Đối thoại mở giữa Kiểm sát viên và Luật sư nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa
Ngày đăng : 07:40, 03/10/2018
Kỳ 2: Kinh nghiệm và văn hóa ứng xử của Kiểm sát viên trong tranh tụng tại phiên tòa
Một là, thực tế vừa qua có một số Luật sư chờ đến khi phiên tòa diễn ra mới xuất trình và giao nộp chứng cứ, đây có phải là một kỹ năng của Luật sư "để thủ" một chứng cứ trình ra phiên tòa?
Về vấn đề này, ý kiến của phía đại diện Luật sư cho rằng không phải chờ đến khi phiên tòa diễn ra thì mới xuất trình chứng cứ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số Luật sư cho rằng, đợi phiên tòa diễn ra mới xuất trình công khai chứng cứ. Dưới góc độ của Liên đoàn Luật sư, không đánh giá việc đó là đúng hay không đúng, vấn đề đặt ra ở đây là kỹ năng của Luật sư. Hiện nay, Liên đoàn Luật sư thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng về kỹ năng, trong đó có nội dung về kỹ năng thu thập, giao nộp, đánh giá, sử dụng chứng cứ tại phiên tòa. Qua đó, Luật sư không chỉ nhận thức việc thu thập, kiểm tra, sử dụng, đánh giá chứng cứ là quyền của Luật sư được quy định trong BLTTHS, mà còn đưa ra phương pháp, cách thức để đảm bảo những tài liệu đó được các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá là chứng cứ và được xem xét trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án.
Có trường hợp cụ thể, khi Luật sư xuất trình tại phiên tòa 01 băng ghi âm và cho rằng băng ghi âm đó là chứng cứ mới, song vấn đề đặt ra là Luật sư không giao nộp trước phiên tòa, mà để tới khi phiên tòa diễn ra mới giao nộp. Khi Luật sư giao nộp chứng cứ thì HĐXX sẽ giao bằng văn bản cho Kiểm sát viên nghiên cứu, đánh giá, sau đó, Kiểm sát viên có văn bản đánh giá chứng cứ của Luật sư giao nộp. Còn tiếp theo, việc xem xét, công nhận sử dụng hay không sử dụng chứng cứ đó là thuộc thẩm quyền của HĐXX. Đây là một kinh nghiệm hay có sự phối hợp kịp thời giữa Kiểm sát viên và HĐXX tại phiên tòa theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Luật sư có quyền thu thập chứng cứ và phải giao nộp ngay chứng cứ đó cho cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng trong một số vụ án, một trong những lý do Viện kiểm sát không chấp nhận tài liệu này là chứng cứ do tính không hợp pháp của tài liệu mà Luật sư bào chữa cho bị cáo xuất trình, vì quá trình thu thập không hợp pháp và không giao nộp đúng theo quy định của pháp luật…
Hai là, theo quy định tại khoản 2 Điều 322 BLTTHS năm 2015, Kiểm sát viên phải đối đáp với ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác và phải đối đáp đến cùng. Vậy hiểu đối đáp đến cùng là như thế nào?
Đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau từ một số phiên tòa gần đây. Trong giới Luật sư mong muốn trong phần đối đáp phải xác định cụ thể về những phạm vi đối đáp, còn về phía Chủ tọa phiên tòa điều hành xác định phạm vi tranh luận và đối đáp. Về nguyên tắc, những vấn đề gì đã được phát biểu, đã được tranh luận, đã được đối đáp mà không phát sinh nội dung mới thì không lặp lại. Nếu lặp lại, Chủ tọa điều hành phiên tòa có quyền cắt phần đối đáp lặp lại đó. Đối đáp đến cùng về bản chất được hiểu là Kiểm sát viên phải đối đáp để làm rõ quan điểm của mình trước những ý kiến đối lập trong vụ án. Vấn đề đặt ra ở đây là quan điểm đánh giá chứng cứ và trình tự, thủ tục của việc đối đáp. Ví dụ, sau phần bào chữa, nếu Luật sư đưa ra 06 nhóm vấn đề để Kiểm sát viên đối đáp và đề nghị Kiểm sát viên đối đáp từng nhóm vấn đề cụ thể, điều này sẽ rất thuận lợi cho Kiểm sát viên trong việc đối đáp vào thẳng 06 nhóm vấn đề do Luật sư đưa ra. Tuy nhiên, đối đáp đến cùng không đồng nghĩa với việc Kiểm sát viên phải đối đáp đến từng câu, từng chữ, từng lời cụ thể của Luật sư đưa ra.
Nếu kết quả của việc đối đáp đến cùng của Kiểm sát viên có khác quan điểm với Luật sư thì cần phải chấp nhận một sự thật là giữa bên buộc tội và gỡ tội đã tranh tụng thể hiện sự dân chủ trong tố tụng và phải biết chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm. Ví dụ, Luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội nhưng quan điểm của Kiểm sát viên là có tội, nếu cứ tiếp tục tranh luận mãi thì cũng không thể kết thúc được. Gặp tình huống kéo dài như vậy có hai điểm: Thứ nhất, tự Luật sư cũng phải biết giới hạn thế nào là đối đáp đến cùng khi mình đưa ra ý kiến đối đáp để yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp. Thứ hai, xác định giới hạn việc đối đáp đến cùng đã thỏa mãn hay chưa phải do HĐXX quyết định. Khi HĐXX quyết định thì các bên tham gia tranh luận, đối đáp phải chấp nhận. Và như vậy, HĐXX là người quyết định việc đối đáp đó đã đủ và dừng việc đối đáp.
Như vậy, đối đáp đến cùng là một nội dung mới được quy định trong BLTTHS năm 2015, hiện nay chưa có một văn bản hướng dẫn về mặt nghiệp vụ thế nào là Kiểm sát viên phải đối đáp đến cùng. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, đối đáp đến cùng là tất cả các ý kiến của các Luật sư và các bị cáo và những người tham gia tố tụng đã được Kiểm sát viên đối đáp, các ý kiến đối đáp trở lại của Luật sư, bị cáo và những người khác không có ý kiến gì mới. Chỉ khi nào có những ý kiến mới, hoặc là Luật sư cho rằng là Kiểm sát viên chưa đối đáp thì Kiểm sát viên phải tiếp tục đối đáp.
Ba là, kinh nghiệm tranh tụng đối với vụ án có đông bị cáo, đông Luật sư tham gia hoặc vụ án chỉ có một bị cáo nhưng có nhiều Luật sư tham gia thì phương pháp, cách thức tranh tụng như thế nào?
Về vấn đề này, ý kiến của Luật sư cho rằng, các Luật sư khi tham gia phiên tòa đều chuẩn bị trước bài bào chữa để gửi cho Hội đồng xét xử và các Kiểm sát viên tham gia các vụ án nghiên cứu trước, đó cũng là cách để Kiểm sát viên nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến bào chữa của Luật sư.
Khi xem xét hiệu quả của việc đối đáp cho thấy, không phải đối đáp là với từng câu nói, từng nội dung mà quan trọng nhất là phải tổng hợp được những nhóm vấn đề mà các Luật sư nêu ra. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, một cách làm hiệu quả là tổng hợp lại các nhóm vấn đề tố tụng mà các Luật sư nêu như: Vi phạm tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; những vấn đề về nội dung vụ án; về chứng cứ, đồng phạm... để đối đáp, tranh tụng. Một phương pháp cũng được nhiều Kiểm sát viên có kinh nghiệm trong việc đối đáp áp dụng đó là chọn một Luật sư để đối đáp. Ví dụ trong vụ án có nhiều Luật sư cùng bào chữa cho một bị cáo, thường có Luật sư đại diện cho nhóm Luật sư để bào chữa, và các Luật sư khác sẽ phát biểu bào chữa bổ sung. Trong những vụ án đó, Kiểm sát viên đối đáp thẳng vào bài bào chữa của Luật sư chính.
Kinh nghiệm cần phải quan tâm là để đảm bảo cho việc tổng hợp chứng cứ, đó là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố chính thức tại phiên tòa không thể ghi chép hết được các ý kiến của Luật sư; do đó, cần có Kiểm sát viên ngồi dự phía dưới hỗ trợ ghi chép tóm tắt các ý kiến theo nhóm các vấn đề hoặc theo nhóm Luật sư, đặc biệt là việc ghi âm lại các nội dung đó. Bởi nếu vụ án có khoảng 50 Luật sư lần lượt phát biểu thì Kiểm sát viên không thể kịp ghi chép hết được, nếu ghi chép không đầy đủ thì Luật sư sẽ phát biểu trở lại rằng Kiểm sát viên phát biểu không đầy đủ các ý kiến. Đối với các vụ án xét xử dài ngày thì vào cuối ngày cần phải nghe lại ý kiến của các bị cáo, Luật sư tại phiên tòa, để có sự tổng hợp đánh giá, xác định các vấn đề cần phải tranh luận tiếp theo.
Một kinh nghiệm nữa đó là, nếu trong phiên tòa có 2 đến 3 Kiểm sát viên tham gia, thì Kiểm sát viên sẽ đối đáp nhiều lần, cùng một vấn đề có thể cả 2 Kiểm sát viên cùng đối đáp, Kiểm sát viên thứ nhất đã đối đáp rồi, nếu như Kiểm sát viên thứ hai thấy đồng nghiệp của mình đối đáp chưa đầy đủ, cần bổ sung thì sẽ đối đáp tiếp, như vậy một vấn đề nhưng đã được 2 Kiểm sát viên đối đáp và được tính là hai lần đối đáp. Đây cũng là một kỹ năng tốt, được giới Luật sư hài lòng. Đặc biệt, các Kiểm sát viên phải phát hiện được những vấn đề trọng tâm mà Luật sư đưa ra cần tranh luận trở lại để tập trung tranh luận vào đúng phần đó.
Bốn là, về vai trò, trách nhiệm trong tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa
Hiện nay, có những ý kiến cho rằng vẫn còn tình trạng Kiểm sát viên vẫn còn "lười" đối đáp, tranh luận với Luật sư hoặc giữ nguyên quan điểm như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, theo đánh giá từ phía các Luật sư thì trước đây hiện tượng này vẫn có nhưng không thể coi đó là tình trạng, bởi hiện tượng này chỉ là số ít; hiện nay về cơ bản đã được khắc phục, không còn nữa. Trong thời gian gần đây, đặc biệt tại một số phiên tòa xét xử những vụ án lớn (vụ án Đinh La Thăng, Phạm Công Danh...), Kiểm sát viên đã có sự chủ động trong quá trình tranh luận, đối đáp với Luật sư bào chữa; chuẩn bị đầy đủ đề cương xét hỏi, luận tội, dự kiến các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa... mặc dù có sự chênh lệch lớn về số lượng Kiểm sát viên và Luật sư (trong các vụ án lớn, có đông người bào chữa, thời gian xét xử kéo dài), song với bản lĩnh nghiệp vụ vững vàng, Kiểm sát viên đã thực hiện tốt vai trò của mình, bảo vệ tốt quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Cũng liên quan đến vấn đề này, khi tranh tụng trong vụ án có đông bị cáo, đông Luật sư tham gia hoặc trong vụ án chỉ có một bị cáo nhưng có nhiều Luật sư tham gia thì một số Kiểm sát viên đã thể hiện nhiều kỹ năng, phương pháp tranh luận đối đáp linh hoạt và được giới Luật sư đánh giá cao, đặc biệt là khả năng ghi chép, tổng hợp theo nhóm vấn đề, lựa chọn vấn đề trọng tâm để đối đáp... và nhất là trong phần luận tội Kiểm sát viên luôn cập nhật những diễn biến công khai tại phiên tòa.
Về phía Viện kiểm sát yêu cầu các Kiểm sát viên trong thời gian tới cần chú ý hai vấn đề sau: Thứ nhất, các Kiểm sát viên đặc biệt lưu ý khi phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát cần linh hoạt cập nhật đầy đủ nội dung kết quả tranh tụng tại phiên tòa để đưa ra quan điểm đảm bảo sát, đúng với phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật. Thứ hai, về vấn đề luận tội cần phải bám sát quy định tại Điều 321 của BLTTHS năm 2015.
Năm là, về văn hóa ứng xử giữa Kiểm sát viên với Luật sư tại phiên tòa
Văn hóa ứng xử của các chủ thể tham gia tiến hành tố tụng phải xuất phát từ nền tảng đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm nghề nghiệp, từ đó biểu hiện sự tích lũy kinh nghiệm, đạo đức ứng xử của mỗi bên. Thực tiễn giải quyết các vụ án thời gian qua cho thấy diện mạo mới của Kiểm sát viên trong ứng xử tại phiên tòa. Đáng chú ý là các Kiểm sát viên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư trong việc tham gia nghiên cứu, sao chép hồ sơ, tranh luận, đối đáp, thể hiện sự tôn trọng các chủ thể trong tranh tụng, đó là điều rất quan trọng.
Ngày 20/02/2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 46/QĐ-VKSTC về việc ban hành quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án. Theo đó, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu các Kiểm sát viên trong toàn ngành phải tôn trọng, phải ứng xử đúng mực với các cơ quan tiến hành tố tụng, với những người tham gia tố tụng...; do đó, các Kiểm sát viên trong quá trình tranh tụng phải có sự tiếp thu, ghi nhận các ý kiến phát biểu bào chữa có căn cứ, đối với những phần đối đáp trở lại có cơ sở, có căn cứ, cũng phải ghi nhận, thể hiện văn hóa các bên tôn trọng lẫn nhau.
Xem thêm>>>
Đối thoại mở giữa Kiểm sát viên và Luật sư nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa