Xây dựng Chính phủ điện tử: Phải lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Ngày đăng : 09:18, 21/09/2018

Tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử vào ngày 20.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cải cách hành chính, trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Bên cạnh đó, phải có “kỷ luật sắt” trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, dàn trải làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử vào ngày 20.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cải cách hành chính, trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Bên cạnh đó, phải có “kỷ luật sắt” trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, dàn trải làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Coi trọng yếu tố con người

Bàn về các kết quả cũng vướng mắc, rào cản trong quá trình xây dựng hệ thống, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho rằng: Về xây dựng cơ sở dữ liệu, thời gian qua đã có những bộ, ngành địa phương đang đi trước rất nhanh, làm rất tốt. Vì thế, cần có sự xem xét, tính toán và kế thừa nền tảng, hệ thống đã triển khai tốt tại các địa phương.

Bộ trưởng Hà thẳng thắn chỉ ra một rào cản trong thực hiện chính là trình độ nhân lực. Hiện có những người rất ngại khi tiếp cận công nghệ, từ đó, Bộ trưởng Hà đề xuất: “Bên cạnh việc xem xét, xây dựng cơ chế chính sách thì cần dựa trên thực tế, lộ trình để xem xét đào tạo người vận hành bởi nguồn nhân lực sẽ quyết định đến kết quả”.

Về tổ chức con người, Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng góp ý: “Đối với một dự án nền tảng cho Chính phủ điện tử thì không nên “người người chỉ đạo, nhà nhà làm” như vừa qua mà nên một người chỉ đạo, một số ít các doanh nghiệp lớn làm thì mới nhanh, mới bảo đảm sự thống nhất, chuẩn hóa và chia sẻ thông tin”.

Tại phiên họp, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống cơ sở dữ liệu, an ninh quốc gia được nhiều đại biểu quan tâm và nhấn mạnh. Đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng khi chuyển một mô hình làm việc hành chính trực tiếp giữa người với người sang mô hình trên mạng thì nguy cơ tiềm ẩn an ninh an toàn cần được xem xét thấu đáo và giải quyết theo quan điểm an ninh quốc gia.

Ban Cơ yếu Chính Phủ mong muốn sớm trình Chính phủ ban hành mô hình Chính phủ điện tử, trên cơ sở đó, triển khai một loạt vấn đề về phát triển ứng dụng, kết nối các bộ, ngành và trong đó có mô hình tổng thể về an ninh an toàn. Như thế, rất thuận lợi cho quá trình triển khai bởi an ninh an toàn cần nhúng vào các trang thiết bị, ứng dụng nếu không phối hợp từ đầu thì sau này sẽ rất khó giải quyết việc an ninh an toàn một cách tổng thể.

Liên quan tới vấn đề an ninh, an toàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Văn phòng Chính phủ cũng rất chú trọng vấn đề này và đã đề xuất Thủ tướng không chỉ định đơn vị thi công mà sẽ có hội đồng để thẩm định và lựa chọn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát triển Chính phủ điện tử cần tiếp cận theo hướng toàn diện, cả về dịch vụ công, nhân lực và hạ tầng. Cần đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu quốc gia, hiện đang chậm trễ, nhất là dữ liệu dân cư.

Ra mắt Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP
Ra mắt Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP

Phải có “kỷ luật sắt”

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có “kỷ luật sắt” trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, “đổ qua, đổ lại một số công việc”, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Những tồn tại, bất cập hiện nay có nguyên nhân là chưa phát huy vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện. Cơ chế bảo đảm thực thi chưa đủ mạnh. Nhiều cơ quan, địa phương còn coi nhẹ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành. Việc triển khai mang nặng tính hình thức, thói quen giấy tờ chưa được khắc phục.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý. “Phải có đầu mối, một người chỉ huy thống nhất, không để nhà nhà, người người, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin, làm các cơ sở dữ liệu khác nhau”, Thủ tướng nêu rõ tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, dàn trải, “năm cha, ba mẹ”.

Thủ tướng nhấn mạnh việc phải kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hơn, liên tục hơn. Xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cải cách hành chính, trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc đôn đốc thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, tránh để tình trạng “đưa chủ trương sớm nhưng mãi không thực hiện được do ách tắc chuyện này, chuyện kia”.

Thủ tướng cũng mong muốn các ngành, các cấp cùng “xắn tay áo” vào xây dựng thành công Chính phủ điện tử, chứ không phải “mạnh ai nấy làm”.

Theo Baolaodong