Trao đổi bài viết: “Thẩm quyền của Viện kiểm sát trong thống nhất kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm”.
Ngày đăng : 11:14, 05/07/2018
* Tác giả Đồng Thị Lan Anh, VKSND TP. Hải Phòng.
Ngày 01/7/2018, tạp chí Kiemsat Online đăng bài viết “Thẩm quyền của Viện kiểm sát trong thống nhất kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm” của tác giả Duy Thanh – Viện kiểm sát nhân dân thị xã Cai Lậy. Theo tác giả, khi có kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm trong thời hạn 24 giờ Cơ quan điều tra phải gửi quyết định cùng hồ sơ sang để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát. Tuy nhiên Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch 01/2017 không quy định Viện kiểm sát phải có văn bản thể hiện quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý về kết quả giải quyết. Theo đó, tác giả băn khoăn về việc Viện kiểm sát cần làm để thể hiện sự thống nhất đối với kết quả khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra.
Về vấn đề này, tôi có quan điểm như sau:
Đối với Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, Điều 13 Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Quy chế tạm thời 03) đã quy định:
“1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định đó và báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
a) Nếu thấy chưa đủ căn cứ thì có văn bản yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ;
b) Nếu thấy không có căn cứ thì yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu cơ quan đó không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 153, khoản 6 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự và gửi cho Cơ quan có thẩm quyền điều tra để tiến hành điều tra;
c) Nếu thấy đủ căn cứ thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.”
Theo quy định này, trong 3 ngày kể từ khi nhận được Quyết định không khởi tố vụ án hình sự cùng các tài liệu liên quan, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của Quyết định; nếu đồng ý, phải báo cáo đề xuất lãnh đạo ban hành thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đã ban hành. Tuy nhiên, hệ thống biểu mẫu của ngành lại chưa có mẫu thông báo này để thực hiện thống nhất.
Ảnh minh họa |
Đối với Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Điều 12 Quy chế tạm thời 03 đã quy định:
“Nếu thấy Quyết định khởi tố vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp thì gửi quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố cho cơ quan đã ra quyết định;”
Theo quy định này, có quan điểm cho rằng: có thể hiểu hoạt động gửi quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố cho cơ quan đã ra quyết định chính là một hình thức thông báo bằng văn bản về việc Viện kiểm sát đồng ý với Quyết định khởi tố vụ án đó (nếu không đồng ý thì có văn bản yêu cầu Cơ quan này bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án, tùy trường hợp được quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 12 Quy chế tạm thời 03). Tuy nhiên, hiện vẫn còn quan điểm khác về việc thực hiện quy định này: do không có hướng dẫn cụ thể và cũng không có Văn bản nào cấm nên ngoài việc gửi quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Quyết định phân công), Viện kiểm sát còn có thể gửi thêm thông báo bằng văn bản thể hiện việc đồng ý với Quyết định khởi tố vụ án đó. Vì việc gửi Quyết định phân công chỉ có ý nghĩa thông báo về người tiến hành tố tụng của Viện kiểm sát, không phải là văn bản thể hiện việc Viện kiểm sát đã đồng ý với Quyết định khởi tố vụ án. Do đó, để thể hiện rõ quan điểm đồng ý với Quyết định khởi tố vụ án, Viện kiểm sát cần gửi thêm văn bản thông báo có nội dung này.
Về thời hạn, BLTTHS, Thông tư liên tịch và Quy chế tạm thời 03 đều không quy định rõ Viện kiểm sát phải gửi các văn bản trên cho Cơ quan đã ra quyết định trong thời hạn bao lâu. Tuy nhiên, để đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, Kiểm sát viên cần gửi văn bản thông báo trên ngay sau khi ban hành. Để hướng tới áp dụng quy định này một cách thống nhất, đề nghị các cấp có thẩm quyền xây dựng văn bản mẫu và hướng dẫn cụ thể hơn những vẫn đề nêu trên.
* Tác giả Xuân Quang, VKSND tỉnh Gia Lai.
Theo quy định của pháp luật thì khi có kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm trong thời hạn 24 giờ Cơ quan điều tra phải gửi quyết định cùng hồ sơ sang Viện kiểm sát để kiểm sát để thực hiện chức năng kiểm sát được thể hiện như sau:
Khoản 2 Điều 154 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố”; Khoản 1 Điều 158 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định”.
Khoản 2 Điều 14 TTLT 01/2017 quy định “Khi kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải gửi kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại các điều 148, 154, 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”.
Mặc khác theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; giải quyết yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử quy định như sau:
“1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định đó và báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
a) Nếu thấy chưa đủ căn cứ thì có văn bản yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ;
b) Nếu thấy không có căn cứ thì yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu cơ quan đó không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 153, Khoản 6 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự và gửi cho Cơ quan có thẩm quyền điều tra để tiến hành điều tra;
c) Nếu thấy đủ căn cứ thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.”
Như vậy theo quy định của pháp luật nêu trên thì khi có kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm trong thời hạn 24 giờ Cơ quan điều tra phải gửi quyết định cùng hồ sơ sang Viện kiểm sát để kiểm sát để thực hiện chức năng kiểm sát. Viện kiểm sát phải có văn bản thể hiện quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý về kết quả giải quyết. Khi Viện kiểm sát thống nhất hay không thống nhất về kết quả khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra thì phải có thông báo bằng văn bản cho cơ quan điều tra đã ra quyết định đó.
Xem thêm>>>
Về thẩm quyền của VKS trong thống nhất kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm