6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của ngành KSND

Ngày đăng : 09:48, 10/07/2018

(Kiemsat.vn) - Ngày 04/7/2018, VKSND tối cao ban hành Quyết định số 313/QĐ-VKSNDTC về việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của ngành KSND. 

Theo đó, ngành KSND sẽ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thông qua 6 hình thức sau:

- Tổ chức họp báo.

- Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Trang tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của VKSND các cấp.

- Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên.

- Gửi Thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.

- Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các buổi giao ban báo chí do cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương, địa phương tổ chức khi có yêu cầu.

- Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin không chính xác trên báo chí.

Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của VKSND tối cao gồm: Viện trưởng VKSND tối cao; Chánh văn phòng được Viện trưởng VKSND tối cao giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (được gọi là người phát ngôn của VKSND tối cao); trường hợp cần thiết Viện trưởng VKSND tối cao ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc VKSND tối cao phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn của VKSND tối cao để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

Ảnh minh họa

Đối với VKSND cấp cao thì người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin bao gồm: Viện trưởng VKSND cấp cao; Chánh văn phòng được Viện trưởng VKSND cấp cao giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (được gọi là người phát ngôn của VKSND cấp cao); trường hợp cần thiết Viện trưởng VKSND cấp cao ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc VKSND cấp cao thực hiện phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn của VKSND cấp cao để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

Đối với VKSND cấp tỉnh thì người phát ngôn và cung cấp thông tin bao gồm: Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chánh văn phòng được Viện trưởng VKSND cấp tỉnh giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (được gọi là người phát ngôn của VKSND cấp tỉnh); trường hợp cần thiết Viện trưởng VKSND cấp tỉnh ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc VKSND cấp tỉnh phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn của VKSND cấp tỉnh để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

Đối với VKSND cấp huyện thì người phát ngôn và cung cấp thông tin bao gồm: Viện trưởng VKSND cấp huyện; trường hợp cần thiết Viện trưởng VKSND cấp huyện ủy quyền cho Phó Viện trưởng (được gọi là người phát ngôn của VKSND cấp huyện) thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ hộp thư điện tử Người phát ngôn của VKSND các cấp  được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cùng cấp và đăng tải trên Trang điện tử của cơ quan (nếu có). Người được phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn của VKSND các cấp quy định tại điều này không được ủy quyền cho người khác.

Việc ủy quyền phát ngôn quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 điều này được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc cụ thể và có thời gian nhất định. Khi thực hiện ủy quyền thì họ tên, chức vụ, số điện thoại, và địa chỉ hộp thư điện tử của người được ủy quyền phát ngôn, văn bản ủy quyền phải được đăng tải trên trên Trang điện tử của cơ quan hoặc niêm yết tại trụ sở ( đối với cơ quan, đơn vị chưa có Trang tin điện tử) trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ký văn bản ủy quyền.

Ngoài ra, ngành KSND sẽ từ chối cung cấp thông tin cho báo chí một số trường hợp, cụ thể như sau:

- Những vấn đề thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật và Danh mục bí mật nhà nước của ngành KSND, bí mật công vụ; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn theo quy định của pháp luật; những vấn đề chưa có thông tin cụ thể, rõ ràng.

- Thông tin liên quan đến các vụ việc trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, các vụ án đang được điều tra, truy tố hoặc chưa xét xử.

- Các vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra, đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố.

- Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

- Các trường hợp thông tin công dân không được tiếp cận theo quy định của pháp luật.

Xem thêm >>>

Trực tuyến tập huấn Quy chế về tiếp nhận, thu thập, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm

Quy chế tạm thời THQCT, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Ngân Hà