Cầm giữ tài sản trong giao dịch dân sự
Ngày đăng : 14:10, 22/06/2018
Cầm giữ tài sản là một chế định mới trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, được quy định từ Điều 346 đến Điều 350 BLDS. Điều 346 BLDS quy định: “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Nếu xác định về căn cứ xác lập quyền cầm giữ tài sản so với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, thì cầm giữ tài sản do pháp luật quy định, mà không xác lập từ thỏa thuận của các bên trong quan hệ nghĩa vụ như cầm cố, thế chấp, đặt cọc, bảo lãnh, ký cược...
Tài sản cầm giữ là đối tượng của hợp đồng song vụ đang do bên có quyền nắm giữ. Một câu hỏi được đặt ra là, hợp đồng song vụ nào thì bên có quyền được nắm giữ tài sản, còn hợp đồng song vụ nào thì bên có quyền không được nắm giữ tài sản? Biết rằng, hợp đồng song vụ là hợp đồng theo đó các bên đều có các quyền và nghĩa vụ đối nhau. Trong một hợp đồng, thì một bên có quyền yêu cầu bên kia thực hiện hoặc không được thực hiện các hành vi nhất định vì lợi ích của mình hoặc vì lợi ích của người thứ ba và ngược lại, phía bên kia của hợp đồng cũng có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện những hành vi nhất định vì lợi ích của mình hoặc vì lợi ích của người thứ ba. Hợp đồng song vụ có thể là một hợp đồng có đặc điểm đền bù hoặc hợp đồng không có đặc điểm đền bù.
Hợp đồng song vụ không có đặc điểm đền bù, việc nắm giữ tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ thì bên có quyền có được chiếm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ? Nghĩa vụ đó là nghĩa vụ gì? Tài sản bị nắm giữ là tài sản nào? Những hợp đồng song vụ không có đặc điểm đền bù như hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng cho ở nhờ nhà ở…, căn cứ vào các hợp đồng này, thì bên có quyền không nắm giữ bất kỳ một tài sản nào của bên có nghĩa vụ, mà bên có quyền chỉ có quyền yêu cầu bên mượn tài sản, trả lại tài sản khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Như vậy, đối với hợp đồng song vụ không có đặc điểm đền bù, thì việc áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là cầm giữ tài sản không được đặt ra.
Ảnh minh họa |
Một vấn đề khác cần phải được xác định liên quan đến bên có quyền trong hợp đồng song vụ đang nắm giữ hợp pháp tài sản của bên có nghĩa vụ, nhưng tài sản này không phải là đối tượng của hợp đồng song vụ đang cần được thực hiện, mà là đối tượng của một hợp đồng song vụ khác được xác lập trước đó, thì bên có quyền trong hợp đồng song vụ được xác lập sau có quyền cầm giữ tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được xác lập trước giữa hai bên không? Nếu áp dụng những quy định về cầm giữ tài sản trong BLDS, vấn đề đặt ra trên đây có được giải quyết không?
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về cầm giữ tài sản như sau:
Một là, về cầm giữ tài sản theo quy định tại Điều 346 BLDS, thì việc cầm giữ tài sản chỉ áp dụng cho chính hợp đồng song vụ mà tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ đang cần phải thực hiện, không thể lấy tài sản là đối tượng của một quan hệ nghĩa vụ khác để thực hiện quyền cầm giữ tài sản. Bởi vì, xác định hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ cụ thể, mà không thể gộp nghĩa vụ của hợp đồng song vụ này vào nghĩa vụ hợp đồng song vụ khác cho dù bên có nghĩa vụ trong các hợp đồng song vụ được xác lập trước hay được xác lập sau cùng là một chủ thể. Vì mỗi một hợp đồng song vụ là một quan hệ độc lập, không thể lấy tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ độc lập này để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ cho hợp đồng song vụ kia. Do các hợp đồng song vụ độc lập, không thể lấy đối tượng của hợp đồng song vụ này làm biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho hợp đồng song vụ khác. Các hợp đồng song vụ độc lập đều là các hợp đồng chính, giữa chúng không có mối liên hệ phụ thuộc về hiệu lực xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Việc xác định này rất quan trọng, là căn cứ để những cơ quan hoạt động xét xử, hoạt động thi hành án tránh được những nhầm lẫn trong thực hiện nghiệp vụ của mình.
Như vậy, cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ do luật định, áp dụng trong trường hợp bên có quyền (bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ có đặc điểm đền bù được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ phát sinh từ chính hợp đồng song vụ đó.
Hai là, về xác lập cầm giữ tài sản theo quy định tại Điều 347 BLDS, căn cứ xác lập quyền cầm giữ được xác định từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình. Thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ, mà bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng song vụ là căn cứ để bên có quyền được quyền cầm giữ tài sản. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận hoặc luật định hoặc do các bên yêu cầu thực hiện cho nhau quyền và nghĩa vụ trong một ngày được xác định, nếu hợp đồng không quy định thời hạn. Việc xác định thời điểm xác lập quyền của bên cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ, là căn cứ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
Ảnh minh họa |
Pháp luật dân sự hiện hành không có quy định vật bảo đảm trong trường hợp cầm giữ phải thuộc quyền sở hữu của bên có nghĩa vụ. Nhưng bên có quyền cầm giữ phải được xác định là người nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ. Mối liên hệ giữa trái quyền được bảo đảm phát sinh có quan hệ hữu cơ với đối tượng của quyền cầm giữ là tài sản.
Ba là, về quyền của các bên cầm giữ theo quy định tại Điều 348 BLDS, bên cầm giữ tài sản có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ. Việc bên có quyền đang nắm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ là một lợi thế của bên có quyền.
Trường hợp đối tượng của hợp đồng song vụ là động sản đang do người thứ ba chiếm hữu, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bên có quyền cầm giữ yêu cầu người thứ ba đang chiếm hữu động sản chuyển giao tài sản cho mình, nhưng người này không chuyển giao, thì quyền cầm giữ của bên có quyền có thể bị vi phạm bởi hành vi của người thứ ba. Khi đó, bên có quyền cầm giữ tài sản có quyền yêu cầu người thứ ba đang chiếm hữu tài sản giao tài sản cho mình cầm giữ hoặc chấp hành viên thực hiện quyền này. Như vậy, trên thực tế bên có quyền phát sinh từ hợp đồng song vụ, mà đối tượng của hợp đồng lại đang do người thứ ba chiếm hữu, thì quyền của bên cầm giữ tài sản có nhiều nguy cơ bị xâm phạm hoặc không có tài sản để cầm giữ. Vì người thứ ba được xác lập quyền đối với tài sản đó, như xác lập quyền sở hữu hoặc quyền của người thứ ba đối với tài sản đã được đăng ký theo quy định của pháp luật. Như vậy, quy định tại Điều 346 BLDS, bên có quyền đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, là một quy định đã dự liệu được những tình huống có thể phát sinh trên thực tế.
Trường hợp đối tượng của hợp đồng song vụ là bất động sản, việc chuyển giao bất động sản phải tuân theo những hình thức, thủ tục nhất định do luật định, cho nên bên có quyền nắm giữ đang chiếm hữu bất động sản, thì người thứ ba có quyền đối với bất động sản này vẫn có thể tiến hành thủ tục bán đấu giá. Quyền của người nắm giữ có thể được thanh toán bằng phương thức khác.
Ở Việt Nam, quy định về quyền cầm giữ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung, mà không quy định cứng là biện pháp bảo đảm này chỉ áp dụng trong quan hệ nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, nghĩa vụ được hiểu rộng trong các quan hệ nghĩa vụ phát sinh ngoài lĩnh vực dân sự, nếu các luật chuyên ngành khác không có quy định về cầm giữ tài sản trong quan hệ nghĩa vụ tương ứng với đối tượng thuộc ngành luật đó điều chỉnh. Với cách hiểu như vậy, thì biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong BLDS năm 2015 của Việt Nam từ Điều 346 đến Điều 350 được áp dụng giải quyết những tranh chấp liên quan đến cầm giữ tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ tài sản.
Tiếp theo khoản 1 Điều 348 BLDS quy định bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ như một nguyên tắc thực hiện hợp đồng. Tại khoản 2 và 3 Điều 348 BLDS năm 2015, bên cầm giữ tài sản có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ. Tài sản cầm giữ có thể là tài sản được sản xuất theo công nghệ cao thuộc các lĩnh vực bán dẫn, điện tử cần phải có chế độ, quy trình bảo quản nghiêm ngặt, cho nên những chi phí bảo quản kho, bãi, điện năng, công nghệ phụ cận khác cần phải được xác định. Bên cầm giữ tài sản nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý, thì được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức. Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.
Ngoài các quyền này, bên cầm giữ có các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 349 BLDS như: Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ; không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ; không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không được bên có nghĩa vụ đồng ý; giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ được thực hiện; bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.
Với số lượng 05 điều luật (từ Điều 346 đến Điều 350 BLDS), thì những quy định cơ bản này chưa thể điều chỉnh toàn diện những tranh chấp phát sinh từ việc cầm giữ trong hợp đồng song vụ, còn nhiều vấn đề liên quan đến cầm giữ tài sản cần phải được dự liệu để bổ sung. Các sự kiện liên quan đến cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ và biện pháp này là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung, không quy định riêng cho quan hệ dân sự. Những vấn đề bổ sung có thể cần chú ý tới những quy định về đối tượng cầm giữ, thứ tự của quyền nắm giữ, hiệu lực của quyền nắm giữ thật cụ thể hơn nữa… Cho dù vậy, những quy định về cầm giữ tài sản trong BLDS năm 2015, là căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong việc giải quyết những tranh chấp phát sinh từ biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ - cầm giữ tài sản./.
(Trích bài viêt: “Bàn về cầm giữ tài sản – một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của PGS.TS Phùng Trung Tập, Đại học Luật Hà Nội. TCKS số 9/2018).
Xem thêm>>>
Giải quyết thế nào khi giao dịch bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba vô hiệu?
Mức án phí yêu cầu tuyên giao dịch bảo đảm vô hiệu?