Cấp sổ đỏ cho dinh thự "Vua Mèo" có đúng đối tượng?
Ngày đăng : 09:42, 23/08/2018
Cửa vào dinh thự "Vua Mèo" (ảnh internet) |
Trước vụ việc ông Vương Duy Bảo, cháu nội của "Vua Mèo" bức xúc về việc UBND tỉnh Hà Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với dinh thự “Vua Mèo” cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn mà không cấp cho con cháu của dòng họ Vương, những người đã sống ở đó hàng trăm năm nay như các báo gần đây đưa tin, vậy tỉnh Hà Giang căn cứ vào quy định nào?
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Giang (đơn vị cấp sổ đỏ) dựa trên các căn cứ pháp lý, trong đó có Quyết định 937/QĐ-BT năm 1993 về việc công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà họ Vương và khoản 1, điều 54, Nghị định số 181/2004 về việc thi hành luật Đất đai. Theo đó, khoản 1 nêu: “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh”.
Hiện vụ việc đang được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì dinh thự “Vua Mèo” tọa lạc trên diện tích gần 3.000 m2 đất, nơi sinh sống của con, cháu họ Vương trong gần 100 năm nay. Dĩ nhiên đất đai, tài sản gắn liền trên đất của dinh thự thuộc quyền quản lý, sử dụng của con cháu họ Vương khi mà chưa có thỏa thuận nào là họ hiến cho Nhà nước.
Theo khoản 2 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 quy định “Đất có di tích lịch sử - văn hóa mà di tích lịch sử văn hóa đó thuộc sở hữu tư nhân thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân”. Đất đai, nhà ở thuộc sở hữu tư nhân thì chủ sở hữu, sử dụng có quyền quản lý, sử dụng và định đoạt theo quy định của Luật đất đai, Luật nhà ở. Cụ thể, con cháu họ Vương có quyền xây dựng, sửa chữa, thay đổi các công trình kiến trúc liên quan đến dinh thự “Vua Mèo” để phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt của họ.
Tuy nhiên, dinh thự “Vua Mèo” được công nhận là di tích kiến trúc cấp quốc gia thì việc quản lý phải tuân theo Luật Di sản văn hóa, Khoản 1 Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định khu vực bảo vệ di tích bao gồm:
“a) Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng;
b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không được làm ảnh hưởng đến kiến trúc…”
Như vậy, để thực hiện quyết định của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch về việc giao địa phương quản lý, trùng tu dinh thự “Vua Mèo” thì tỉnh Hà Giang chỉ còn cách là “quốc hữu hóa” dinh thự, tức là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với dinh thự.
Trong trường hợp này, lẽ ra tỉnh Hà Giang nên vận dụng khoản 4 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP: “Trường hợp di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là một khu vực rộng, có các loại đất xen kẽ thì không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh mà cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng người sử dụng các loại đất trong khu vực”. Đồng thời, tỉnh Hà Giang phải thực hiện việc thu hồi, cấp giao đất theo đúng trình tự, thủ tục, tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với khối tài sản này theo quy định của Luật Đất đai.
Xem thêm>>>
Có được cấp sổ đỏ khi đất tách thửa nhỏ hơn diện tích tối thiểu?
Xác định thành viên hộ gia đình khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất
Những thủ tục, giấy tờ cần thiết để đăng ký cấp “sổ đỏ” áp dụng từ 03/3/2017