VKSND huyện Cưmgar, Đắk Lắk vận dụng sự chỉ đạo của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm
Ngày đăng : 13:46, 31/10/2018
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu của lịch sử, là nhân tố quyết định, bảo đảm cho sự phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta. Bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng là vấn đề chiến lược có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ta nói chung và VKSND nói riêng.
Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng ưu tú của dân tộc Việt Nam, người rất chú trọng xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp và xác định đây là cơ quan trọng yếu của chính quyền. Bác coi phát triển nền tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người cho rằng: "Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ".
Mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp nhân dân, Bác luôn dành những tình cảm bình dị, luôn đưa ra những lời căn dặn giản dị mà sâu sắc. Ðối với cán bộ kiểm sát, Bác căn dặn "Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Xuất phát từ tính chất của công tác kiểm sát là công tác phát hiện vi phạm, tội phạm, liên quan mật thiết đến sinh mệnh, tự do, danh dự và nhân phẩm của con người, do vậy đòi hỏi cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, công bằng, tôn trọng sự thật, phải tạo lập cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đứng về lẽ phải và kiên quyết bảo vệ lẽ phải như Bác đã từng nói "Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục". Về tác phong và phương pháp làm việc, Bác yêu cầu cán bộ kiểm sát phải khách quan, thận trọng, phải xuất phát từ thực tế, dựa trên những căn cứ khoa học để phân tích kỹ lưỡng, toàn diện sự việc trước khi đưa ra các quyết định, tránh sai sót. Khiêm tốn là đức tính mà Bác Hồ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ kiểm sát phải rèn luyện. Khiêm tốn đòi hỏi phải đánh giá đúng về bản thân mình, không kiêu căng, tự mãn, luôn cầu thị học hỏi để ngày càng thêm tiến bộ.
Việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Ðảng về cải cách tư pháp và thực hiện lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, Kiểm sát viên VKSND các cấp về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác tư pháp nói chung, của hệ thống các cơ quan tư pháp nói riêng và thấy rõ tính cấp thiết, yêu cầu khách quan của việc đẩy mạnh cải cách tư pháp. Đặc biệt là việc thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, điển hình là Chỉ thị 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Bộ chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Chỉ thị đã nêu rõ: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác phòng, chống tội phạm phải được thực hiện trong tiến trình cải cách tư pháp, phải tôn trọng quyền dân chủ, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân và phải lấy chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp chặt chẽ với tích cực tấn công trấn áp tội phạm. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tội phạm để mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, tích cực tham gia công tác này; Tập trung điều tra, khám phá, xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm, nhất là tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, tội phạm có tổ chức, các loại tội phạm về ma túy, mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt lớn tài sản nhà nước… Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm của các cơ quan chuyên môn; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn với các cơ quan khác, các tổ chức quần chúng trong phòng, chống tội phạm. Từng cá nhân cán bộ, kiểm sát viên ngành kiểm sát nói chung và VKSND huyện CưM'gar nói riêng đã có được nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của cải cách tư pháp và xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp.
|
Bên cạnh đó, đơn vị còn nhận được sự chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ từ VKSND tối cao, từ Lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo và cán bộ, Kiểm sát viên của VKSND huyện CưM'gar luôn được nâng cao nhận thức về nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó cho ngành Kiểm sát. Trong suốt những năm qua, VKSND huyện CưM'gar đều thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Những kết quả mà tập thể đơn vị VKSND huyện CưM'gar đạt được trong những năm qua được VKSND tỉnh, VKSND tối cao, cấp uỷ địa phương và nhân dân ghi nhận, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
VKSND huyện CưM'gar đặc biệt chú trọng việc chống oan sai và bỏ lọt tội phạm. Trong 3 năm 2016, 2017, 2018 VKSND huyện CưM’gar đã yêu cầu khởi tố 04 vụ án, huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can đối với 01 bị can.
Thấm nhuần lời dạy của Bác đối với người cán bộ kiểm sát, trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ, mỗi Kiểm sát viên luôn khách quan, thận trọng, tôn trọng sự thật khách quan của vụ án. Có vụ án Toà án trả hồ sơ điều tra nhiều lần yêu cầu thay đổi sang tội danh khác có mức hình phạt nặng hơn. Tuy nhiên, Viện kiểm sát kiên quyết từ chối, không chấp nhận yêu cầu của Toà án. Điển hình như vụ Trương Bá Khánh, phạm tội “Dâm ô đối với trẻ em”. Toà án trả hồ sơ 02 lần, yêu cầu bổ sung chứng cứ và có căn cứ cho rằng bị can phạm tội phạm tội Hiếp dâm trẻ em. Do nhận định hành vi của Trương Bá Khánh cấu thành tội Dâm ô đối với trẻ em chứ không phải tội Hiếp dâm trẻ em như Tòa án nhận định. Vì vậy, cả 02 lần Tòa án trả hồ sơ Viện kiểm sát đều có công văn không chấp nhận yêu cầu điều tra bổ sung chứng cứ và thay đổi tội danh của Tòa án, giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo về tội “Dâm ô đối với trẻ em” và chuyển hồ sơ sang Tòa án đề nghị tiếp tục xét xử. Hiện vụ án đã được Tòa án xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Việc thực hiện công cuộc cải cách tư pháp của Đảng cùng sự phấn đấu, rèn luyện thực hiện theo lời Bác dạy đối với người cán bộ kiểm sát. Trong nhiều năm qua, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND huyện CưM'gar đã được cấp trên ghi nhận và đánh giá cao.
Như vậy, việc nhận thức đầy đủ về vai trò trách nhiệm của người cán bộ kiểm sát là góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, tạo thêm niềm tin cho nhân dân đối với VKSND - cơ quan tư pháp bảo vệ Nhà nước, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và nhân dân.
Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ cách mạng của mình, mỗi cán bộ Lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác cải cách tư pháp, lấy lời dạy của Chỉ tịch Hồ Chí Minh đối với người cán bộ kiểm sát làm kim chỉ nam trong thực hiện nhiệm vụ, gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Làm được điều này chính là góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”./.
Xem thêm>>>
VKSND tỉnh Lâm Đồng: Chung tay xây dựng “Nông thôn mới”
Nhìn lại 3 năm ngành KSND tỉnh Đắk Lắk “Chung sức xây dựng nông thôn mới”