Áp dụng án lệ trong giải quyết án dân sự, hành chính
Ngày đăng : 23:09, 09/08/2018
Nguyên tắc áp dụng án lệ được quy định tại Điều 191 LTTHC, Điều 45 BLTTDS và được cụ thể hóa trong hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2015 của HĐTP TAND TC. Về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, tại Điều 8 Nghị quyết 03/2015/NQ – HĐTP quy định:“Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án. Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ”.
Từ năm 2016 đến nay Việt Nam đã công bố được 16 án lệ. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ trong các quan hệ hành chính, dân sự, KDTM cụ thể hiện còn mới mẻ đối với những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng nên việc nghiên cứu nhằm nâng cao kỹ năng áp dụng án lệ là việc làm rất cần thiết hiện nay. Bởi lẽ, quá trình giải quyết các tranh chấp nhiều trường hợp thấy rằng việc hiểu nội dung án lệ còn mang tính chất chủ quan dẫn đến việc vận dụng pháp luật nội dung không thống nhất.
Về việc áp dụng án lệ trong xét xử, giải quyết vụ việc dân sự
Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 03/2015 ta có thể hiểu để áp dụng án lệ, thì có hai vấn đề phải xác định là các tình tiết khách quan và vấn đề pháp lý cần được giải quyết trong vụ việc dân sự mà Tòa án đã thụ lý có giống với các tình tiết khách quan và vấn đề pháp lý đã được giải quyết trong Án lệ hay không. Do đó, trong quá trình nghiên cứu, áp dụng án lệ, cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, án lệ chỉ được áp dụng khi “các tình tiết khách quan cơ bản” của vụ việc dân sự đang được giải quyết được xác định là tương tự với “các tình tiết khách quan cơ bản” của vụ việc dân sự trong án lệ.
Nói cách khác, đây là những tình tiết quan trọng làm cơ sở cho yêu cầu của đương sự. Nếu các tình tiết khách quan cơ bản này chỉ giống nhau một phần hoặc phần lớn thì không được áp dụng án lệ.
Thứ hai, Khi giải quyết các tranh chấp, người tiến hành tố tụng phải xác định đối tượng khởi kiện, quan hệ pháp luật điều chỉnh đối tượng khởi kiện đó; trường hợp không có luật điều chỉnh mới áp dụng án lệ.
Thứ ba, thực tế áp dụng án lệ trong xét xử sẽ nảy sinh một số bất cập như:
Một, theo nội dụng Điều 8 Nghị quyết 03/2015 quy định thì việc áp dụng án lệ là có tính bắt buộc với các sự kiện đã được chọn làm án lệ. Tuy nhiên việc viện dẫn án lệ ở các Tòa án chưa đảm bảo nguyên tắc này.
Ví dụ án lệ số 08/2016 phần khái quát án lệ “Khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.”
Thực tiễn giải quyết án tranh chấp HĐTD trước năm 2013 đa số đều có quan điểm giải thích tương tự TTLT 01/1997 đều xác định sau khi xét xử, HĐTD đã chấm dứt nên sau xét xử đều Điều 305 BLDS năm 2005 áp dụng lãi suất chậm trả với tất cả các khoản tiền theo lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, cuối năm 2012 đầu năm 2013, trên cơ sở bản án GĐT, Tòa kinh tế TAND tối cao và tòa án một số tỉnh có văn bản hướng dẫn tạm thời áp dụng áp dụng lãi suất chậm thi hành án theo lãi suất đã thỏa thuận tại HĐTD (phù hợp với quy định của ngân hàng nhà nước). Do việc xét xử theo lối mòn đó từ năm 2013 đến nay, kể cả khi đã có Án lệ 08/2016, nhiều bản án vẫn xét xử như nội dung án lệ 08/2016 nhưng viện dẫn án lệ (qua kiểm sát các bản án sơ, phúc thẩm trên địa bàn Hà nội Phòng 10 Viện KSND thành phố Hà Nội đều có nhận xét với 70% số án này chưa viện dẫn án lệ, thậm chí có địa phương vẫn áp dụng lãi suât cơ bản, không đưa ra lập luật tại sao không áp dụng án lệ 08 nên bị Viện KSND thành phố Hà Nội kháng nghi theo trình tự phúc thẩm).
Hai, pháp luật quy định Tòa án tuân theo án lệ xuất phát từ hiệu lực pháp lý của án lệ sẽ dẫn đến nguy cơ Tòa án dụng án lệ một cách cứng nhắc.
Tại khoản 3 Điều 9 Nghị quyết 03/2015/ NQ – HĐTP quy định cho phép Tòa án không áp dụng án lệ: “Trường hợp Hội đồng xét xử không áp dụng án lệ và có phân tích, lập luận nêu rõ lý do trong bản án, quyết định thì ngay sau khi tuyên án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ về Tòa án nhân dân tối cao”. Như vậy, nếu không áp dụng án lệ thì Tòa án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ đến TANDTC.
Mặc dù có hướng dẫn của Nghị quyết tuy nhiên thực tế công tác thấy rằng nếu Tòa án có kiến nghị về việc thay thế án lệ đến TAND tối cao thì không thể xác định được kiến nghị này có được chấp nhận hay không nhưng nguy cơ bị Tòa án cấp trên hủy án là có thể.
VD: HĐXX cấp sơ thẩm không áp dụng án lệ và có kiến nghị thay thế án lệ; bản án sơ thẩm có kháng cáo thì chắc chắn thời gian xem xét kiến nghị thay thế của TANDTC sẽ lâu hơn thời gian thực hiện thủ tục tố tụng phúc thẩm. Nếu HĐXX cấp phúc thẩm không đồng ý với quan điểm HĐXX sơ thẩm mà vẫn áp dụng án lệ. Như vậy, bản án của tòa án sơ thẩm có thể bị hủy, hoặc sửa bởi Tòa án phúc thẩm.
Đứng trước sự chọn lựa giữa yêu cầu về tính hợp pháp (áp dụng án lệ) và tính hợp lý (kiến nghị thay thế án lệ) của phán quyết tư pháp thì các Tòa án chọn yêu cầu hợp pháp sẽ đơn giản và an toàn hơn. Điều này có nguy cơ dẫn hoạt động áp dụng án lệ của Tòa án Việt Nam chỉ có thể bảo đảm được về hình thức.
Ba, người tiến hành và người tham gia tố tụng chưa được trang bị kỹ càng kỹ năng xác định tình tiết cơ bản có tính chất tương tự trong hoạt động áp dụng án lệ. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một tình tiết nhưng các tòa án áp dụng án lệ có quan điểm khác nhau. Tòa án này cho rằng đó là tình tiết cơ bản nhưng Tòa án khác lại không cho là tình tiết cơ bản.
VD (1): Trong một vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” do TAND TP Cần Thơ giải quyết. Nội dung vụ việc này có tình tiết cơ bản tương tự với Án lệ số 02/2016/AL là Người Việt kiều nhờ Người Việt Nam đứng tên mua tài sản. Tuy nhiên, tại Bản án phúc thẩm số 20/2017/DS – PT ngày 24/02/2017, Tòa đã không áp dụng Án lệ số 02 với lý do được thể hiện rõ trong phần lập luận của bản án này là có sự khác biệt về tình tiết, cụ thể Nội dung Án lệ số 02 có tình tiết là Người Việt kiều “trực tiếp” giao dịch với người bán tài sản (đất) còn vụ việc cụ thể Tòa này giải quyết có tình tiết Người Việt kiều “không trực tiếp” giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên dùm giao dịch.
Ngược lại, trong Bản án phúc thẩm số 208/2017/ DS – PT của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 8 năm 2017, mặc dù cũng có tình tiết Người Việt kiều “không trực tiếp” giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên dùm giao dịch nhưng Tòa này vẫn áp dụng Án lệ số 02/2016 yêu cầu người đứng tên dùm phải trả nhà lại cho Người Việt kiều (1).
Kỹ năng áp dụng án lệ
Kỹ năng xác định tình tiết tương tự cần tập trung vào một số vấn đề sau:
- Phải cập nhật kịp thời các án lệ, hiểu được các tình tiết, nội dung cơ bản của án lệ.
- Xác định vụ việc đang giải quyết có tình tiết, nội dung tương tự án lệ không.
- Khi áp dụng án lệ thì thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 146/TANDTC-PC của TANDTC ngày 11 tháng 7 năm 2017 có hướng dẫn xác định yếu tố bắt buộc của án lệ ở phần “Khái quát nội dung của án lệ” như sau: “Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần Nhận định của Tòa án”.
Thực tế vận dụng án lệ vào vụ án cụ thể còn chưa có sự thống nhất khi áp dụng án lệ của án dân sự có áp dụng án hành chính, kinh tế, hôn nhân gia đình không và ngược lại. Đến nay những vẫn đề này chưa được hướng dẫn cụ thể nên theo quy định hiện hành Tòa án có quyền áp dụng các án lệ vào các quan hệ điều chỉnh có nội dung tương tự.
Trên thực tiễn thì TAND thành phố Hà Nội đã áp dụng án lệ vào các loại án khác nhau khi nội dung vụ việc có chứa tình tiết giống án lệ ở loại án khác. VD: tại Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2018 ngày 23/1/2018 của TAND thành phố Hà Nội đã viện dẫn Án lệ số 03/2016/AL về án dân sự để lập luận trong vụ án Hành chính.
Nội dung: người khởi kiện (bà Vạn) yêu cầu hủy GCN QSDĐ mà trước đây chồng bà là ông Giảng đã làm thủ tục cho nhà đất cho con là ông Hải. Bản án đã lập luận khi cho con trai nhà đất, bà Vạn không có chữ ký nào trong hợp đồng, nhưng biết sự việc và từng sử dụng sổ đỏ cấp cho anh Hải để thế chấp ngân hàng, nên thuộc tình huống tương tự Án lệ số 03/2016 “Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.” từ đó đã xử bác yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSD đất của bà Vạn.
Tính đến thời điểm hiện tại TAND TC ban hành 16 án lệ; phần viện dẫn tìm kiếm án lệ tương tự tình tiết vụ án chúng ta trước hết tra cứu trong bảng tổng hợp nội dung khái quát các án lệ và bổ sung thêm cho đầy đủ khi có án lệ mới.
Trên đây là một số kỹ năng cần áp dụng khi sử dụng án lệ trong thực tiễn, chúng tôi mong rằng nội dung trên sẽ có ích cho các cán bộ làm công tác xét xử khi nghiên cứu hồ sơ có các tình tiết nội dung liên quan đến áp dụng án lệ.
Phạm Thành Vân
Phòng 10 VKSND tp Hà Nội