Trao đổi bài viết: "Có áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn T"?
Ngày đăng : 09:46, 16/08/2018
Trong bài “Có áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn T?”, đăng trên Tạp chí kiểm sát online ngày 13/8/2018, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Bích - Hoàng Tuấn Ninh có đề cập đến các quan điểm khác nhau về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn T. Trên cơ sở nghiên cứu và phân tích các quy định của pháp luật về áp dụng biện đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc nói chung, tôi xin trao đổi thêm nội dung vụ việc mà tác giả bài viết nêu. Cụ thể như sau:
Về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được pháp luật quan định như sau:
- Theo khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: “1. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.”
- Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ thì: “2. Việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào … cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính khi đối tượng đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm đó trong 06 tháng.”
- Theo khoản 1 Điều 35a Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ ( Nghị định số 111) thì: “Người được giáo dục sau khi đã chấp hành ít nhất 1/2 thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc… thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn xử lý như sau:1. Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.”...
- Theo khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì: “2. Đối tượng thuộc trường hợp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật xử lý vi phạm hành chính là người đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đối với người có nơi cư trú ổn định) hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đối với người không có nơi cư trú ổn định) mà trong thời hạn 06 tháng họ đã ít nhất 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài hoặc vi phạm trật tự, an toàn xã hội và trong thời hạn 06 tháng đó họ lại thực hiện một trong các hành vi này, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Từ các quy định trên, có thể rút ra được một số vấn đề sau:
- Chủ thể ( người vi phạm) bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là: người có nơi cư trú ổn định và người không có nơi cư trú ổn định.
- Hành vi vi phạm của người vi phạm là: hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
- Thời gian thực hiện hành vi vi phạm là: trong thời hạn 06 tháng.
- Số lần vi phạm:
+ Đối với đối tượng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và 01 lần vi phạm hành chính không bị xử phạt hành chính nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Hiện nay vẫn còn cách hiểu và áp dụng khác nhau về quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính: “Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn …”
Như vậy, từ quy định này suy ra là người đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính phải là người đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Vì khi đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn thì họ mới được cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn của Chủ tịch UBND cấp xã. Còn nếu người này đang chấp hành Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì họ sẽ không được cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: thực hiện 01 lần vi phạm bị lập biên bản vi phạm hành chính và không bị xử phạt hành chính nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong quá trình thực hiện Nghị định số 111 đã gặp phải vướng mắc là người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được. Chính vì vậy mà Nghị định số 56/2016 đã bổ sung thêm Điều 35a quy định về xử lý người đang chấp hành biện pháp giáo tại xã phường, thị trấn.
Cụm từ “Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính” quy định tại khoản 1 Điều 35a Nghị định số 111 hiện nay cũng còn quan điểm hiểu khác nhau. Quan điểm thứ nhất hiểu cụm từ “Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính” là chỉ cần 01 lần thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính”. Quan điểm thứ hai hiểu cụm từ “Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính” là có hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính và phải đáp ứng đủ điều kiện về số lần vi phạm, thời gian vi phạm theo khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất bởi vì Điều 35a Nghị định số 111 chỉ đề cập đến hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính bao gồm: hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà không đề cập đến số lần vi phạm như chưa bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Nếu một người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn với một người đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn mà cùng thực hiện 03 hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính (trong đó có 02 hành vi bị xử phạt hành chính, 01 hành vi không bị xử phạt hành chính nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) mà đều cùng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì không công bằng cho người đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trở lại vụ việc tác giả nêu thì Nguyễn Văn T đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong thời hạn 03 tháng từ ngày 02/01/2018. Khi T đã chấp hành thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn được 02 tháng 14 ngày ( hơn ½ thời gian) thì ngày 11/3/2018, Nguyễn Văn T lại có hành vi dùng tay đánh vào mặt ông Nguyễn Văn A (là bố đẻ của T), bị Công an xã ĐĐ lập biên bản sự việc nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau đó, Chủ tịch UBND xã ĐĐ ra Quyết định số 25B ngày 16/3/2018 chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn T. Như vậy đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 35a Nghị định số 111 và như phân tích ở trên thì việc đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn T trong vụ việc này như quan điểm thứ nhất là đúng quy định pháp luật.
Xem thêm>>>