“Địa ngục trần gian” - Nhà tù Sơn La

Ngày đăng : 16:54, 01/10/2018

(Kiemsat.vn) - Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2018 do Tạp chí Kiểm sát phối hợp với VKSND tỉnh Sơn La tổ chức, sáng 25/9/2018, các đại biểu tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La để tìm hiểu về quá trình đấu tranh cách mạng của các chiến sỹ cộng sản trong chốn lao tù của thực dân Pháp, đồng thời thực hành kỹ năng chụp ảnh và biên tập ảnh báo chí.

Đoàn đã làm Lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Nhà tù Sơn La, tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đến các thế hệ ông cha đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do và sự trường tồn của dân tộc.

Đường vào cổng chính chốn "Địa ngục trần gian" - Ảnh: Duy Hiếu-VKSND tỉnh Điện Biên.

Đoàn được hướng dẫn viên của Bảo tàng tỉnh Sơn La hướng dẫn thăm quan các điểm di tích trong Nhà tù Sơn La.

Sau Lễ dâng hương, Đoàn được hướng dẫn viên của Bảo tàng tỉnh Sơn La hướng dẫn thăm quan các điểm di tích trong Nhà tù Sơn La, nơi đã từng giam giữ những chiến sỹ trung kiên của cách mạng. Những cái tên như xà lim ngầm, xà lim chéo, trại hai gian, trại ba gian, những phòng giam đặc biệt chỉ rộng 1,2m2 cùng hàng trăm hiện vật: còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn là những chứng tích sống về tội ác dã man của thực dân Pháp. 

Thực dân Pháp muốn biến nhà tù thành nơi đè bẹp ý chí đấu tranh cách mạng của những chiến sỹ cách mạng, mượn nơi rừng thiêng, nước độc này để thủ tiêu những người cộng sản. Thế nhưng, sự hà khắc, tàn ác của thực dân Pháp không làm nhụt chí của các chiến sỹ cộng sản, trái lại chính nơi ngục tù tăm tối này đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản như: đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Tô Hiệu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng...

 Hình ảnh tham quan Khu di tích Quốc gia Nhà tù Sơn La của Đoàn. Ảnh: Văn Trương - VKSND tỉnh Lào Cai.

Đây là cách thức truyền tải nội dung của chương trình tập huấn nghiệp vụ báo chí do Tạp chí Kiểm sát và VKSND tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức, vừa giúp các đại biểu có dịp tìm hiểu về quá trình lịch sử đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ của dân tộc ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 1930 - 1945, vừa tạo được sự hứng khởi cho các đại biểu trong việc học tập, nắm bắt những kỹ năng cơ bản nhất về ảnh báo chí, cũng như nghiệp vụ báo chí phục vụ công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân. Gắn với mỗi điểm di tích, mỗi hiện vật tại Nhà tù Sơn La, các đại biểu được Biên tập viên Phòng tuyên truyền của Tạp chí Kiểm sát phổ biến kinh nghiệm, kỹ năng chụp và biên tập ảnh sử dụng trên Trang thông tin điện tử, được nghe giới thiệu những nét cơ bản về tính chất của ảnh báo chí, tiêu chí lựa chọn ảnh báo chí, bố cục của ảnh báo chí; nhất là việc lựa chọn tư thế, góc tiếp cận sao cho có được khuôn hình đẹp. 

Các đại biểu trong Đoàn thực tế thăm Nhà tù Sơn La (Ảnh: Hoàng Đức Quế - VKSND tỉnh Tuyên Quang).

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng kiên cố năm 1908 trên ngọn đồi Khau Cả bên ngọn suối Nậm La với diện tích ban đầu là 500m2 (thuộc trung tâm thành phố Sơn La hiện nay). Nhà tù được xây dựng chủ yếu bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây dựng bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn.

Trải qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.170m2. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản. Chỉ tính trong giai đoạn 1930-1945, nhà tù đã giam cầm 1.007 chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước. Nhưng cũng chính nơi ngục tù tăm tối này đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản trung kiên như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng...

Nhà tù Sơn La được Thủ tướng  Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014.

Trịnh Duy Tám/ VKSND tỉnh Vĩnh Phúc