Thủ tục đăng ký hiến xác sau khi chết như thế nào?

Ngày đăng : 14:16, 05/09/2018

(Kiemsat.vn) - Tôi là công chức hưu trí, nay đã hơn 70 và sức khỏe vẫn tốt. Tôi muốn hiến xác cho y học sau khi qua đời được không? Thủ tục gồm những gì? Nếu tôi đổi ý, có thể hủy việc hiến xác được không?

Ảnh minh họa

Kiemsat.vn trả lời câu hỏi của bác như sau:

Hiến xác là việc một người tự nguyện hiến xác của mình sau khi chết cho cơ quan có thẩm quyền sử dụng nhằm mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

Theo Điều 35, Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác: 

1. Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

2. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

3. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.

Tại Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng quy định: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Như vậy, theo quy định, người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến xác của mình sau khi chết. Bác hoàn toàn có thể thực hiện nguyện vọng cao đẹp của mình bằng việc thực hiện thủ tục đăng ký hiến xác theo quy định tại Điều 19, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Thủ tục như sau:

- Người muốn hiến xác có thể đến tới bất kì cơ sở y tế nào để trình bày về mong muốn, nguyện vọng của mình.

- Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến xác, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến.

- Khi nhận được thông báo, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến có trách nhiệm gặp trực tiếp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan về hiến xác; hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; cấp thẻ đăng ký hiến xác cho người hiến.

Việc đăng ký hiến xác có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.

Nguyện vọng hiến xác là quyền dân sự, do vậy ngay cả khi bác đã đăng ký và được cấp thẻ hiến xác thì vẫn có thể thay đổi, rút lại nguyện vọng của mình. Khi đó, bác gửi đơn đến cơ sở y tế hoặc cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến để đề nghị hủy bỏ. Tại đây, họ sẽ thu hồi lại thẻ đăng ký hiến xác đã cấp cho bác và việc hủy bỏ hiến xác của bác có hiệu lực ngay từ thời điểm sơ sở y tế (hoặc cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến) nhận đơn hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác.

Xem thêm>>>

Tử tù xin hiến xác: “nút thắt” không dễ cởi

Nữ giám đốc ngân hàng Agribank tham ô 2.600 lượng vàng xin hiến xác

Phạm Hằng