Hà Nội: Giải pháp nào cho “bão đêm” đua xe mùa World Cup 2018

Ngày đăng : 10:49, 02/07/2018

(Kiemsat.vn) - Từ sau khai mạc World Cup 2018, trên một số tuyến đường Hà Nội rộ lên tình trạng đua xe, “bão đêm”. Những cuộc “đi bão” này đang tiếp tục trở thành mối lo ngại trên đường phố Hà Nội.

Lo sợ với "hung thần" đường phố

Như CAND đưa tin, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an Hà Nội cho biết, gần đây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội tái diễn tình trạng các tốp thanh - thiếu niên tụ tập, điều khiển phương tiện thành đoàn từ 20 đến 30 xe môtô, chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng gây mất an ninh trật tự. Chẳng hạn các tuyến đường: Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt…

Lực lượng 141 Công an Hà Nội tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm người đua xe, cổ vũ đua xe trái phép dịp World Cup 2018 (Ảnh: ANTĐ)

Các đối tượng điều khiển những chiếc xe máy đã thay đổi hoàn toàn hệ thống động cơ, không biển kiểm soát, không bộ phận giảm thanh, rú ga, nẹt pô, quẹt chân chống xe xuống đường... Thỉnh thoảng mặt đường lại tóe lửa sau một cú quẹt chân chống xe của những thanh niên thích “đùa” với mạng sống của mình. Nhiều người đi về khuya khiếp sợ trước đám “hung thần” này phải nép sát vỉa hè để tránh.

Theo phản ánh của báo Hà Nội mới, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 19/6, gần 100 thanh, thiếu niên ở độ tuổi từ 16 đến ngoài 20 ngồi huyên náo ở nóc hầm chui Kim Liên và trước cổng Công viên Thống Nhất phía khu vực ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt.

Trên xe máy được “độ” lại, nhóm người lao như thiêu thân trong những tiếng huýt, hú kéo dài. Trường hợp bị Cảnh sát phát hiện, vây bắt, các tay lái sẽ chạy vào những con phố nhỏ để thoát hiểm, thậm chí lao cả vào đường ngược chiều. Chỉ sau ít phút “tan đàn xẻ nghé”, cả nhóm lại chập lại. Thậm chí, không ít đối tượng vừa phóng xe như bay vừa la hét inh ỏi, buông lời giễu cợt lực lượng chức năng.

Các tay đua "đi bão" bất chấp nguy hiểm (Ảnh: internet)

Mới đây nhất, vào khoảng 2h20 ngày 18/6, tại khu vực gần Bưu điện Hà Nội (đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm), khi đang chạy tốc độ cao xung quanh hồ Hoàn Kiếm cùng với khoảng hơn chục chiếc xe máy khác, hai cô gái trẻ đã bị ngã xe, một người bị thương nặng, một người tử vong, theo thông tin từ VTC.

Nhận định hoạt động đua xe và cổ vũ đua xe trái phép có dấu hiệu tái diễn, nhất là khi “mùa” World cup 2018 sắp diễn ra, Giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thành phố tăng cường phòng, chống đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc bởi chế tài chưa đủ mạnh. Có thể ví đua xe như một cơn bệnh đã bị lờn với toa thuốc xử lý vi phạm hành chính.

Trong nhiều trường hợp, nếu lực lượng Cảnh sát kiên quyết truy đuổi sẽ dẫn đến nguy hiểm cho chính đối tượng vi phạm cũng như người tham gia giao thông và có thể xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Kết hợp đồng bộ các biện pháp phòng, chống đua xe

Để đối phó với nạn “bão đêm” đang “hoành hành”, trước tiên phải tăng cường tuần tra, “truy quét”, xử lý nghiêm các đối tượng đua xe. Đáng chú ý, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông gắn trên đường phố và tại nhà dân, lực lượng chức năng có thể chủ động phát hiện, ghi hình, chụp ảnh đối tượng, phương tiện có hành vi điều khiển phương tiện chạy lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội thông qua hệ thống camera giám sát giao thông phát hiện người đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng để xử lý nghiêm (Ảnh: ANTĐ)

Ngoài ra, cần xác định, ngăn chặn hình thành các tụ điểm phức tạp về trật tự đô thị, trật tự công cộng dễ trở thành nơi thanh, thiếu niên lợi dụng để đua xe và cổ vũ đua xe.

Một giải pháp hết sức hiệu quả nữa là cảnh sát giao thông phải phối hợp với chính quyền địa phương rà soát trên địa bàn những tiệm sửa xe có dấu hiệu độ xe, thay đổi đặc trưng của phương tiện, thay đổi về kết cấu, máy móc, hình dáng của phương tiện để kịp thời ngăn chặn.

Tuy nhiên, dù lực lượng CSGT có mạnh tay đến đâu cũng chỉ dừng lại ở việc phạt chế tài, cảnh cáo, nhắc nhở… Nhiều ý kiến cho rằng để phòng chống vấn nạn đua xe cần có sự chung tay phối hợp tích cực của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cần lập danh sách những đối tượng trước đây có liên quan tụ tập đua xe trái phép, thông qua hệ thống công an phường/xã/thị trấn để theo dõi, quản lý chặt chẽ ở địa phương. Những người này khi vi phạm giao thông sẽ được thông báo về tổ dân phố để tổ chức kiểm điểm trước khi tham gia đóng phạt. Việc kiểm điểm này có tác dụng răn đe rất cao.

Các bậc phụ huynh cũng cần có biện pháp giám sát con em mình, đặc biệt chú ý đến phương tiện sử dụng. Nếu phát hiện xe bị thay đổi cấu hình, xoáy nòng, móc pô phát âm thanh lớn… cần nhắc nhở và chấn chỉnh ngay.

Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm Giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:

“….

8. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

b) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

c) Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; tránh, vượt không đúng quy định gây tai nạn giao thông hoặc không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông;

d) Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường;

đ) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h.

9. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;

c) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.

10. Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 8 Điều này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông”.

Xem thêm>>>

100% kinh phí xử phạt vi phạm giao thông được chi cho bảo đảm ATGT

Cẩm Thi (tổng hợp)