ðồng Xoài và thành phố Ðồng Xoài thuộc tỉnh Bình Phước; và Nghị quyết số 590/NQ-UBTVQH14 ngày 27-10-2018 về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ.
Ðối với Nghị quyết số 590/NQ-UBTVQH14 về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm ông Ðặng Xuân Phương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp giữ chức Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm, kể từ ngày 1-11- 2018. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn nội dung các nghị quyết này trên Báo điện tử nhandan.com.vn hoặc nhandan.org.vn.
PV