Định danh 300 hành vi vi phạm trong thực thi công vụ của ngành Hải quan
Ngày đăng : 08:42, 17/10/2018
Lần đầu tiên Tổng cục Hải quan định danh hơn 300 hành vi vi phạm, tương ứng với đó là các chế tài xử lý từ nhắc nhở, phê bình đến kỷ luật buộc thôi việc. (Ảnh minh họa, nguồn: internet) |
Quy chế được áp dụng nhằm chống sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức Hải quan khi thực thi công vụ.
So với các văn bản trước đây, điểm mới của Quy chế lần này là đã định danh hơn 300 hành vi vi phạm, tương ứng với đó là các chế tài xử lý từ nhắc nhở, phê bình đến kỷ luật buộc thôi việc, trong đó quy định quy trình kiểm tra hoạt động công vụ.
Chương 3 của Quy chế quy định chi tiết từng hành vi vi phạm của công chức Hải quan từ tư thế, tác phong, lễ tiết đến hoạt động nghiệp vụ Hải quan. Từ đó, tùy theo tính chất mức độ, đưa ra chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm tương ứng.
Cụ thể, áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức, cán bộ hải quan lợi dụng trách nhiệm, nhiệm vụ được giao nhũng nhiễu, vòi vĩnh, nhận tiền, quà hoặc các lợi ích khác ngoài quy định gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh ngành Hải quan. Áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với vi phạm một trong những quy định này nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Lãnh đạo bao che cấp dưới hoặc người được mình ủy quyền là trái quy định; chỉ đạo trái thẩm quyền, không đúng căn cứ pháp luật đối với cấp dưới gây hậu quả nghiêm trọng cũng sẽ bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương.
Lãnh đạo Hải quan sẽ bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức nếu có một trong những vi phạm sau: Bố trí bố mẹ, anh chị em giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và làm trong cơ quan mình trực tiếp phụ trách trái quy định, được yêu cầu thực hiện đúng nhưng vẫn tái phạm; để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp...
Xem thêm>>>
Áp dụng quy định có lợi, nhiều cán bộ hải quan “thoát”... khởi tố
Kỷ luật lại 29 cán bộ hải quan trong vụ 213 container mất tích