Vai trò giám sát của HĐND trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Ngày đăng : 14:25, 11/10/2018

(Kiemsat.vn) - HĐND có quyền quyết định các vấn đề quan trọng và thực hiện chức năng giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương. Việc giám sát của HĐND có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan đại diện cho nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.

Thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-BPC ngày 10/8/2018, về việc tiến hành giám sát tại trại tạm giam và các nhà tạm giữ (cơ sở giam giữ) trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Qua giám sát cho thấy các cơ sở giam giữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ công tác quản lý tạm giữ, tạm giam, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, các vụ việc người bị tạm giam thông cung, tự sát hoặc thể hiện các hành vi tiêu cực khác; đảm bảo đầy đủ công tác quản lý giam giữ, chế độ cho người bị tạm giữ, tạm giam; quan tâm chăm sóc sức khỏe, làm tốt công tác giáo dục, phổ biến cho người bị tạm giữ, tạm giam học tập nội quy cơ sở giam giữ, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ có liên quan theo quy định pháp luật. Kịp thời thông báo việc sắp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam cho các Cơ quan tiến hành tố tụng để kịp thời xử lý và giải quyết quy định. Trong thời gian giám sát không có trường hợp nào quá thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc sai sót dẫn đến khiếu nại, tố cáo về công tác quản lý giam giữ. Thực hiện tốt công tác phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan Cảnh sát điều tra và các ban, ngành, đoàn thể để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề phát sinh liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình thực hiện công tác quản lý giam, giữ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tạm giữ, tạm giam tại một số cơ sở giam, giữ còn những bất cập, vi phạm và thiếu sót như: Về cơ sở vật chất, phần lớn các cơ sở giam giữ xây dựng đã lâu, xuống cấp; nhiều hạng mục công trình giam giữ, công trình phụ trợ chưa được xây dựng theo quy định; trong công tác quản lý, canh gác người bị tạm giam khi điều trị tại Bệnh viện còn sơ hở, lỏng lẻo, để xảy ra xảy ra người bị tạm giam bỏ trốn (đã bắt lại được); một số cơ sở giam giữ chưa trang bị hệ thống loa truyền thanh; chưa cấp báo đọc kịp thời; chưa tổ chức bán hàng căng tin cho người bi tạm giữ, bị tạm giam; để xảy ra trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam đánh nhau, vi phạm nội quy ; việc trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam ra khỏi nơi giam giữ chưa đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật; chưa kịp thời lập danh chỉ bản và thông báo sắp hết hạn tạm giữ, tạm giam...

Những vi phạm và thiếu sót trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan như: Hệ thống pháp luật về quản lý giam giữ quy định cụ thể, tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất thực tế đầu tư chưa phù hợp, do đó gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; chưa chủ động đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí trong xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất của nhà tạm giữ, trại tạm giam; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra có nơi, có lúc chưa được quan tâm thường xuyên; có trường hợp cán bộ quản giáo chưa sâu sát tập trung nắm bắt kịp thời tâm lý, diễn biến tư tưởng người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Để thực hiện tốt công tác quản lý tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã kiến nghị đối với Trung ương, địa phương và đề nghị ngành Công an và các ngành liên quan quan tâm, thực hiện một số vấn đề sau:

Đề nghị Bộ Công an xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định tại Điều 1 của Quyết định số 91/2009/QĐ-TTg ngày 06/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực làm nhiệm vụ công tác quản lý tạm giữ, tạm giam ở Nhà tạm giữ Công an cấp huyện. Quan tâm, kịp thời cấp kinh phí cho Công an tỉnh Phú Yên để đầu tư sửa chữa Nhà tạm giữ của Công an cấp huyện và Trại trạm giam Công an tỉnh theo đúng tiêu chuẩn quy định; trang bị hệ thống camera kiểm soát an ninh; sớm triển khai xây dựng khu Trại tạm giữ, nhà tạm giam chung trên địa bàn tỉnh. Xem xét chỉnh mẫu thiết kế các buồng tạm giữ, tạm giam để hạn chế tình trạng người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thi hành án phạt tù có ý định tự sát hoặc trốn khỏi nơi giam, giữ.

Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam nhằm đảm bảo cho công tác quản lý giam giữ và an ninh trật tự khu giam giữ. Xem xét bố trí quỹ đất xây dựng khu tạm giam, tạm giữ chung của tỉnh.

Công an tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác bắt, giam giữ, phục vụ tốt cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ về quản lý giam, giữ đối với cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh và Nhà tạm giữ Công an cấp huyện; xem xét, bố trí cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp để thực hiện tốt công tác quản lý giam giữ. Chỉ đạo Trại tạm giam và Công an cấp huyện tăng cường công tác tuần tra, canh gác, kiểm tra và giám sát khu vực giam giữ; đảm bảo quản lý chặt chẽ không để người bị tạm giữ, người bị tạm giam có điều kiện tự sát, trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc thông cung; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức của người bị tạm giữ, tạm giam, đảm bảo chấp hành tốt Nội quy cơ sở giam giữ. Triển khai ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin để thực hiện tốt công tác quản lý tạm giữ, tạm giam.

Sở Y tế quan tâm, bố trí bác sĩ, y tá khám và điều trị tại khu khám điều trị riêng cho bị can, phạm nhân khi phải điều trị tại Bệnh viện; tiếp tục thực tốt quy chế phối hợp với Công an tỉnh trong công tác khám và điều trị bệnh cho bị can, phạm nhân khi điều trị tại Bệnh viện.

Công an các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nỗ lực khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác quản lý giam giữ; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động gặp gỡ nắm bắt tâm lý, diễn biến tư tưởng của từng người bị tạm giữ, người bị tạm giam để kịp thời đề ra các biện pháp công tác giáo dục phù hợp; thực hiện có hiệu quả các chế độ cho người bị tạm giữ, tạm giam; tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý giam, giữ trong tình hình mới.

Như vậy, việc giám sát của HĐND các cấp nói chung, việc giám sát của Ban Pháp chế nói riêng không những chỉ ra các tồn tại, vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực để chấn chỉnh khắc phục, mà quan trọng hơn còn để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế của ngành, lĩnh vực đó./.

Lê Trung Hưng

Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh

Ủy viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phú Yên