Còi hơi và những hệ lụy khôn lường
Ngày đăng : 18:05, 21/09/2018
Còi hơi - “hung thần” giấu mặt
Theo thiết kế, phương tiện giao thông được trang bị bộ phận còi xe để hỗ trợ việc cảnh báo người đi đường trong những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông hiện nay đang “lạm dụng” còi xe mà không nghĩ tới ảnh hưởng, tác động của nó đối với sức khỏe, tâm lý của người xung quanh. Những tiếng còi xe vang lên đinh tai nhức óc được nhấn vô tội vạ khiến nhiều người e ngại, đặc biệt là tiếng còi từ các phương tiện trọng tải lớn như xe container, xe tải, xe ben, xe khách... Thậm chí, một số lái xe còn lắp đặt thêm loại còi xe có âm thanh độc, lạ hoặc còi hơi, còi hú và coi việc sử dụng còi xe như là phương tiện để khẳng định bản thân…
Cục Đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải quy định, âm lượng còi xe các phương tiện khi tham gia giao thông dao động từ 90 đến 115 decibel. Nhưng thực tế, có nhiều ôtô gắn các loại còi hơi, còi kích âm lên tới 250 decibel, gấp 2,5 lần so với bình thường. Điều này vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến người cùng tham gia giao thông.
Theo phản ánh của báo Cảnh sát toàn cầu, tại các con đường ở Đồng Nai, Bình Dương và vùng giáp ranh TP. HCM, tiếng còi hơi xé tai của các loại xe tải, ben chở đất, đá và vật liệu xây dựng đã trở thành nỗi ám ảnh cho người đi đường. Khi nghe tiếng còi khủng khiếp đó, người đi xe gắn máy và đi bộ kinh sợ tìm cách dạt vào lề đường né tránh. Khi xe vụt qua, tiếng còi dứt, để lại sau lưng một quầng bụi đục như mây mù cuộn trên đường.
Còi hơi công suất “khủng” thường được cánh lái xe tải, container ưa chuộng (Ảnh minh họa, nguồn: internet) |
Tại Hà Nội, hiện nay, tình trạng lái xe dùng còi hơi, còi tự chế âm thanh lớn vẫn đang diễn ra trên nhiều tuyến phố (Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Lê Văn Lương kéo dài,...). Dễ dàng quan sát các loại xe tải hầu hết được lắp hai còi hơi loại “khủng” trên nóc, có cái dài tới 1,2 m, đường kính khoảng 20 đến 30 cm. Các lái xe mặc dù biết sử dụng còi hơi trong thành phố gây nguy hiểm cho người khác, nhưng ai cũng muốn được lưu thông nhanh, cho nên “giải pháp hữu hiệu” nhất là bấm còi to và liên tục để xua người và phương tiện dạt vào lề đường.
Thực tế cho thấy, không ít trường hợp tiếng còi hơi là hung thủ gián tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang (Ảnh: Báo tài nguyên môi trường) |
Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn phường Kim Tân (TP Lào Cai) hôm 15/8 vừa qua là một ví dụ điển hình. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải BKS 19C-046.78 chạy đường Lào Cai - Sa Pa, hướng Kim Tân đi Lào Cai, đến ngã 3 đường chéo đi Sa Pa, tài xế thấy đông người nên bấm còi xin đường. Tuy nhiên, tiếng còi xe lớn khiến bà N.T.T. (trú phường Kim Tân) đang đi xe đạp loạng choạng ngã ra đường. Cùng lúc đó, xe tải đi tới cán qua người khiến bà T. tử vong.
Trước đó, ngày 20/4/2017, tại nút giao thông Tân Vạn (đoạn giáp ranh giữa thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và quận 9, TP Hồ Chí Minh) cũng xảy ra vụ tai nạn giữa xe ben và xe máy khiến một người phụ nữ khoảng 40 tuổi tử vong do tiếng còi xe quá lớn.
Danh sách những vụ tai nạn giao thông thương tâm có nguyên nhân từ tiếng còi hơi ngày một dài thêm...
Thiếu công cụ, khó xử lý
Pháp luật đã có quy định trong việc lắp đặt và sử dụng còi xe. Cụ thể, còi xe phải được nhà sản xuất xe đăng ký tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện giao thông. Người điều khiển phương tiện chỉ được sử dụng còi xe tại những khu vực không bị cấm bấm còi và trong khoảng thời gian nhất định.
Khoản 3, Điều 5 Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bô, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng với người điều khiển xe có hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Nếu gây tai nạn, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng..
Quy định là vậy, song trong nhiều trường hợp, việc thực thi lại không đơn giản. Đối với hành vi này, để xử phạt được người vi phạm, phải xác định được âm lượng của còi để đưa ra được bằng chứng, số liệu cụ thể. Nhưng hiện nay, việc trang bị máy đo tiếng ồn cho lực lượng CSGT còn rất hạn chế, khiến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Việc kiểm tra, xử lý trên đường đã khó; ở góc độ quản lý phương tiện, nhiều chuyên gia cho rằng, kiểm tra, xử lý tại các trung tâm đăng kiểm càng khó hơn. Bởi khi tới hạn đăng kiểm, các chủ xe sẽ tháo toàn bộ các thiết bị đã thay thế, độ, lắp đặt sai quy định và khi đăng kiểm xong thì lắp lại.
Để sở hữu một bộ còi hơi chỉ cần bỏ ra từ 300 - 500.000 đồng (Ảnh: ANTĐ) |
Theo ghi nhận của báo Nhân dân, tại các tuyến phố chuyên kinh doanh phụ tùng, “đồ chơi” ô-tô, xe máy ở TP Hà Nội như Phố Huế, Thịnh Yên, Trần Cao Vân, Đồng Nhân,… đang tái diễn tình trạng bán còi hơi công suất lớn. Những loại còi bình dân thường có giá từ 400 đến 500 nghìn đồng/chiếc, thậm chí dàn còi của Hàn Quốc, Đức,… có giá tới vài triệu đồng/bộ. Nhiều lái xe tải cỡ trung và cỡ lớn thường lựa chọn những loại còi “khủng” phát ra âm lượng cực lớn. Khách hàng có nhu cầu mua còi xe ưu tiên, cứu hỏa, cấp cứu,... các cửa hàng đều sẵn hàng dù không bày bán công khai. Những loại còi “độ chế” có thể lắp dễ dàng cho tất cả các loại ô-tô, xe máy thông qua một bộ kích, đáp ứng nhu cầu của những kẻ đi xe thích “chơi nổi”. Nhiều xe còn lắp ba, bốn chiếc còi như vậy để âm thanh ... “thêm phần hoành tráng”.
Cách nào dẹp bỏ?
Trên thực tế, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng đối với việc sử dụng còi hơi vẫn chưa mạnh tay, gắt gao như đối với các lỗi vi phạm khác. Để ngăn chặn tình trạng “lộng hành” của còi hơi, cần sự vào cuộc quyết liệt của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông.
Tiếng còi hơi của xe ô tô, xe tải là nỗi ám ảnh của người đi đường (Ảnh: Người lao động) |
Một chuyện đáng bàn khác, mục tiêu dẹp bỏ triệt để vấn nạn lạm dụng còi hơi sẽ khó hoàn thành nếu không xử lý triệt để tình trạng các lái xe cố tình lắp đặt, “độ chế” đèn pha, còi hơi công suất lớn sai quy định, gây mất an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Liên quan đến vấn đề này, theo ghi nhận của báo Nhân dân, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm trên cả nước kiên quyết không cho đăng kiểm các phương tiện lắp đặt còi hơi không bảo đảm tiêu chuẩn.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất nên tăng mức phạt để người điều khiển phương tiện giao thông nghiêm chỉnh chấp hành, từ đó, hạn chế tối đa những vụ tai nạn thương tâm có thể xảy ra do tiếng còi hơi.
Bên cạnh đó, để dẹp nạn còi hơi cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Đã đến lúc mỗi lái xe cần thay đổi thói quen của mình. Hãy bắt đầu bằng việc giảm ga, nhường đường thay vì sử dụng còi vô tội vạ. Thay vì trông chờ vào tiếng còi vô cảm, hãy tập trung xử lý các tình huống một cách khoa học để lái xe an toàn. Tiếng còi xe sẽ trở về đúng chức năng vốn có là cảnh báo, bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông.
Xem thêm>>>
Công bố đường dây nóng kết nối với Cục Cảnh sát giao thông
Hiểm họa tai nạn giao thông sau ánh đèn pha, đèn led siêu sáng