Bản tin Kiểm sát ngày 24/10
Ngày đăng : 20:09, 24/10/2018
* Vừa qua, VKSND tỉnh Điện Biên khai mạc cuộc thi viết Cáo trạng, Luận tội lần thứ III năm 2018 và trong ngày 21/10/2018, cuộc thi bắt đầu, buổi sáng thi viết Cáo trạng, buổi chiều thi viết Luận tội, thời gian mỗi bài thi là 180 phút. Đến dự và chỉ đạo khai mạc cuộc thi có đồng chí Phan Văn Kỷ, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởngVKSND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi và các thành viên trong Hội đồng thi. Thành phần tham gia cuộc thi có 79 đồng chí là Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên và Chuyên viên của VKS hai cấp, trong đó có 14 Phó Viện trưởng VKS cấp huyện, Phó trưởng phòng và 04 Viện trưởng cấp huyện.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, VKSND tỉnh ban hành Kế hoạch, Quyết định thành lập Hội đồng thi, Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban Giám sát. Việc coi thi đảm bảo khách quan, đúng quy định, Sau khi hoàn thành hai phần thi, Ban giám khảo sẽ niêm phong bài làm của các thí sinh. Trước khi chấm, bài thi của các thí sinh được dọc phách, việc chấm thi công bằng, khách quan, thực chất để lựa chọn những bài viết tốt làm mẫu, tham khảo. Với quan điểm chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, 100% Lãnh đạo các VKS cấp huyện phụ trách khâu hình sự, cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác THQCT và kiểm sát điều tra, xét xử án hình sự, phải tham gia cuộc thi, nên các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc đăng ký dự thi. Sau cuộc thi này, Hội đồng thi sẽ công bố kết quả và lựa chọn 03 bài thi có tổng số điểm cao nhất của 2 môn, trong đó mỗi môn phải đạt từ 80 điểm trở lên để trao giải.
Việc tổ chức cuộc thi viết Cáo trạng, Luận tội được VKSND tỉnh Điện Biên xác định là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2018, để xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Duy Hiếu/VKSND tỉnh Điện Biên
* Từ ngày 15/10/2018 đến ngày 19/10/2018, VKSND tỉnh Bình Định tiến hành trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại Trại giam Kim Sơn - Bộ Công an.
Sau khi nghe đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ Giám thị Trại giam Kim Sơn - Bộ Công an báo cáo tình hình chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án phạt tù tại Trại giam Kim Sơn - Bộ Công an từ ngày 21/5/2018 đến ngày 14/10/2018, Đoàn đã trực tiếp kiểm sát, nghiên cứu sổ sách, các báo cáo, văn bản, tài liệu và hồ sơ liên quan đến công tác quản lý, giáo dục và thực hiện chế độ đối với phạm nhân; kiểm sát tại buồng giam, buồng thăm gặp, buồng kỷ luật, nơi bán hàng căng tin, trạm xá, nơi lao động của phạm nhân và những nơi khác có liên quan; làm việc với một số Tổ nghiệp vụ; gặp hỏi một số phạm nhân về việc giam giữ; yêu cầu người có liên quan giải trình và tiến hành xác minh; thông qua trao đổi, tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo kết luận.
Đồng chí Trần Minh Quốc, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu Kết luận sau khi trực tiếp kiểm sát |
Qua đó nhận thấy: Trại giam Kim Sơn đã triển khai thực hiện tốt các quy định về chế độ công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ Cảnh sát và các hướng dẫn của cấp trên về công tác hồ sơ phạm nhân; công tác phân loại và tổ chức giam giữ phạm nhân; việc lựa chọn phạm nhân lao động diện rộng, tổ chức lao động sản xuất, học nghề được xét duyệt chặt chẽ theo đúng quy định; việc thực hiện quản lý phạm nhân đi lao động, khám, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế đều thực hiện đúng quy định; chế độ học tập, học nghề và được thông tin được đảm bảo; chế độ lao động, sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, thủ tục đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, miễn chấp hành án phạt tù được thực hiện đúng quy định. Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân thực hiện đúng Thông tư số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Liên ngành Trung ương....
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật trên, qua công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại Trại giam Kim Sơn - Bộ Công an, VKSND tỉnh Bình Định cũng đã kiến nghị yêu cầu khắc phục trong thời gian tới đó là: Nhà thăm gặp phạm nhân đã xuống cấp nên cần báo cáo đề xuất cấp trên đầu tư xây dựng; việc phân loại biên chế đội phạm nhân tại một số đội có biên chế vượt quá quy định. Những kiến nghị của Đoàn kiểm sát đã được Trại giam Kim Sơn chấp nhận và sẽ khắc phục trong thời gian tới.
Trần Quốc Việt/ VKSND tỉnh Bình Định
* Ngày 22/10, VKSND TP. Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến 02 cấp kiểm sát thành phố về triển khai kế hoạch Ngày pháp luật Việt Nam năm 2018. Hội nghị với sự tham dự của toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động thuộc 02 cấp kiểm sát thành phố Cần Thơ.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng VKSND TP. Cần Thơ đã thông qua Kế hoạch Tổ chức, triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ. Với chủ đề Ngày pháp Luật năm 2018 là “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật”, kế hoạch được triển khai nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy tính tích cực, tự giác học tập tìm hiểu pháp luật của công chức và người lao động, tạo sự lan tỏa trong xã hội đến người dân, góp phần giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật, gắn với phong trào thi đua hướng đến tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Văn Ri, Thành ủy viên, Viện trưởng VKSND TP. Cần Thơ yêu cầu 2 cấp kiểm sát thành phố nghiêm túc triển khai các hoạt động thiết thực để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018, cụ thể: “1.Trưởng phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Viện trưởng VKSND các quận, huyện chỉ đạo, quán triệt, phổ biến đến toàn thể công chức, người lao động về chủ đề, nội dung, hình thức, nhiệm vụ triển khai Ngày Pháp luật nước CHXHCNVN; 2. Chọn một nội dung, hình thức, cách làm phù hợp với điều kiện và đặc thù của đơn vị. Đồng thời lồng ghép quán triệt, thực hiện chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, các luật, pháp lệnh mới ban hành; tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hoạt động chuyên môn gắn với quán triệt, phổ biến, giới thiệu nội dung các văn bản mới trong phạm vi quản lý; phát huy vai trò công tác của Viện kiểm sát nhân dân trong phòng, chống tội phạm, xây dựng nông thôn mới, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; 3. Triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về Ngày Pháp luật Việt Nam trên các phương tiện thông tin, báo chí: (Treo băng rôn tại cổng Cơ quan VKSND TP. Cần Thơ, VKSND quận, huyện; Phòng Thống kê tội phạm và CNTT xây dựng chuyên mục “ Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, phát động, nhắc nhở các đơn vị tham gia viết tin, bài nhiều hơn so với ngày thường và sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để xét chiến sĩ thi đua cơ sở); 4. Chi đoàn cơ sở Viện kiểm sát thành phố Cần Thơ phát động và tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “ Luật phòng chống thuốc lá”; 6. Cần nhân rộng những cá nhân điển hình, tập thể có cách làm hay trong việc hướng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCNVN”.
Bảo Anh/Viện trưởng VKSND TP. Cần Thơ
* Vừa qua, VKSND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định phối hợp với Tòa án nhân dân huyện mở phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm đối với vụ án: Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị xâm phạm, giữa: Nguyên đơn: Trần Quan với bị đơn: Lê Thành Ngộ.
Nội dung đơn khởi kiện của ông Trần Quan: Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 27.4.2017, ông điều khiển xe máy đến nhà cháu là Nguyễn Thị Kim Qúy để trả nợ, khi ông đi tới đoạn đường đất trước nhà bà Nguyễn Thị Khi ở cùng thôn thì gặp ông Lê Thành Ngộ đi ngược chiều. Ông Ngộ chặn xe lại và đánh ông bất tỉnh rồi bỏ đi. Sau khi sự việc xảy ra, ông được gia đình đưa đến Trung tâm y tế huyện Phù Mỹ cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định điều trị từ ngày 27/4/2017 đến ngày 03/5/2017 thì xuất viện. Sau đó, ông tiếp tục điều trị tại Bệnh viện mắt Quy Nhơn và thành phố Hồ Chí Minh. Hiện sức khỏe của ông chưa ổn định, hai mắt mờ, chưa thể lao động được. Nay ông khởi kiện yêu cầu ông Ngộ phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm với tổng số tiền là 134.571.691đồng.
Căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ, kết quả hỏi và tranh luận của các bên đương sự, ý kiến của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã chấp nhận và tuyên án.
Sau khi kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là hình thức tự học hỏi, chia sẻ và rút kinh nghiệm chung cho cán bộ, Kiểm sát viên, nhằm góp phần nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, nhất là kỹ năng của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự.
Thanh Nghị/ VKSND Phù Mỹ, Bình Định
* Xuất phát từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự trên địa bàn huyện Gò Công Đông. Vừa qua, VKSND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ban hành kiến nghị (số 411/KN-VKS ngày 24/9/2018) đến đồng chí Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về tội cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện. Trong đó, có phân tích, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm cố ý gây thương tích; đưa ra nguyên nhân và đề xuất áp dụng một số biện pháp phòng ngừa trong thời gian tới.
Tiếp thu kiến nghị nêu trên, ngày 17/10/2018 Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Công có Công văn số 2154/UBND về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó chỉ đạo Trưởng Công an, Đài truyền thanh – truyền hình huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm một số công việc sau:
- Rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế, thiếu sót theo nội dung nêu tại Công văn số 411/KN-VKS ngày 24/9/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện.
- Trưởng Công an huyện Gò Công Đông: Tăng cường lãnh, chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Công an xã trong việc quản lý nhân khẩu; thường xuyên kiểm tra, giám sát các tụ điểm kinh doanh game, Internet và các đối tượng thường xuyên uống rượu, tụ tập gây rối, quậy phá, có dấu hiệu sử dụng chất ma túy để kịp thời ngăn chặn; dùng biện pháp giáo dục, giúp các đối tượng này nhận thức được tác hại và hành vi sai trái của mình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng vi phạm. Có biện pháp vận động, thuyết phục người bị hại cần hợp tác tích cực với cơ quan điều tra để trưng cầu giám định thương tật và yêu cầu xử lý hình sự các đối tượng cố ý gây thương tích cho người khác theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ đạo lực lượng Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kết hợp với những buổi họp dân để nắm bắt tình hình an ninh trật tự ở địa bàn quản lý, nhất là các đối tượng hoặc nhóm đối tượng có xu hướng bạo lực, cho vay nặng lãi để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn; đồng thời, thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kịp thời kiểm tra, xác minh khi nhận được tin báo, tố giác tội phạm.
Chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện lựa chọn các vụ án xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe làm án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhanh, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thực hiện tốt công tác đấu tranh tội phạm, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm.
- Đài truyền thanh-truyền hình huyện tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa tin về công tác phòng chống tội phạm, giáo dục, tuyên truyền nhân dân nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, góp phần hạn chế xảy ra mâu thuẫn trong nhân dân.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên quan tâm, có chính sách hỗ trợ phù hợp, từng bước kiện toàn, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp các đoàn thể cùng cấp nhất là Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ…có kế hoạch cụ thể, vận động đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt tạo môi trường vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần làm hạn chế tội phạm và tránh xa những tệ nạn xã hội.
Đặng Dũng/ VKSND Gò Công Đông, Tiền Giang
Xem thêm >>>