Để địa phương tự rà soát điểm thi THPT Quốc gia 2018: Liệu có khách quan?

Ngày đăng : 15:34, 23/07/2018

(Kiemsat.vn) - Nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đề nghị chính những người tổ chức thi, chấm thi rà soát lại kết quả sẽ không có tác dụng phát hiện những điểm bất thường, hoặc gian lận trong kết quả thi.

Tổ công tác rà soát công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang (Ảnh: Báo Giáo dục thời đại)

Trước sức “nóng” của vụ việc gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2018 tại Hà Giang bị phanh phui, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký công văn số 3060/BGDĐT-QLCL  yêu cầu các địa phương tự rà soát các khâu tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị trưởng ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia các tỉnh thành, phố trực thuộc trung ương nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là coi, chấm thi nhằm đảm bảo công bằng, khách quan; kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh. 

Trước yêu cầu này của Bộ GD&ĐT, nhiều ý kiến cho rằng việc các địa phương tự rà soát không mang ý nghĩa phát hiện tiêu cực trong khâu chấm thi. Bởi rất khó xảy ra việc “tự mình khẳng định mình làm sai”. Đây chỉ là dịp để các địa phương tự kiểm tra xem lại quá trình tổ chức thi, đặc biệt là khâu chấm thi để nếu phát hiện sai sót thì báo cáo Bộ rút kinh nghiệm sửa chữa.

“Việc kiểm tra đấy là một là phản ứng kịp thời của Bộ GD&ĐT trước thông tin về những trục trặc xảy ra vừa rồi khiến cho công luận bất bình. Có phản ứng về mặt quản lý nhà nước như vậy là cần thiết và kịp thời. Nhưng hiệu quả của nó nếu để chống gian lận thì không có ý nghĩa gì vì nếu người ta đã cố tình gian lận thì chính người ta kiểm tra lại việc mình làm là vô ích”, ông Lê Quốc Hạnh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hà Nội chia sẻ trên VOV.

Giáo sư Đặng Ứng Vận, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình cũng nhận định: “Trong tình thế hiện nay, rất nên tìm một bộ phận khách quan, chứ giao cho chính những người chấm thi, chỉ đạo thi mà rà soát thì không tạo được niềm tin đối với xã hội. Theo tôi, rà soát lại thì không thể rà soát hết được mà nên rà soát theo xác suất, tức là chúng ta cố gắng làm thế nào đấy để rà soát lại cỡ được khoảng 10-15% toàn bộ bài thi. Thế còn bây giờ giao cho các tỉnh rà soát lại thì sợ là hiệu quả cả về mặt dư luận lẫn hiệu quả thực tế không được cao”, dẫn theo VOV.

Dư luận đang kỳ vọng vào sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng, để làm rõ nghi vấn gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, nhằm lấy lại sự công bằng, khách quan cho một kỳ thi. Việc rà soát lại kỳ thi trên phạm vi cả nước không chỉ tốn kém về sức người, sức của cho quá trình sà soát điểm thi, nếu làm không đến nơi đến chốn, e sẽ khó lấy lại niềm tin của xã hội. Do đó, phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, có sự tham gia của các lực lượng thì mới có thể phát hiện được những sai sót, tiêu cực.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, trả lời VTC News, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội Khóa 14, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng việc tổng rà soát kết quả điểm thi THPT Quốc gia năm nay là khó khả thi.

Về giải pháp, ông Nhưỡng kiến nghị: “Bộ GD&ĐT có thể chọn một số nơi để rà soát theo kiểu tính xác suất, tức là như chúng ta hay gọi là rà soát theo kiểu để kiểm tra bình thường thôi.

Theo hình thức này, Bộ GD&ĐT sẽ chọn cả những địa phương ngẫu nhiên, kể cả địa phương đó không có dư luận nhưng Bộ vẫn cứ nên chọn để làm xác suất bình thường. Địa phương thì nên lựa chọn có cả các tỉnh miền núi, miền xuôi, thành thị, nông thôn. Khi làm như thế thì sẽ tốt hơn”.

Xem thêm>>>

Bộ GD-ĐT lập tổ chấm thẩm định bài thi của Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre

Công an xác định Sơn La vi phạm quy chế thi THPT quốc gia

Cẩm Thi (tổng hợp)