Dừng thu phí BOT nếu đường hỏng mà chậm sửa chữa

Ngày đăng : 10:50, 24/10/2018

(Kiemsat.vn) - Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện và sửa chữa kịp thời các hư hỏng trong thời hạn không quá 01 ngày đối với đường cao tốc và không quá 05 ngày đối với các đường khác.

Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định có nhiều đoạn hư hỏng nặng (Ảnh: Vietnamnet)

Đây là nội dung Công điện số 43/CĐ-BGTVT ngày 22/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các nhà đầu tư BOT, khai thác cao tốc đảm bảo giao thông, đường êm thuận trong quá trình thu phí đường bộ.

Công điện nêu rõ, một số tuyến đường đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) loại hợp đồng BOT sau khi đưa vào khai thác, sử dụng đã bị hư hỏng ngay trong giai đoạn bảo hành.

Chủ đầu tư, ban Quản lý dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, doanh nghiệp quản lý các tuyến đường chưa sửa chữa khắc phục kịp thời các hư hỏng… dẫn đến không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, quan hệ giữa phí sử dụng dịch vụ đường bộ với chất lượng phục vụ chưa tương xứng… gây bức xúc dư luận.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Nhà đầu tư theo hình thức PPP, các Doanh nghiệp nhà nước đầu tư, quản lý khai thác các tuyến đường bộ (bao gồm cả đường cao tốc) phải tăng cường kiểm tra, phát hiện và sửa chữa kịp thời các hư hỏng (ổ gà, hằn lún vệt bánh xe, ngập nước…) trong thời hạn không quá 1 ngày đối với đường cao tốc và không quá 5 ngày đối với các đường khác.

Trường hợp hư hỏng xảy ra trong những ngày mưa kéo dài liên tục, chưa đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng công tác sửa chữa; nhà đầu tư, doanh nghiệp quản lý tuyến đường phải báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận phương án sửa chữa bằng các giải pháp tạm thời như sử dụng các vật liệu kết dính tạm thời bằng bê tông nhựa nguội... Đồng thời, trước và trong quá trình sửa chữa, phải đặt hệ thống báo hiệu và có phương án tổ chức giao thông tạm phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên kiểm tra, kịp thời yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện sửa chữa khi công trình có hư hỏng nêu trên và tăng cường công tác giám sát chất lượng sửa chữa khi có hư hỏng.

Nếu quá thời hạn mà công tác sửa chữa chưa được thực hiện, sửa chữa không đảm bảo yêu cầu chất lượng thì phải dừng thu phí đối với các tuyến đầu tư theo hình thức PPP hoặc báo cáo Bộ Giao thông vận tải dừng thu phí đối với trường hợp các tuyến được đầu tư theo hình thức khác.

 

Trên nhiều cung đường đang diễn ra một nghịch lý: các tuyến đường ngày càng thu phí cao lên trong khi chất lượng đường thì ngày càng đi xuống.

Vừa qua, việc tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác sử dụng lại làm nóng dư luận. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể quyết định dừng thu phí cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi từ ngày 12/10. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng các đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải đã khẩn trương kiểm tra tình trạng hư hỏng, đánh giá công tác xử lý, khắc phục. Đồng thời, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.

Nhiều ý kiến cho rằng, Công điện số 43/CĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải sẽ đem đến sự công bằng cho các doanh nghiệp vận tải trên cả nước.

Đứng trước bài toán làm sao để yêu cầu dừng thu phí trên những tuyến đường hỏng không được sửa chữa kịp thời của Bộ Giao thông vận tải được thực hiện nghiêm minh, ông Bùi Sinh Quyền- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội khẳng định, đây là trách nhiệm của cơ quan thanh tra giao thông ở các sở, ngành địa phương.

"Ngành giao thông phải chịu trách nhiệm giám sát thường xuyên, không bỏ lọt những đoạn đường hỏng, không thể đẩy việc này cho ngành khác hoặc giao phó cho chủ đầu tư các tuyến đường tự kiểm tra, tự sửa chữa được" - ông Quyền cho biết, dẫn theo báo Đất Việt.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thừa Thiên Huế khẳng định, cần đề cao vai trò của người tài xế. Bởi chính họ là những người thường xuyên tham gia giao thông, đoạn đường nào có hỏng hóc sẽ phát hiện ra ngay.

"Để yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải được thực hiện nghiêm túc thì việc kiểm tra, giám sát phải đến từ nhiều kênh khác nhau. Trong đó, cần phải có một kênh riêng để tài xế có thể gửi thông tin, hình ảnh đường hỏng về cho cơ quan chức năng nắm bắt được tình hình, yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa" - ông Long đề xuất.

Xem thêm>>>

Giảm giá vé khi qua trạm BOT Nam Bình Định từ 1.1.2018

Xem xét giảm phí BOT ở hàng chục trạm trên cả nước

Cẩm Thi