Luật sư Phan Trung Hoài: “Đánh giá chất lượng tranh tụng, cần đứng trên quan điểm khách quan”

Ngày đăng : 09:59, 28/09/2018

(Kiemsat.vn) - Trong quá trình xây  dựng BLTTHS 2015, một trong những điểm mới, trọng tâm đó là là đề cao phát huy vai trò của cơ quan công tố, nâng cao vị trí vai trò của luật sư. Đây là hai thành tố cơ bản thực hiện chức năng của tố tụng hình sự, đó là ở đâu có sự buộc tội ở đó có sự bào chữa. Nhưng điều quan trọng nhất là từ kết quả tranh tụng đó sẽ làm cơ sở cho Tòa án ban hành phán quyết.

PV: Thưa ông, với tư cách là một Luật sư ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng trong quá trình xét xử một vụ án ?

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Đảm bảo tranh tụng trong xét xử đã trở thành nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Trong quá trình xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự 2015, một trong những điểm mới, trọng tâm đó là là đề cao phát huy vai trò của cơ quan công tố, nâng cao vị trí vai trò của Luật sư. Đây là 2 thành tố cơ bản thực hiện chức năng của tố tụng hình sự, đó là ở đâu có sự buộc tội ở đó có sự bào chữa. Nhưng điều quan trọng nhất là từ kết quả tranh tụng đó sẽ làm cơ sở cho Tòa án ban hành phán quyết. Chúng tôi là những người tham gia rất nhiều các vụ án hình sự thời gian qua, thấm thía và hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo. Vì Nghị quyết 08 cũng như Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị xác định trọng tâm của cải cách tư pháp là đề cao vị trí, vai trò của hoạt động tranh tụng tại phiên Tòa. Và một tư tưởng xuyên suốt trong Nghị quyết 08 đó là lấy kết quả tranh tụng làm căn cứ để Tòa án đưa ra các quyết định, phán quyết của mình. Điều đó đã được thể chế hóa, được luật hóa, trở thành một nguyên tắc quy định ở Điều 26 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

PV: Là một Luật sư từng tham gia bào chữa trong rất nhiều vụ án hình sự, ông đánh giá như thế nào về chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên trong các phiên tòa, đặc biệt là các phiên tòa xét xử những đại án tham nhũng trong thời gian gần đây?

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Thực tiễn xét xử trong thời gian qua đã chứng minh, nếu không có vai trò của Viện kiểm sát cũng như vai trò của người bào chữa, trong đó có các Luật sư, thì việc xét xử của Tòa án khó đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan vụ án. Có một  điều mà giới Luật sư chúng tôi cũng suy nghĩ, trước đây chúng ta thường có quan niệm giữa Kiểm sát viên với người bào chữa, với Luật sư thường có một khoảng cách xa cách, có nhiều khi không thể lấp đầy, rồi mỗi bên nhận thức không đúng thì sinh ra quyền anh, quyền tôi, dẫn đến những va đập, ứng xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực tại phiên tòa. Xuất phát từ thực trạng như thế thì trong những năm vừa qua, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, khi Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương cải cách tư pháp, thì trong những phiên tòa hình sự, các Kiểm sát viên thực hiện tốt hai chức năng rất cơ bản: Chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa.

 Là người trực tiếp tham dự nhiều phiên tòa, tôi nhận thấy rằng,  trong rất nhiều phiên tòa, nhiều vụ án, đặc biệt là những vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo, các Kiểm sát viên đã phát huy được vai trò hết sức quan trọng là thực hiện kiểm sát điều tra ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án. Trong một số trường hợp thì các Kiểm sát viên cao cấp được biệt phái về để tham gia thực hành quyền công tố ở tại các phiên tòa sơ thẩm.

Phần lớn các Kiểm sát viên từ VKSND TP.  Hồ Chí Minh, VKSND TP. Hà Nội, một số Kiểm sát viên cao cấp của các Vụ nghiệp vụ của VKSND tối cao được biệt phái về đã phát huy được vai trò ở trên các phương diện: Thứ nhất, là do việc kiểm sát điều tra được bám sát ngay từ giai đoạn đầu, cho nên việc nghiên cứu hồ sơ, nắm bắt chứng cứ và đánh giá các cơ sở buộc tội là đã được nắm chắc; Thứ hai, trong quá trình diễn biến của phiên tòa, thì các Kiểm sát viên cũng đã bám sát và thực hiện phần xét hỏi, lắng nghe theo dõi phần xét hỏi của Hội đồng xét xử và của Luật sư, cho nên đến khi luận tội, các Kiểm sát viên đã cập nhật những diễn biến và kết quả thẩm vấn tại phiên tòa. Luận tội của Kiểm sát viên không thoát ly ra khỏi diễn biến của phiên tòa. Đặc biệt là có một số vụ án như vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án Ngân hàng xây dựng, vụ án Hứa Thị Phấn, vụ án Đinh La Thăng …., các vụ án này thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, trong phần luận tội thì do Tòa án cho phép mở rộng phạm vi để tranh tụng, cho nên thời gian không bị giới hạn, có những phiên tòa kéo dài đến 7, 8h tối thậm chí đến tận 10h đêm. Điều này chứng tỏ rằng, việc tranh luận và đối đáp giữa Kiểm sát viên với Luật sư đã tạo một điều kiện, một không gian, một thời gian phù hợp cho việc tranh tụng. Tôi nghĩ là việc nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên đã mang đến một giá trị to lớn. Dư luận xã hội và người dân bình thường cũng thấy được rằng, những phiên tòa được xét xử như thế, dựa vào kết quả thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa thì những quyết định của Tòa án về số phận của những bị cáo đã đảm bảo được tính khách quan, chính xác.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây, có những ý kiến viện dẫn câu nói “Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm như cáo trạng” để đánh giá chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Tất nhiên trong quá trình thực hiện tranh tụng tại phiên tòa cũng không thể tránh khỏi sự va đập, rồi có những ý kiến cho rằng chất lượng tranh tụng của những phiên tòa thời gian qua chưa tốt, chưa cao, chưa tranh luận đối đáp đến cùng. Trước đây, câu nói quen thuộc của Kiểm sát viên trong phần đối đáp với Luật sư là: “Chúng tôi giữ nguyên quan điểm như cáo trạng”, tôi nghĩ đó cũng là một thực tế. Hiện tượng này trước đây là có và cũng chỉ là số ít. Hiện nay, về cơ bản đã khắc phục, không còn tình trạng này nữa. Nhìn chung Kiểm sát viên đã chủ động tranh luận, đối đáp với Luật sư, đặc biệt tại các phiên tòa xét xử những vụ án lớn như: Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh... Bên cạnh đó, mặc dù có sự “bất bình đẳng”, chênh lệch lớn về số lượng Kiểm sát viên và Luật sư tại phiên tòa, trong khi Kiểm sát viên chỉ có từ 1-3 người thì Luật sư có đến 60-70 người, khó khăn cho Kiểm sát viên trong tranh tụng, nhưng Kiểm sát viên đã đối đáp, tranh luận với các Luật sư rất nghiêm túc, cởi mở và “công bằng”. Có những lúc bị “dồn ép”, nhưng với bản lĩnh nghề nghiệp và nghiệp vụ sắc sảo, các Kiểm sát viên đã thực hiện tốt vai trò của mình, đã tranh luận, đối đáp từng vấn đề hoặc từng nhóm vấn đề với Luật sư để làm sáng tỏ bản chất, sự thật của vụ án.

Cũng có những vụ án, những trường hợp, việc đối đáp giữa Kiểm sát viên và Luật sư vẫn chưa thỏa mãn hết. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng tranh tụng, cần đứng trên quan điểm khách quan. Bởi vì, bên buộc tội dựa vào chứng cứ, luận điểm để đưa ra quan điểm buộc tội, thì bên gỡ tội, bên bào chữa cũng tìm ra những chứng cứ, chứng minh sự không phạm tội, hoặc là giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Việc đánh giá chứng cứ  tùy thuộc vào quan điểm, cùng một chứng cứ, cùng một sự vật hiện tượng, có nhiều cách tiếp cận và quan điểm khác nhau. Khi tranh tụng, mỗi bên đều giữ quan điểm khác biệt, trong đó Kiểm sát viên bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, vấn đề là ở chỗ phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa để làm sáng tỏ bản chất, sự thật khách quan của vụ án.

 PV: Xin cảm ơn Luật sư.

Xem thêm>>>

Ngành Kiểm sát triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa

Hội thảo góp ý đề cương sổ tay Kiểm sát viên trong lĩnh vực hình sự và dân sự

Vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố

Thu Huyền (thực hiện)