Có áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn T?

Ngày đăng : 10:46, 13/08/2017

(Kiemsat.vn) - T chưa chấp hành xong thời gian giáo dục tại xã, nhưng lại có hành vi dùng tay đánh vào mặt bố đẻ. Vậy, T đã đủ điều kiện để đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc?

 

Ảnh minh họa

Nội dung vụ việc:

Nguyễn Văn T sinh ngày 29/8/1982, xã ĐĐ, huyện BX, tỉnh VP là đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 04 ngày 02/01/2018 của Chủ tịch UBND xã ĐĐ, huyện BX do nhiều lần có hành vi xâm phạm sức khỏe các thành viên trong gia đình. Thời hạn giáo dục đối với T là 03 tháng, kể từ ngày 02/01/2018.

Tuy nhiên, khi chưa chấp hành xong thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn (chấp hành được 02 tháng 14 ngày), ngày 11/3/2018, Nguyễn Văn T lại có hành vi dùng tay đánh vào mặt ông Nguyễn Văn A (là bố đẻ của T), bị Công an xã ĐĐ lập biên bản sự việc nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau đó, Chủ tịch UBND xã ĐĐ ra Quyết định số 25B ngày 16/3/2018 chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn T.

Giải quyết vụ việc này, hiện có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần đề nghị Tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn T trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày T bị tạm giữ để đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc. Bởi lẽ, theo Điều 35a Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ cần được hiểu là: Đối với đối tượng đã chấp hành được ít nhất ½ thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì chỉ cần 01 lần vi phạm là đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Đối tượng Nguyễn Văn T sau khi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, T mới thực hiện một hành vi vi phạm về xâm hại sức khỏe của người khác nên chưa thỏa mãn đầy đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính, khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Vì theo các quy định trên, đối tượng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trong 6 tháng phải vi phạm hai lần, bị xử phạt vi phạm hành chính sau đó tiếp tục vi phạm thì mới đủ điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Tại Điều 35a Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định: “Người được giáo dục sau khi đã chấp hành được ít nhất ½ thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND xã ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc”. Hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính cần được hiểu là có hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính và phải đáp ứng đủ điều kiện về số lần vi phạm, thời gian vi phạm theo khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Do đó, đối chiếu với quy định tại Điều 35a Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ thì Nguyễn Văn T vẫn không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Xem thêm>>>

Điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

 

Nguyễn Thị Ngọc Bích - Hoàng Tuấn Ninh, VKSND huyện Bình Xuyên,