Cần tuyên chiến với nạn tín dụng đen ở nông thôn
Ngày đăng : 10:05, 31/07/2018
Vẫn còn tồn tại, bất cập khi số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm 8% |
Tại Hội nghị, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị hôm nay, sự kiện được xem như “Hội nghị Diên Hồng” cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp bày tỏ một số băn khoăn, vướng mắc và nêu kiến nghị, đề xuất.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có chính sách về thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp; xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông sản để bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ các nhà sản xuất chân chính, vấn đề quỹ đất làm nông nghiệp...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.
Cũng theo Thủ tướng, việc hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn. Và nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản… chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng, thể hiện tiềm năng phát triển của nông nghiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn tồn tại, bất cập khi số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm 8%, đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp. “Còn một số hiện tượng như phá rừng làm cây công nghiệp, mua đi bán lại dự án nông nghiệp. Khâu chế biến sâu còn nhiều vấn đề”- Thủ tướng đề cập.
Thủ tướng cũng lưu ý, thị trường tiêu thụ là vấn đề lớn khi tình trạng dư thừa bắt đầu xuất hiện. Đồng thời, yêu cầu lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành vi bơm hóa chất, làm “nông sản bẩn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình sản xuất rau an toàn công nghệ cao |
Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên tốp hàng đầu thế giới về nông sản.
“Tại Hội nghị này, tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 của các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistic của thương mại nông sản toàn cầu”, Thủ tướng nói.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên thì cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các doanh nghiệp có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đặc biệt, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Thủ tướng cũng lưu ý cần khắc phục lãng phí sau thu hoạch khi mà hiện nay tỷ lệ tổn thất lên tới 20-30%. Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến mở rộng thị trường, “trước khi gieo hạt giống cần nghĩ tới thị trường tiêu thụ ở đâu”.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa, không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực làm tài sản bảo đảm…
Đáng nói, tại Hội nghị, Thủ tướng cho hay, cần tuyên chiến với nạn tín dụng đen ở nông thôn, cũng như nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
“Tất cả chúng ta nỗ lực, chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ và người dân đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.