Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu

Ngày đăng : 09:41, 03/09/2018

(Kiemsat.vn) - Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), ngay từ đầu năm 2018, Chi bộ 5 VKSND tp Đà Nẵng đã tổ chức học tập nội dung chuyên đề, liên hệ với thực tế về những tồn tại, vướng mắc của đơn vị, từ đó đề ra một số giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Chi bộ 5 với 9 đảng viên và 01 Công chức công tác tại Phòng 9 và Phòng 10, VKSND thành phố Đà Nẵng. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, ngay từ đầu năm 2018, Chi bộ đã tổ chức học tập nội dung chuyên đề, liên hệ với thực tế về những tồn tại, vướng mắc của đơn vị, từ đó đề ra một số giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Chi bộ V với “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”

Chi bộ V với “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”

Nội dung cơ bản của chuyên đề năm 2018 về “Xây dựng phong cách làm việc của người đứng đầu, của người cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đó là:

Xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ nhất, Phong cách dân chủ, quần chúng: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: Đảng ta thực hiện “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan nhà nước trong chế độ ta”. Vì thế, người cán bộ, đảng viên phải tạo ra được không khí dân chủ thực sự trong nội bộ bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình.

Thứ hai, Phong cách khoa học: Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là làm việc phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Phong cách làm việc khoa học là phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất. Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác.

Thứ ba, Phong cách nêu gương: Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

 Xây dựng phong cách làm việc của người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách lãnh đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hay nhắc tới, đó là: phong cách dân chủ, nhưng quyết đoán, lãnh đạo sâu sát, khéo dùng người, trọng dụng người tài, cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo. Thể hiện ở các khía cạnh sau:

Một, Phong cách dân chủ, nhưng quyết đoán: là cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu không được quan liêu, hách dịch, coi thường quần chúng nhân dân. Phải biết đời sống thực của nhân dân như thế nào, khả năng thực của nhân dân ra sao? Họ đang nghĩ và đang mong muốn những gì? Mỗi lời nói, mỗi việc làm của người cán bộ phải phản ánh đúng được khát vọng của quần chúng. Người phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, dẫn đến tình trạng người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên cấp dưới không còn sáng kiến, không còn hăng hái trong khi làm việc.

Hai, Phong cách lãnh đạo sâu sát: là tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát, từ đó kiểm soát tốt hơn đối với việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của nhân dân, góp phần phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Hồ Chí Minh yêu cầu dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm loại trừ các hành vi trục lợi, ăn cắp, tham ô, đục khoét, biến của công thành của riêng…Sau kiểm tra, giám sát, thì cái sai cần khắc phục, sửa chữa ngay và cái đúng, cái tốt phải được động viên khen thưởng, kịp thời.

Ba, Khéo dùng người, trọng dụng người tài: Là người lãnh đạo giỏi thì phải khéo dùng người và trọng dụng nhân tài. Người xác định, việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục, trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người.

Bốn, Phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo: Một yêu cầu quan trọng trong phong cách của người đứng đầu, người lãnh đạo là phải có sự thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với cái mới.

Đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách làm việc của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Để đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách làm việc của người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có một số giải pháp sau:

Tăng cường giáo dục, rèn luyện xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành: Tăng cường việc giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; các tri thức khoa học và kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý hiện đại cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Giữ vững các nguyên tắc“tập trung dân chủ” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách": Tăng cường phát huy dân chủ để khơi dậy tính sáng tạo, tập trung trí tuệ tập thể trong việc xây dựng, thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và  pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu.

Tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên: Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, đối với cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu, cần xây dựng quy định kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy cấp trên, quy định kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và của các đoàn thể, nhân dân, để kịp thời phát hiện, phê bình, uốn nắn sai phạm, khuyết điểm.

Xây dựng các quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo: Sớm xây dựng các quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, kèm theo các yêu cầu bắt buộc, cùng các chế tài cụ thể để xử lý sai phạm. Trong các tiêu chí cần phải xác định rõ, những nội dung cần phải công khai, minh bạch, đảm bảo yêu cầu phát huy dân chủ trong thực hành công vụ. Nhất thiết phải có những quy định về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu về cả tiền bạc, vật chất, thời gian.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát: Các tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với việc xây dựng, thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu các cấp.

Sau khi học tập chuyên đề năm 2018, mỗi đảng viên, công chức thuộc Chi bộ 5 đều nhận thức rằng: Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị là nhiệm vụ đầy cam go, khó khăn. Bên cạnh đội ngũ đảng viên, công chức có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ, đảng viên thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất, nhà, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công... làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi. Tiêu biểu những vụ án Đinh La Thăng xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí, Ngân hàng Ocebank đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng; những biểu hiện chạy chức, chạy quyền, tiêu biểu như: vụ Trịnh Xuân Thanh- Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây lắp dầu khí làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng đã chạy chức, chạy quyền đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội...Ở đâu đó còn tình trạng công chức "sáng cắp ô đi chiều cắp ô",... dẫn đến bộ máy Nhà nước, cơ quan, đơn vị đông nhưng không mạnh...

Trong thời gian gần đây tại thành phố Đà Nẵng đã chứng kiến một số người từng đứng đầu thành phố liên quan đến vụ án Vũ "Nhôm" đã bị khởi tố, bắt giam, không chỉ gây mất uy tín cho chính quyền thành phố mà còn giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước; ở đâu đó vẫn còn biểu hiện đảng viên nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, thiếu gương mẫu; lợi ích nhóm, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, bán tài sản công…

Đối với Đảng bộ và Chi bộ, ở đâu đó, có lúc có nơi, vẫn còn đảng viên lời nói chưa đi đôi với hành động, nói nhiều làm ít, còn chưa gương mẫu, viết Cam kết học tập và làm theo còn chung chung, hình thức… Các đảng viên là người đứng đầu tại Đảng bộ, người đứng đầu trong Chi bộ và các Phòng đôi lúc còn chưa tập trung, chưa sâu sát...

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị  về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, Chi bộ 5 thực hiện một số giải pháp sau:

1. Tăng cường giáo dục, rèn luyện xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo trong đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu Chi ủy, các Phòng. Thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức chính trị - pháp lý, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp; tổ chức công việc một cách khoa học và có kế hoạch, chuyên nghiệp, tích cực tìm tòi, nghiên cứu để sử dụng thành thạo các công cụ, phương tiện thiết bị hỗ trợ nhằm phục vụ thiết thực trong công tác. Tinh thần, thái độ, sự tận tụy với công việc của mỗi đảng viên, công chức trong Chi bộ; tiếp tục thể hiện giữa lời nói và hành động của đảng viên, công chức, nói đi đôi với làm, nói thì phải làm và làm cho tốt. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Chi bộ trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

2. Chi bộ phải giữ vững các nguyên tắc “ tập trung dân chủ” và “ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Lãnh đạo các Trưởng Phòng, Bí thư  và Phó Bí Chi bộ cần giữ vững nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong làm việc và tuân thủ nghiêm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong lãnh đạo, quản lý. Tăng cường phát huy dân chủ để khơi dậy tính sáng tạo, tập trung trí tuệ tập thể trong việc xây dựng, thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bí thư Chi bộ phải phối hợp với các lãnh đạo Phòng thực hiện có hiệu quả cuộc vận động  “Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”  gắn việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành với việc thực hiện Chỉ thị 29/CT-TU ngày 06/11/2013 của Thành ủy “5 xây, 3 chống” - xây dựng đội ngũ cán bộ trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu chống quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức;  chung tay xây dựng “Thành phố 4 an”.   

3. Tăng cường công tác quản lý đảng viên, công chức: Bí thư Chi bộ, các Trưởng Phòng phải tập trung vào công tác quản lý để nâng cao nhận thức chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn trong thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của đơn vị. Kiểm sát viên phải xuất phát từ thực tế khách quan để xem xét đánh giá sự việc; phải luôn nắm vững căn cứ pháp luật và các chính sách của Đảng để vận dụng trong từng trường hợp cụ thể. Mọi hành vi pháp lý của Kiểm sát viên phải xuất phát từ quy định của pháp luật, trong khuôn khổ của pháp luật, đảm bảo việc xử lý vi phạm  đúng pháp luật. Luôn công bằng và sáng suốt, rõ ràng và minh bạch, thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai, thấy vi phạm pháp luật và tội phạm phải kiên quyết đấu tranh, không để tiền tài, vật chất, lợi ích cá nhân làm lung lay tinh thần dẫn đến làm trái pháp luật, nghiêng lệch cán cân công lý.

4. Tham gia xây dựng các quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo. Đảng viên tham gia xây dựng các quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, trong đó có quy định cụ thể: Không lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước…nghiêm túc thực hiện những quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên và các quy chế nghiệp vụ do Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực, Kiểm sát viên phải tận tâm, tận lực với công việc, nghiên cứu hồ sơ vụ việc phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, tổng hợp đánh giá mọi tình tiết, điều kiện, hoàn cảnh của vụ việc thực tế xảy ra; đối chiếu với quy định của pháp luật, từ đó xác định đầy đủ căn cứ pháp lý, tham mưu cho lãnh đạo quyết định xử lý vụ việc đúng pháp luật, kịp thời, không nên vội vàng, hấp tấp hay do dự quá làm chậm tiến độ giải quyết công việc.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bí thư, Phó Bí thư tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát đối với việc xây dựng, thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu các cấp. Thực hiện nghiêm Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Bộ Chính trị về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để chuyên đề năm 2018 đi vào cuộc sống, mỗi đảng viên, công chức của Chi bộ 5 thấy rằng cần đóng góp thiết thực bằng hành động cụ thể, đó là mỗi đảng viên, công chức cùng chung tay xây dựng phong cách, tác phong của người cán bộ Kiểm sát theo lời Bác Hồ dạy để nâng cao chất lượng công việc của mỗi người, hãy nói ít làm nhiều, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế của Ngành để làm gương cho cấp dưới noi theo, biết đấu tranh với những tiêu cực tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang diễn ra….Thay lời nói nhiều mà hãy bằng hành động cụ thể: cùng nhau làm những việc làm thiết thực để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xây dựng Ngành. Đó là việc làm thiết thực nhất để thực hiện có hiệu quả chuyên đề năm 2018./.

Đặng Ngọc Hoài Linh

Phòng 10, VKSND tp Đà Nẵng

Theo trang VKSND tp Đà Nẵng