Tổng hợp ý kiến thảo luận Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Ngày đăng : 08:19, 30/10/2018
Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, đến nay hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thống nhất. Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng 02 phương án:
Phương án 1: Thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án. Theo đó, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình; Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu
Phương án 2: Thu thuế thu nhập cá nhân bảo đảm có căn cứ, phù hợp với thực tiễn, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Phát biểu trước khi các đại biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định đây là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới, phức tạp và còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận để làm rõ thêm các nội dung: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra khu vực ngoài nhà nước; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV |
Mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực tư
Đa số ý kiến đại biểu phân tích về sự cần thiết và tán thành phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp; đại biểu Võ Đình Tín, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết trên thực tế nạn tham nhũng ngoài khu vực nhà nước làm ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, đến phát triển lành mạnh của nền kinh tế; hành vi tham nhũng ở khu vực tư là rất lớn, trục lợi đầu tư, mua chuộc quan chức đưa hối lộ. “Thời gian qua không ít doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng bị thanh tra, kiểm toán do liên quan đến đấu thầu những thầu bán tài sản, nguồn kinh phí từ các chương trình dự án của nhà nước”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết thêm.
Đồng tình mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư, nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội không đồng tình với đối tượng của khu vực tư đưa vào kiểm soát là doanh nghiệp đại chúng. Vì doanh nghiệp đại chúng đã phải chịu sự kiểm soát của rất nhiều cổ đông, đồng thời doanh nghiệp này phải chịu cáo bạch trên thị trường chứng khoán. Theo ông, đối tượng cần kiểm soát chỉ nên quy định là những doanh nghiệp tư có quan hệ cung cấp mua bán tài sản, dịch vụ cho khu vực công thì phải kiểm soát tham nhũng bằng hình thức kiểm toán công khai tài chính 3 năm, năm trước, năm sau và năm có nảy sinh giao dịch, quan hệ mua bán đó.
Thanh tra Chính phủ có quá tải?
Hầu hết các ý kiến thảo luận tại Hội trường nhất trí với phương án giao Thanh tra Chính phủ và thanh tra bộ, ngành, cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ và chính quyền địa phương. Các cơ quan khác, các tổ chức chính trị xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan tổ chức mình. Đại biểu Võ Đình Tín, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá phương án này thể hiện sự tăng cường hơn tính tập trung, đồng thời khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối của cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập như hiện nay.
Tuy nhiên, các đại biểu còn tỏ ra băn khoăn về việc giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đặt câu hỏi: Việc giao như vậy có quá tải với Thanh tra Chính phủ không? ông đề nghị: Thanh tra Chính phủ chỉ kiểm soát tài sản, thu nhập từ Phó Chủ tịch tỉnh trở lên. Đại biểu Trần Văn Mão, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý: Với 63 tỉnh, thành và các cơ quan bộ ngành ở Trung ương trong bộ máy nhà nước, Thanh tra Chính phủ mà kiểm soát từ Giám đốc Sở trở lên thì sẽ trở thành hình thức.
“Cần cân nhắc việc thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập của các đối tượng có nghĩa vụ kê khai vì dự thảo luật đã bổ sung thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập về xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản thu nhập”, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị.
Xử lý thu nhập tăng thêm: Khó có phương án mỹ mãn
Xử lý thu nhập tài sản tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc theo Điều 52 của Dự thảo luật là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo giải trình, làm rõ thêm cụm từ "không hợp lý" trong “thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc” để tránh nhận thức pháp luật khác nhau và dẫn tới thực thi pháp luật không thống nhất. Đối với tài sản bất minh, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh thì cần phân chia ra làm nhiều loại: Loại thứ nhất là tài sản hoàn toàn hợp pháp mà không khai báo. Loại thứ hai là tài sản có vấn đề, có thể là không đóng thuế, chỉ xử lý ở mức độ hành chính, thậm chí không đưa vào xử lý tài sản. Cũng là tài sản bất minh, có trường hợp phải chuyển Cơ quan điều tra.
Về xử lý thu nhập tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc, đại biểu Phạm Đình Cúc, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng chỉ có Tòa án là cơ quan xét xử nhân danh nhà nước, xem xét tính hợp lý của việc giải trình mới đảm bảo khách quan, minh bạch về quyền lợi các bên trên cơ sở tài liệu chứng minh của cơ quan kiểm soát tài sản. Vì vậy, theo ông, xử lý tài sản thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét quyết định.
Cùng quan điểm này, đại biểu Ngô Trung Thành, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đặt vấn đề đây là các tài sản chưa xác định được đó là tài sản bất minh hình thành được từ vi phạm pháp luật, chỉ đơn giản là tài sản chưa giải trình được.Vì vậy, dù phương án 2 hay phương án 1 thì vẫn phải là Tòa án, vì chỉ có Tòa án mới đảm bảo sự minh bạch.
Cho rằng việc thu thuế thu nhập cá nhân dường như chưa có cơ sở chắc chắn khi nhận thức chỉ tạm coi đây là khoản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Điều đặc biệt hơn ở đây là theo phương án này, việc thu thuế ngay khi chính người phải nộp thuế thu nhập cá nhân lại không giải trình, chứng minh được một cách hợp lý tài sản thu nhập mà họ phải chịu thuế là của họ, nên đại biểu Đỗ Văn Bình, đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng việc xử lý tài sản tăng thêm mà giải trình không hợp lý sẽ do Tòa án xem xét quyết định. Phương án này sẽ đảm bảo tính khách quan, dân chủ và sự minh bạch khi thực hiện thủ tục có tranh tụng công khai tại Tòa để xem xét quyết định tính hợp lý về nguồn gốc tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.
“Không nên áp dụng quy định thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản không giải trình rõ nguồn gốc hoặc giải trình chưa hợp lý…” đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội góp ý như vậy khi chỉ ra các lý do sau: Chưa thực sự phù hợp với bản chất thuế và chưa đảm bảo tính công bằng; căn cứ để tính thuế chưa thực sự vững chắc; với giao dịch tiền mặt còn đang phổ biến hiện nay, cơ sở dữ liệu chưa ổn định thì việc khẳng định nguồn gốc tài sản không hợp lý cũng chưa vững chắc và sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Theo đại biểu Võ Đình Tín, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Tòa án sẽ ra quyết định thu hồi tài sản tăng thêm cho Nhà nước nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của mình. Song, trước khi chuyển cho Tòa án cần phải chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ căn cứ pháp lý để tòa án phán quyết chính xác.
Không đồng tình với phương án xử lý tài sản thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình lý giải: Bởi vì Thanh tra, Kiểm toán, Cơ quan điều tra mà không chứng minh được tài sản thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, không có cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển cho Tòa án xét xử. Không chứng minh được vi phạm mà thu hồi thì khó thực thi.
Chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nói thêm, việc thu thuế cũng không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do vi phạm pháp luật mà có. Ông cũng tỏ ra băn khoăn, nếu thông qua Tòa án thì thực tế cho thấy thủ tục, quy trình xử lý qua Tòa án khó có thể tiến hành nhanh chóng vì có thể đối tượng khởi kiện ra Tòa án cao hơn. Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhận định nếu thông qua Tòa án, thì Tòa phải chứng minh xem người kê khai đúng hay cơ quan quản lý tài sản đúng, việc chứng minh này là không đơn giản và nếu giao cho Tòa án một nhiệm vụ nữa thì liệu có quá tải không?
Thể hiện quan điểm của mình, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội thì tài sản không kê khai tức là cố tình che giấu, phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí là tịch thu và xử lý kể cả về mặt hành chính. Đối với tài sản kê khai không chứng minh được nguồn gốc mà có nghi ngờ thì phải chuyển tài sản đó cho Cơ quan điều tra để điều tra dấu hiệu bất minh đó. Còn trường hợp cơ quan quản lý không phát hiện ra dấu hiệu bất minh thì chuyển qua cơ quan thuế để thu thuế.
Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, phải dùng giải pháp kinh tế để xử lý những vấn đề kinh tế. Nếu tài sản chưa hợp pháp thì chưa thể thu thuế và xử lý vấn đề tài sản phải có lộ trình. Bà đề nghị lộ trình đến năm 2025 và có phân loại từng loại tài sản để xử lý.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị vẫn giữ vấn đề thu tài sản tham nhũng theo quy định hiện hành, vì đã là tài sản có nghi vấn thì dứt khoát phải đưa vào quá trình điều tra và nếu là tài sản tham nhũng là phải tịch thu.
Phát biểu kết luận thảo luận, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhận định xử lý tài sản là vấn đề nóng nhất hiện nay. Tuy nhiên, tài sản tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc không phải là loại tài sản tham nhũng, vì nếu đã là tài sản tham nhũng thì trách nhiệm là của Cơ quan điều tra và đã là tài sản tham nhũng phải xử lý và tịch thu.
Tài sản được đề cập ở đây là loại tài sản chưa chứng minh được. Thứ nhất là, cơ quan có trách nhiệm chưa chứng minh được đó là tài sản tham nhũng. Thứ hai là, người có tài sản cũng không giải trình được hợp lý tài sản tăng thêm đó có nguồn gốc từ đâu.
Đối với hành vi kê khai không trung thực và hành vi giải trình nguồn gốc tăng thêm không trung thực thì hiện xử lý theo Điều 52 Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và Điều 29 Nghị định 78 năm 2013 về minh bạch tài sản. Đối với những người kê khai tài sản không trung thực thì xóa tên khỏi danh sách đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và danh sách ứng cử, không bổ nhiệm, không phê chuẩn vào chức vụ dự kiến sẽ bổ nhiệm phê chuẩn, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức nhà nước theo quy định của pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, không có một phương án nào là mỹ mãn hoàn toàn, có thể đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm. Phương án ưu việt hơn như đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giải quyết qua Tòa án theo thủ tục xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa.
(Tổng hợp theo Biên bản ghi âm buổi sáng ngày 25/10/2018: Thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - Cổng thông tin điện tử Quốc hội).
Xem thêm>>>
Quốc hội sẽ thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 6
Phòng, chống tham nhũng: Vi phạm tới đâu xử lý tới đó và không có vùng cấm
Chống tham nhũng: Phải dẹp “sân sau”, điều tra “giàu bất thường”