Tìm hiểu cơ cấu, tổ chức Viện Công tố Cộng hòa Nam Phi

Ngày đăng : 11:27, 11/10/2018

(Kiemsat.vn) - Viện Công tố Cộng hòa Nam Phi được thành lập bởi Nghị viện nước với địa vị pháp lý độc lập; có nhiệm vụ chỉ tuân theo pháp luật, tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự thay mặt Nhà nước, thực hiện bất kỳ chức năng cần thiết nào để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự như quyết định việc truy tố hay không truy tố một người; chấm dứt các thủ tục tố tụng hình sự.

Cơ cấu, tổ chức hiện nay của Viện Công tố Cộng hòa Nam Phi theo quy định tại Điều 179 Hiến pháp năm 1996 và Điều 3 Chương 2 Đạo luật số 32 về Viện Công tố Cộng hòa Nam Phi năm 1998, gồm: Viện Công tố quốc gia và các Viện công tố tại các Tòa án cấp cao.

Toàn cảnh Hội đàm Đoàn công tác VKSND tối cao Việt Nam với Viện Công tố Cộng hòa Nam Phi (Nam Phi, tháng 9/2018)

Viện Công tố quốc gia gồm: 

- Viện trưởng - được bổ nhiệm bởi Tổng thống Nam Phi với nhiệm kỳ 10 năm. Hiện nay, quyền Viện trưởng Viện Công tố quốc gia Nam Phi là ngài Silas M Ramaite. 

Theo quy định tại Điều 22 Đạo luật số 32 về Viện Công tố Nam Phi, Viện trưởng Viện Công tố quốc gia có một số nhiệm vụ, quyền hạn chính sau: có thể can thiệp vào bất kỳ hoạt động nào của quá trình truy tố; xem xét quyết định việc có hay không truy tố một hoặc nhiều người; chỉ đạo hoặc ban hành các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào (nếu thấy cần thiết) để đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội; tư vấn, tham vấn cho Bộ trưởng về các vấn đề liên quan đến tư pháp hình sự; liên lạc, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan và tổ chức pháp lý nhằm nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử…;

- 04 Phó Viện trưởng Viện Công tố quốc gia có nhiệm vụ thực hiện bất kỳ quyền hạn, nhiệm vụ nào do Viện trưởng ủy quyền và các nhiệm vụ khác theo quy định tại Đạo luật số 32 về Viện Công tố Nam Phi.

- Cục điều tra thuộc Viện Công tố quốc gia gồm: Cục trưởng và các điều tra viên.

- Cục điều tra biệt phái của Tổng thống tại Viện Công tố quốc gia thực hiện một số nhiệm vụ, chức năng mà Tổng thống giao phó; đồng thời chịu sự quản lý, chỉ đạo của Viện trưởng Viện Công tố theo quy định tại Đạo luật số 32, gồm: Cục trưởng và các điều tra viên biệt phái.

- Các công tố viên tại các đơn vị nghiệp vụ có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của Điều 179 Hiến pháp và các quy định của Đạo luật số 32 về Viện Công tố Cộng hòa Nam Phi như: tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự thay mặt Nhà nước; thực hiện bất kỳ chức năng cần thiết nào để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự như quyết định việc truy tố hay không truy tố một người; chấm dứt các thủ tục tố tụng hình sự…;
- Các điều tra viên biệt phái có thể thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động điều tra vụ án hình sự như một sĩ quan cảnh sát theo quy định tại Điều 30 Đạo luật số 32 về Viện Công tố Cộng hòa Nam Phi, gồm: điều tra tội phạm; xác định nhân thân bị can; tìm kiếm, thu thập chứng cứ; tịch thu và xử lý vật chứng; bắt giữ; thi hành các lệnh, quyết định; xem xét đánh giá tư cách của những người tham gia tố tụng;

- Các nhân viên hành chính phục vụ trong đơn vị. 

Các Viện công tố tại các Tòa án cấp cao gồm:

- Viện trưởng và các Phó Viện trưởng tại các Tòa án cấp cao có nhiệm vụ tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự và các chức năng khác theo quy định tại Điều 20 Đạo luật số 32 về Viện Công tố Cộng hòa Nam Phi; thực hiện việc giám sát, chỉ đạo và điều phối hoạt động của các công tố viên tại đơn vị mà người đó đứng đầu. Ngoài ra, các Phó Viện trưởng còn thực hiện những nhiệm vụ khác do Viện trưởng Viện Công tố giao phó. 

- Các công tố viên;

- Các nhân viên hành chính phục vụ trong đơn vị;

- Cán bộ, công chức, viên chức khác trong một số trường hợp đặc biệt.

 

Tài liệu tham khảo: 
1.    Hiến pháp Cộng hòa Nam Phi 1996.

2.    Đạo luật số 32 về Viện Công tố Cộng hòa Nam Phi 1998.

 

Xem thêm >>>

Đoàn công tác VKSND tối cao thăm và làm việc tại Cộng hòa Nam Phi

Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong dẫn đầu Đoàn công tác làm việc tại Nam Phi

Nguyễn Đức Hà - VKSND thị xã An Nhơn, Bình Định