Bản tin Kiểm sát ngày 29/10

Ngày đăng : 09:54, 30/10/2018

(Kiemsat.vn) - VKSND tối cao kiểm tra toàn diện VKSND các tỉnh Cao Bằng, Sóc Trăng; VKSND tỉnh Hà Tĩnh thanh tra toàn diện 02 đơn vị cấp huyện là những hoạt động chính trong bản tin ngày hôm nay.

* Từ ngày 23/10/2018 đến ngày 26/10/2018, Đoàn kiểm tra của VKSND tối cao do đồng chí Nguyễn Văn Hải, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4) làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao tại VKSND tỉnh Cao Bằng. Tham gia Đoàn kiểm tra có các đồng chí đại diện Lãnh đạo các Vụ, các đồng chí Kiểm sát viên cao cấp VKSND tối cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Vụ trưởng Vụ 4, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu kết luận

Đoàn kiểm tra đã nghe Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Cao Bằng báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị công tác năm 2018 của Viện trưởng VKSND tối cao thời điểm từ 01/12/2017 đến 30/09/2018; trực tiếp làm việc với Lãnh đạo Viện, các phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh, đơn vị VKSND huyện Trùng Khánh và kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan đến các nội dung cụ thể.

Tại buổi công bố dự thảo kết luận, Đoàn kiểm tra cơ bản nhất trí với kết quả công tác trong  báo cáo của VKSND tỉnh: Đến hết tháng 9/2018, VKSND tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu công tác đề ra, nhiều lĩnh vực làm tốt, như không trường hợp nào bị tạm giữ, tạm giam quá hạn, không có bị can nào phải đình chỉ điều tra do không phạm tội, không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố Toà án tuyên không phạm tội; nhiều chỉ tiêu đạt cao và vượt mục tiêu đã đề ra, nhất là một số nhiệm vụ trọng tậm tạo sự đột phá đã lựa chọn từ đầu năm; nội bộ đơn vị đoàn kết; phối hợp tốt với cấp uỷ và các cơ quan tư pháp ở địa phương. Bên cạnh đó Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số mặt còn tồn tại, hạn chế trong từng khâu công tác để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên và đề nghị Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh đề ra những giải pháp khắc phục, làm tốt những nội dung về công tác quản lý chỉ đạo điều hành VKS hai cấp; chú trọng công tác thanh tra, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và tiếp tục phối hợp với các cơ quan tố tụng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Đồng chí Lê Minh Long, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng phát biểu tại buổi kết luận

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Thúy Loan

VKSND tỉnh Cao Bằng

* Trong 03 ngày 22, 23, 24/10/2018, Đoàn kiểm tra số 05 VKSND tối cao do đồng chí Dương Văn Phùng, Vụ trưởng Vụ 7 làm Trưởng đoàn, đã tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018 tại VKSND tỉnh Sóc Trăng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại đây, Đoàn kiểm tra đã nghe lãnh đạo VKSND tỉnh Sóc Trăng báo cáo tình hình, kết quả công tác kiểm sát từ ngày 01/12/2017 đến ngày 30/9/2018, sau đó tiến hành trực tiếp kiểm tra tài liệu, hồ sơ, sổ sách trên từng khâu công tác tại các đơn vị thuộc VKSND tỉnh trong việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao; trực tiếp trao đổi về nghiệp vụ, giải đáp một số vướng mắc, khó khăn của cán bộ, Kiểm sát viên đặt ra; đồng thời Đoàn kiểm tra đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo các ngành Công an, Tòa án và Cục thi hành án dân sự tỉnh.

Đồng chí Dương Văn Phùng, Vụ trưởng Vụ 7, VKSND tối cao Trưởng đoàn công bố dự thảo kết luận

Phát biểu công bố dự thảo kết luận kiểm tra, đồng chí Dương Văn Phùng, Vụ trưởng Vụ 7, Trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của VKSND tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2018, lãnh đạo VKSND tỉnh cần phát huy những ưu điểm và đề ra các giải pháp thực hiện tốt một số nội dung sau: Tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao; tổ chức kiểm tra rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, thiếu sót trong từng khâu công tác; tăng cường chỉ đạo cán bộ, Kiểm sát viên VKSND hai cấp nỗ lực phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các khâu công tác, bảo đảm hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch công tác đề ra; phát huy sự đoàn kết trong tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, đề cao vai trò người đứng đầu, thường xuyên đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài; tăng cường công tác tự đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thông qua xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm để tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, Kiểm sát viên đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Đồng chí Đinh Gia Hưng, Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu tiếp thu ý kiến

                                                                        Thạch Minh Mẫn

                                                                        VKSND tỉnh Sóc Trăng

* Vừa qua, các Đoàn thanh tra VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành thanh tra toàn diện việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác kiểm sát năm 2018 tại 2 đơn vị VKSND cấp huyện (Nghi Xuân và Lộc Hà).

Tại các bản kết luận thanh tra nêu rõ: Về cơ bản các đơn vị được thanh tra đã có nhiều biện pháp đổi mới, cố gắng, nổ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đột phá, chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được nâng cao, có nhiều chỉ tiêu vượt Kế hoạch. Tập thể các đơn vị đoàn kết, các tổ chức đoàn thể hoạt động có hiệu quả, phát huy phong trào thi đua sôi nổi trong đơn vị;… 

Bên cạnh đó, các đơn vị được thanh tra còn để xảy ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ. Đoàn thanh tra đã yêu cầu các đơn vị cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên; tiếp tục phát huy những mặt ưu điểm đạt được, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục không để lặp lại các tồn tại, hạn chế nêu trên; đề ra giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong thời gian tới./.

                                                      Phương Thanh

 VKSND tỉnh Hà Tĩnh

* Mới đây, VKSND huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng đã tổ chức buổi tọa đàm về “Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân”.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng; TAND huyện Thạnh Trị và đại diện các VKSND thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú và huyện Trần Đề.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Thực tiễn áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (gọi tắt là Pháp lệnh 09) vẫn còn tồn tại những bất cập, vướng mắc; một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng từ đó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau đã gây khó khăn cho việc giải quyết và kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính; các vụ việc dân sự, lao động, kinh doanh doanh thương mại và kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa. Do đó, VKSND huyện Thạnh Trị đã tổng hợp một số quy định và một số trường hợp còn gặp phải những khó khăn vướng mắc đưa ra cùng các lãnh đạo VKSND tỉnh, VKSND các huyện và các đại biểu để cùng nhau nghiên cứu, trao đổi, thảo luận nhằm thống nhất về cách hiểu và áp dụng pháp luật.

Tại buổi Tọa đàm các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận 19 vấn đề khó khăn, vướng mắc được VKSND huyện Thạnh Trị tổng hợp đưa ra trong đề cương Tọa đàm. Qua đó, các đại biểu cũng chia sẽ thêm những tình huống vướng mắc phát sinh từ thực tế tại các đơn vị để cùng nghiên cứu, làm rõ. 

                                       Khưu Tú Anh

VKSND huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng

* Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, VKSND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các giải pháp làm giảm mạnh các loại tội phạm, tai, tệ nạn xã hội; kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ, hạn chế xảy ra trọng án.

Trong đó, đáng chú ý là phối hợp với Cơ quan điều tra, Toà án cùng cấp chọn các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm làm án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhanh phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị địa phương, nhất là tại các xã có kế hoạch xây dựng nông thôn mới và xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã đã được công nhận nông thôn mới và có kế hoạch xây dựng nông thôn mới đơn vị thường xuyên tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của công dân về công tác pháp luật, hỗ trợ sách pháp luật cho người dân nghiên cứu tại chỗ nếu có yêu cầu.

Ngoài ra, đơn vị có thành lập 01 tổ tuyền gồm có 07 cộng tác viên tham gia tập trung viết bài và đưa tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xảy ra trên địa bàn xã xây dựng nông thôn mới nói riêng, trên toàn huyện Gò Công Đông nói chung đảm bảo đáp ứng nhu cầu công tác thông tin tuyên truyền cơ sở trong tình hình mới.

Đặc biệt, tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Chỉ thị số 02-CT/HU ngày 25/3/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc tiếp nhận, xử lý và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện. Đồng thời, thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, Viện kiểm sát đã tập hợp tình hình vi phạm, tội phạm ban hành nhiều kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm, như phòng ngừa trẻ em đuối nước, phòng ngừa vi phạm, tội phạm cản trở giao thông đường bộ; ma túy, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản trong cơ quan nhà nước… Từ đó, đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ở địa phương; cùng các ngành  giúp cho các xã hoàn thành tiêu chí về xây dựng xã an toàn về an ninh trật tự.

Đơn vị thường xuyên phối hợp với các xã nông thôn mới và xã có kế hoạch xây dựng nông thôn mới tham gia các phong trào nạo vét kênh mương, kiến cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, vớt lục bình khai thông dòng chảy cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp…thông qua tập thể Đoàn viên thanh niên và lãnh đạo đơn vị. Chủ động tạo sân chơi thể thao, văn hóa giữa các xã nông thôn mới như: tổ chức thi đấu giải bóng đá mini, bóng chuyền, tenis…

Tập trung xây dựng các chương trình xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn các xã nông thôn mới và có kế hoạch xây dựng nông thôn mới, hiện đơn vị đang tham gia nuôi vợ liệt sĩ tại xã Kiểng Phước.

Thường xuyên phối hợp với phòng tài nguyên, môi trường huyện tổ chức các cuộc vận động thu gom, xử lý rác thải, trồng mới cây xanh ở các công trình công cộng trên địa bàn các xã nông thôn mới, tạo môi trường xanh, sạch đẹp đạt và vượt các tiêu chuẩn đã đề ra.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, Viện trưởng với vai trò là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện đã cùng Ban chấp hành Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo xã Tân Đông hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới và được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào 31/12/2016. Năm 2017, xây dựng hoàn thành 19 tiêu chí và đã ra mắt 2 xã Tân Thành và Bình Ân đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2017. Nâng tổng số đến nay toàn huyện có 5/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, tiếp tục xây dựng hoàn thành 19 tiêu chí xã Tân Phước và sẽ ra mắt vào cuối năm 2018. Phấn đấu đến năm 2020 các xã còn lại sẽ đạt chuẩn nông thôn mới; hiện tại huyện Gò Công Đông được tỉnh chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới và sẽ ra mắt vào năm 2020.

Với những đóng góp tích cực, có hiệu quả nêu trên đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân địa phương ở các khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Gò Công Đông. Tin tưởng rằng, bằng những việc làm thiết thực, những năm tới đơn vị sẽ tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa cho phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Đặng Dũng

VKSND huyện Gò Công Đông, Tiền Giang

Bản tin Kiểm sát ngày 26/10

Bản tin Kiểm sát ngày 25/10

VKSND địa phương