Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với đấu tranh phòng chống ma túy trong ngành Kiểm sát nhân dân
Ngày đăng : 16:25, 22/08/2018
Tội phạm và tệ nạn ma túy đã và đang trở thành mối lo ngại thường trực, đe dọa đến sự an nguy của mỗi quốc gia. Thái độ đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng của Đảng cộng sản Việt Nam đối với tội phạm về ma túy đã được thể hiện bằng chỉ đạo cụ thể tại: Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 30/11/1996 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát và phòng, chống ma túy; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW...
Viện kiểm sát nhân dân có chức năng, vị trí, vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống ma tuý. Từ khi mới thành lập VKSND vào những năm 1960, lãnh đạo VKSND tối cao đã xác định: Công tác kiểm sát nhất thiết phải có phương hướng chính trị. Phương hướng chính trị chỉ đạo phương hướng nghiệp vụ và nội dung hoạt động nghiệp vụ nhằm mục tiêu chính trị. Hoạt động kiểm sát phải lấy pháp luật làm căn cứ, đồng thời phải quán triệt tư tưởng, chính sách của Đảng. Trên nền tảng tư tưởng của các bậc tiền bối, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo công tác kiểm sát phòng, chống ma tuý bằng các văn bản cụ thể: Chỉ thị số 04/CT ngày 18/5/1993 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc thực hiện Nghị quyết số 06/CP về phòng, chống và kiểm soát ma tuý; Chỉ thị số 04/CT-VT ngày 14/6/1997 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác kiểm sát phục vụ Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về phòng, chống và kiểm soát ma tuý và nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy hàng năm. Trên thực tế, công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ phòng, chống ma tuý của các VKSND địa phương luôn bám sát nội dung chỉ đạo của Cấp uỷ địa phương nhưng vẫn đảm bảo độc lập trong quyết định xử lí, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Lấy đổi mới tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo làm hoạt động mở đầu, định hướng cho việc nâng cao chất lượng các hoạt động kiểm sát thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy. VKSND các cấp cơ bản đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức Ban chỉ đạo theo Quyết định số 50/2007/CT-TTg ngày 12/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Từ năm 2008, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Qui chế hoạt động của Ban chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (Ban chỉ đạo hoạt động theo Qui chế). Ban chỉ đạo ở nhiều VKSND cấp tỉnh đã xây dựng và hoạt động theo Qui chế.
Để tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị, ngày 02/7/2008 Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-VKSTC-V1C về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21; Kế hoạch số 54/KH-VKSTC-VP ngày 07/6/2012 về Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 – 2015; Kế hoạch số 88/KH-VKSTC, ngày 13/9/2012 về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Viện kiểm sát cấp tỉnh, huyện đã tham mưu cho cấp ủy địa phương về công tác chỉ đạo phòng, chống và kiểm soát ma tuý cũng như các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm về ma túy. Cấp uỷ, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng đến công tác bồi dưỡng cán bộ, quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương để nắm vững tình hình về tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn, có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Tạo điều kiện cho đảng viên, cán bộ, Kiểm sát viên được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, kiến thức pháp luật và kiến thức về phòng, chống ma túy, các cuộc Hội thảo về phòng chống ma túy để tăng cường năng lực cho cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp giải quyết án ma túy.
Phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được triển khai sâu rộng trong toàn ngành Kiểm sát. Công tác tuyển chọn cán bộ, bổ nhiệm Kiểm sát viên cho đơn vị nghiệp vụ làm công tác kiểm sát phòng, chống ma túy được tuân thủ chặt chẽ các qui định của ngành, đảm bảo lực lượng này đủ mạnh và thật sự trong sạch, có nhiệt huyết và trí tuệ phục vụ cuộc đấu tranh chống tội phạm về ma túy.
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án ma tuý, mặc dù số án thụ lý THQCT và KSĐT toàn quốc tăng (năm 2016: 15.554 vụ/19.309 bị can, tăng 19,9% số vụ và 18,9% số bị can so với năm 2015; năm 2017 là 16.905 vụ/20.620 bị can, tăng 8,7% số vụ và 6,8% số bị can so với năm 2016), nhưng Lãnh đạo Viện KSND tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành đổi mới phương pháp công tác kiểm sát, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma tuý. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức các Hội nghị toàn ngành tổng kết rút kinh nghiệm giải quyết các vụ án ma tuý; tập huấn Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý các tội phạm về ma tuý...
Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp xác định và giải quyết nhiều vụ trọng điểm về ma tuý, tổ chức xét xử lưu động ở địa phương để tuyên truyền và giáo dục phòng ngừa tội phạm về ma tuý; ban hành thông báo rút kinh nghiệm và kiến nghị với các ngành chức năng khắc phục các vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ án về ma tuý, sơ hở trong công tác quản lí; tổ chức cho cán bộ, đảng viên, Kiểm sát viên tham gia góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao và VKSND cấp tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của Viện kiểm sát cấp dưới, trực tiếp chỉ đạo kịp thời, giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng hoạt động cụ thể thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy. Viện kiểm sát các cấp đã chủ động phối hợp liên ngành trong hoạt động phòng, chống ma túy, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án ma tuý, không để xảy ra oan, sai, đồng thời, làm tốt công tác báo cáo thống kê tội phạm về ma tuý giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành.
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan duy nhất được kiểm sát tình hình người nghiện ma túy ở trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Hàng năm, VKSND các cấp đã định kỳ tổ chức các đoàn kiểm sát để nắm tình hình người nghiện ma túy, kiến nghị với cơ quan chủ quản trong công tác quản lí, cai nghiện ở những nơi này.
Đảng viên Viện kiểm sát các cấp luôn đóng vai trò tiên phong gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma tuý ở đơn vị, là những hạt nhân tích cực hưởng ứng xây dựng khu dân cư trong sạch không có ma tuý, đấu tranh kiên quyết với các thủ đoạn mua chuộc của tội phạm ma túy, quản lí chặt chẽ người thân trong gia đình không liên quan đến ma túy. Không có đảng viên nào vi phạm Quy định về việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong ngành KSND (ngày 17/3/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Do tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, công tác phòng, chống ma tuý trong ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi cán bộ, Đảng viên, Kiểm sát viên về trách nhiệm phòng, chống ma tuý. Tổ chức Ban chỉ đạo được kiện toàn, đổi mới từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến Viện kiểm sát cấp huyện. Viện kiểm sát chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để hoàn thành nhiệm vụ ở các khâu công tác: giải quyết án; báo cáo thống kê; tuyên truyền; kiểm sát tình hình người nghiện ở nơi giam, giữ; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; hợp tác quốc tế. Đặc biệt, số án ma tuý Viện kiểm sát nhân dân giải quyết ngày càng tăng, nhưng số vụ oan, sai giảm.
Để Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, chúng tôi thấy cần phải thực hiện tốt một số nội dung như sau:
Cấp ủy Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 21- CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị và thực hiện có hiệu quả thông qua chức năng, nhiệm vụ của VKSND, đồng thời làm tốt vai trò tham mưu với cấp uỷ Đảng, phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cùng cấp thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng ngừa các vi phạm, tội phạm, tệ nạn ma tuý.
Nâng cao năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác phòng, chống ma tuý. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác này theo hướng chuyên sâu.
Viện kiểm sát địa phương tích cực tham gia giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xoá bỏ triệt để việc trồng cây có chứa chất ma túy và không bị dụ dỗ, lôi kéo vào việc vận chuyển trái phép chất ma tuý. Các cơ quan chức năng phối hợp, tăng cường kiểm soát để phát hiện, xử lí kịp thời chống ma tuý thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện công tác phòng, chống ma tuý, đặc biệt chú ý hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết án ma tuý ở địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về ma tuý. Chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên và kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên, công chức trong ngành nếu có liên quan đến ma túy đi đôi với việc thực hiện kịp thời chế độ khen thưởng cho đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác phòng, chống ma tuý.
Xem thêm>>>
Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm việc quảng bá, mua bán trái phép chất ma túy trên mạng internet
Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong ngành KSND