Tiền ảo và những khía cạnh của tiền ảo
Ngày đăng : 17:02, 15/10/2018
Trong phạm vi bài viết, tác giả đưa ra và phân tích những ưu điểm, hạn chế, những thuộc tính của tiền ảo để hiểu rõ vì sao tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một loại tiền tệ, một loại tài sản được phép giao dịch.
Phần 1: Tiền ảo và tiền điện tử
Tiền ảo
Giao dịch bằng tiền ảo phải thông qua hệ thống nối mạng Internet. Thanh toán và chuyển tiền ảo thông qua mạng Internet cho nên không cần phải thông qua bất kỳ một trung gian hay tổ chức tài chính nào. Giao dịch tiền ảo có quy mô rất lớn và được áp dụng trong phạm vi rộng. Trên thị trường hiện nay có hàng trăm loại tiền ảo, trong đó có những loại tiền ảo có tiềm năng, như tiền ảo - Bitcoin, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto từ năm 2009, được xem là loại tiền ảo kỹ thuật số phân cấp dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Người sử dụng Internet có thể giao dịch tiền ảo Bitcoin. Bitcoin là một loại hàng hóa đặc biệt, người muốn sở hữu Bitcoin có thể mua nó bằng tiền thật và đợi chờ cơ hội nó sinh lợi nhuận. Bitcoin có những hữu ích nhất định, chủ sở hữu không những làm giàu, mà còn dùng nó để giao dịch tương tự như quẹt thẻ ngân hàng.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thừa nhận tiền ảo, có nhiều quốc gia kiên quyết cấm giao dịch bằng loại tiền ảo này.
Trung Quốc đã ra lệnh cấm Bitcoin, với đánh giá là loại tiền ảo này hàm chứa nhiều rủi ro. Tại Cộng hòa Liên bang Nga, Văn phòng Công tố Liên bang ban hành quy định, nghiêm cấm sử dụng tiền ảo Bitcoin cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác. Tại Việt Nam, ngân hàng Nhà nước có văn bản cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Các tổ chức tín dụng không được sử dụng Bitcoin và các loại tiền tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam việc mua bán, mở sàn trung gian giao dịch tiền ảo - Bitcoin vẫn diễn ra phổ biến và nhiều người biết. Việc mua bán Bitcoin do nhiều chủ thể ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay chủ yếu nhằm vào các mục đích như: Đầu tư nhằm kiếm lợi nhuận một cách nhanh nhất, dự trữ để bán kiếm lời. Có nhiều chủ thể đã dự liệu tiềm năng của loại tiền này trong tương lai mà tham gia giao dịch.
Không những ở Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, tuy sử dụng tiền ảo bị cấm, không được bảo vệ nhưng pháp luật cũng không có các biện pháp chế tài cụ thể đối với chủ thể khi sử dụng tiền ảo, các loại tiền điện tử khác không được thông qua kiểm soát của ngân hàng.
Tại Thái Lan, cũng cấm lưu hành và sử dụng Bitcoin. Sau khi ngân hàng nước này xác định đây không phải là đơn vị tiền tệ có uy tín. Vì vậy, việc mua bán, gửi, thanh toán bằng Bitcoin từ bất kỳ chủ thể nào ngoài Thái Lan hoặc nhận từ các quốc gia khác đều bị nghiêm cấm.
Do thuộc tính "cơ động" của Bitcoin, cho nên việc kiểm soát nó không đơn giản. Vì bất kỳ chủ thể sử dụng Bitcoin nào đều có thể tạo ra một "ví" Bitcoin để lưu trữ. Chủ thể khi sử dụng được cung cấp một hoặc nhiều địa chỉ công khai để cho các chủ thể khác có thể gửi tiền vào địa chỉ đó. Các lưu trữ Bitcoin có tính bảo mật, được xác thực qua email và số điện thoại đăng nhập. Với những thuộc tính của tiền ảo - Bitcoin, trong một chừng mực nhất định, nó cũng có những ưu điểm sau đây:
Thứ nhất, sử dụng Bitcoin thuận tiện trong giao dịch. Vì lưu thông Bitcoin không phải qua bất kỳ một khâu hay mắt xích trung gian nào. Sử dụng Bitcoin không có giới hạn, không phụ thuộc về không gian và thời gian khi lưu thông loại tiền ảo này.
Thứ hai, sử dụng tiền ảo - Bitcoin được an toàn và bảo mật. Thông qua giao dịch tiền ảo - Bitcoin đều được thực hiện và hoàn thành mà không cần bất kỳ thông tin nào về cá nhân, danh tính của người giao dịch được bảo mật.
Thứ ba, không thể bị làm giả, vì Bitcoin không thể hiện dưới dạng vật chất.
Thứ tư, chi phí giao dịch thấp. Vì không thông qua bất kỳ một khâu trung gian nào, chủ thể giao dịch chỉ phải thanh toán lệ phí xử lý giao dịch với khoản chi nhỏ.
Thứ năm, không gây ô nhiễm môi trường. Việc giao dịch được thông qua mạng Internet, hệ thống máy tính xử lý dữ liệu của tiền ảo - Bitcoin, cho nên chi phí điện năng thấp.
Tuy nhiên, việc sử dụng tiền ảo - Bitcoin còn có những hạn chế như:
Thứ nhất, do có việc sử dụng tiền tệ, vàng, bạc là những "vật nhìn thấy, xác định được về cơ học", cho nên tiền ảo chưa ăn sâu vào tiềm thức của chủ thể trong xã hội, nhiều chủ thể còn chưa có kiến thức về việc sử dụng tiền ảo cho nên không có ý định sử dụng nó trong giao dịch.
Thứ hai, sử dụng tiền ảo - Bitcoin tương đối phức tạp vì phải thông qua thiết bị kỹ thuật máy tính, vì vậy không phải bất kỳ chủ thể nào cũng thành thạo sử dụng máy tính để thực hiện các giao dịch tiền ảo – Bitcoin.
Thứ ba, do thuộc tính ẩn danh khi giao dịch tiền ảo - Bitcoin, cho nên nguy cơ bị lạm dụng, tội phạm có thể sử dụng để gây thiệt hại cho chủ thể sở hữu, có thể bị ăn cắp, bị lạm dụng để rửa tiền.
Ảnh minh họa (Internet) |
Tiền điện tử
Tiền ảo và tiền điện tử có những yếu tố khác biệt và chúng không phải là một. Vì vậy, khi nghiên cứu về tiền ảo thì sự cần thiết cần phải phân biệt sự khác nhau giữa tiền ảo và tiền đện tử, để có căn cứ khi xác định các quyền và nghĩa vụ có liên quan đến tiền ảo và tiền điện tử trong giao dịch thương mại và dân sự.
- Tiền điện tử (e-money): Là biểu hiện kỹ thuật số (hình thức điện tử) của tiền pháp định được thể hiện để chuyển giao giá trị của đồng tiền pháp định thông qua phương thức điện tử. Tiền điện tử thể hiện giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng.
- Tiền ảo (virtural currency): Là biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng: Phương tiện trao đổi; là một đơn vị kế toán, lưu trữ giá trị, nhưng không phải là tiền pháp định tại một quốc gia nào. Tiền ảo không được phát hành, không được bảo đảm của pháp luật của quốc gia nào. Các chức năng của tiền ảo được xác định trên đây chỉ được thực hiện theo ý chí thỏa thuận của các chủ thể trong cộng đồng, những người sử dụng tiền ảo trong giao dịch.
Như vậy, sự khác biệt giữa tiền điện tử và tiền ảo ở những yếu tố: Tiền điện tử (tiền pháp định) có sự bảo đảm từ phía Nhà nước (do ngân hàng Nhà nước phát hành), còn tiền ảo không được bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước, đồng thời cũng không được bảo đảm thực hiện từ bất kỳ tổ chức nào. Tiền điện tử có hình thức vật chất nhất định và tồn tại độc lập, còn tiền ảo luôn luôn phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số để tồn tại. Tiền điện tử và tiền ảo tuy rằng cùng tồn tại và phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số, nhưng tiền điện tử là hình thức điện tử của tiền pháp định (ví điện tử, tài khoản thanh toán qua thiết bị điện tử...). Tiền ảo cũng có hình thức kỹ thuật số, nhưng nó hoàn toàn không gắn liền với đơn vị tiền tệ pháp định nào. Vì vậy, tiền ảo không được đảm bảo khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định bởi các chủ thể phát hành hoặc quản lý nó và không có một tổ chức nào chịu trách nhiệm về những rủi ro cho một hoặc các bên chủ thể trong giao dịch liên quan đến tiền ảo.
Trên thực tế, việc chuyển từ tiền ảo thành tiền pháp định là giao dịch dân sự giữa các bên chủ thể như mua bán tài sản, hàng hóa. Quan hệ giao dịch liên quan đến tiền ảo tại các nước trên thế giới cũng chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ. Thực tế ở Việt Nam, tiền điện tử được điều chỉnh bằng pháp luật theo quy định tại Luật giao dịch điện tử, Nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không sử dụng tiền mặt, Nghị định số 80/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 101/2012/NĐ-CP thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán.
Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới chưa chấp nhận tiền ảo là tiền tệ. Việc sử dụng tiền ảo - Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự như Bitcoin làm phương tiện thanh toán không đươc pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Pháp luật cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự như Bitcoin như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Đặc biệt, theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11//2012 của chính phủ về thanh toán không sử dụng tiền mặt, quy định tiền ảo là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam và việc phát hành, sử dụng tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/10/2014 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
(Trích bài viết: "Tiền ảo và những khía cạnh của tiền ảo" của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Tập - Trường Đại học Luật Hà Nội. Tạp chí Kiểm sát số 15/2018).
(Còn nữa)
Xem thêm>>>
Hơn 6.000 nhà đầu tư sập bẫy tiền ảo, đa cấp: Vì đâu nên nỗi?