Những vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự
Ngày đăng : 15:19, 01/11/2018
Khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTDS, Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ cần chú ý một số điểm như sau:
1. Về khiếu nại
Khiếu nại trong TTDS là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân, theo thủ tục quy định của BLTTDS, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi trong TTDS của cơ quan, người tiến hành tố tụng, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 499).
Thời hiệu khiếu nại: Vẫn như BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật (Điều 502). Điểm cần chú ý cụm từ “biết được” đó là trong trường hợp người khiếu nại không nhận được quyết định tố tụng nhưng họ biết được quyết định tố tụng, hành vi tố tụng đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ nên làm đơn khiếu nại. Trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thu thập tài liệu xác định thời điểm người khiếu nại biết được quyết định tố tụng, hành vi tố tụng trái pháp luật, để xác định thời hiệu khiếu nại. Nếu quá thời hiệu 15 ngày nhưng người khiếu nại có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại, thì thời giạn có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Hình thức khiếu nại: BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 không quy định rõ, do vậy để tránh tình trạng người khiếu nại không làm đơn khiếu nại, BLTTDS năm 2015 quy định người khiếu nại phải làm đơn ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại (Điều 503).
Đối tượng có thể bị khiếu nại: BLTTDS năm 2015 bổ sung thêm đối tượng có thể bị khiếu nại là Thẩm tra viên của Tòa án các cấp. (Điều 504).
Về thời hạn giải quyết khiếu nại: BLTTDS năm 2015 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được khiếu nại. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày (Điều 505). Như vậy, đối với những vụ việc phức tạp thì tổng thời hạn được 30 ngày, tăng 15 ngày so với BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Điều 504 quy định khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án Tòa án thì do Chánh án Tòa án cấp trên giải quyết; khiếu nại quyết định, hành vi của những người tiến hành TTDS còn lại (Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, Hội thẩm nhân dân) do Chánh án Tòa án cùng cấp giải quyết.
Thủ tục giải quyết khiếu nại, BLTTDS năm 2015 quy định trình tự hai lần giải quyết khiếu nại, cụ thể: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2. Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu kèm theo (Điều 507). Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 cũng không quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 là bao lâu (BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại là 15 ngày). Đây có thể là tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 có đủ thời gian nghiên cứu giải quyết chính xác, đúng pháp luật. Quy định thời hạn 15 ngày như trước đây là không đủ thời gian giải quyết, dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thường vi phạm thời hạn giải quyết. BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 không quy định về thời hiệu khiếu nại lần 2. Để khắc phục tình trạng khiếu nại kéo dài, BLTTDS năm 2015 đã quy định thời hiệu khiếu nại lần 2 trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và quyết định giải quyết lần 2 có hiệu lực thi hành (Điều 507).
Theo quy định của BLTTDS, khi giải quyết các vụ, việc dân sự, Tòa án các cấp ban hành các quyết định TTDS. Tuy nhiên, không phải tất cả các quyết định trong TTDS của Tòa án khi bị đương sự khiếu nại đều được giải quyết theo quy định tại chương XLI BLTTDS năm 2015. Về nội dung này BLTTDS năm 2015 có hai chế định giải quyết khiếu nại cần chú ý:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 499 "...Đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành TTDS ban hành nếu có khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định của chương này mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của bộ luật này”.
Thứ hai, quy định Điều 508: “Việc giải quyết khiếu nại về hoạt động giám định trong TTDS được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật có liên quan”.
Thứ ba, về việc khiếu nại trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, BLTTDS năm 2015 quy định cụ thể về thời hạn, trình tự thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại khác với việc giải quyết đơn khiếu nại theo quy định tại chương XLI. Theo đó, Điều 194 quy định: Thời hạn khiếu nại là 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện; sau khi nhận được khiếu nại, Chánh án phải phân công một thẩm phán khác xem xét giải quyết và trong thòi hạn 05 ngày làm việc, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại. Phiên họp có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp; Căn cứ tài liệu, chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và đương sự, Thẩm phán ra quyết định giải quyết khiếu nại. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại của Thẩm phán, nếu không đồng ý với quyết định này, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết; Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra quyết định giải quyết, quyết định này có hiệu lực thi hành. Ngoài ra, khoản 7 Điều 194 còn quy định: Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có vi phạm pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu quyết định bị khiếu nại là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng. Thủ tục này khác với thủ tục giải quyết khiếu nại theo tại chương XLI BLTTDS năm 2015 thì Tòa án chỉ có hai lần giải quyết khiếu nại.
Về quyền kiến nghị của Viện kiểm sát đối với Tòa án khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Theo quy định tại Điều 35 TTLT số 02: Trường hợp có căn cứ xác định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Tòa án cùng cấp và Tòa án cấp dưới khắc phục vi phạm pháp luật; Trường hợp Viện kiểm sát đã có kiến nghị mà Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kiến nghị của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án cấp trên. Việc kiến nghị lên Tòa án cấp trên nhằm kiến nghị của Viện kiểm sát trong TTDS được xem xét đầy đủ, chặt chẽ trong trường hợp Tòa án cấp dưới không thưc hiện kiến nghị. Điều này khác với Điều 483 BLTTHS 2015 không quy định việc kiến nghị với Tòa án cấp trên.
2. Về tố cáo
Mở rộng chủ thể có quyền tố cáo: BLTTDS năm 2015 quy định cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 509). Nếu so BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, quy định cụm từ “công dân có quyền tố cáo…” thì BLTTDS năm 2015 đã mở rộng quyền tự do, dân chủ cho tất cả mọi người kể cả người nước ngoài, người không có quốc tịch cũng có quyền tố cáo. Quy định công dân có quyền tố cáo như luật cũ thì chỉ bó hẹp trong phạm vi là công dân Việt Nam.
Thời hạn giải quyết tố cáo: BLTTDS năm 2015 vẫn giữ như cũ quy định về thời hạn giải quyết tố cáo, đó là không quá 02 tháng kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp có thể dài hơn nhưng không quá 03 tháng (Điều 512).
Thẩm quyền giải quyết tố cáo theo quy định Điều 512: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, nếu người bị tố cáo là Phó Chánh án, Chánh án Tòa án thì Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết. Trong TTDS về thẩm quyền giải quyết tố cáo cần có lưu ý:
Một là có sự khác biệt về thẩm quyền giải quyết khiếu nại so với tố cáo, đó là: đối với khiếu nại hành vi tố tụng của Phó chánh án Tòa án, thẩm quyền giải quyết do Chánh án Tòa án cùng cấp có trách nhiệm giải quyết; đối với Tố cáo hành vi tố tụng của Phó chánh án Tòa án lại do Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết,.
Hai là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong Tố tung dân sự, nếu có dấu hiệu tội phạm thì được giải quyết theo quy định của Bộ luật TTHS (Điều 512)
Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý khi tiến hành kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong TTDS, xin trao đổi để cán bộ làm công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp cùng nghiên cứu, thực hiện nhằm năng cáo chất lượng công tác kiểm sát.
Nguyễn Mạnh Hà
Trưởng Phòng 12, VKSND TP. Hà Nội