Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV
Ngày đăng : 13:50, 15/06/2018
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch
Trước đó, vào các ngày 23/5/2018 và ngày 01/6/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em, Luật Xây dựng (gọi tắt là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật).
Qua thảo luận Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng cho thấy, còn có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu về dự án Luật, mặt khác, đây là những vấn đề liên quan đến nội dung cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ, thời gian thông qua theo quy trình một kỳ họp không bảo đảm cho việc đánh giá, rà soát để thống nhất. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho để lại hai luật này để tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Quốc hội xem xét, thông qua cùng với các luật còn lại liên quan đến quy hoạch tại kỳ họp thứ 6.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc liệt kê từng luật để đặt tên là quá dài, khó nhớ, không thuận lợi cho việc trích dẫn. Hơn nữa, tại kỳ họp thứ 6 tới đây Quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật còn lại có quy định liên quan đến quy hoạch với dự kiến còn rất nhiều luật phải sửa đổi, bổ sung, nếu đặt tên theo kiểu liệt kê sẽ không hợp lý. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin thể hiện lại tên gọi của Luật là “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch”.
Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 11 luật |
Với 475 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 471 đạt 96.71 %, số đại biểu không tán thành là 03, chiếm 0.62 %, số đại biểu không tham gia biểu quyết là 01, chiếm 0.21 %. Như vậy, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 11 luật.
Hoạt động giám sát đã tạo nên những chuyển biến tích cực, đáng khích lệ trong việc cơ cấu lại DNNN.
Báo cáo của Đoàn Giám sát đã chỉ rõ sau khi được Quốc hội giao nhiệm vụ, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Đoàn giám sát đã hoàn thành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 theo đúng tiến độ và phạm vi, đối tượng như Quốc hội giao tại Nghị quyết số 45/2017/QH14.
Hoạt động giám sát đã tạo nên những chuyển biến tích cực, đáng khích lệ trong việc cơ cấu lại DNNN. Ngay trong thời gian giám sát, Chính phủ và nhiều cơ quan, địa phương đã chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản mới về DNNN.
97.33 % đại biểu nhất trí thông qua Nghị quyết |
Với 475 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 474 đạt 97.33 %, số đại biểu không tham gia biểu quyết là 01 chiếm 0.21 %. Như vậy, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019
Căn cứ kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội; sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan, cân nhắc xem xét nhiều mặt về phạm vi, nội dung và thời gian thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề và biểu quyết thông qua chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” tại kỳ họp 7.
Quốc hội thông qua chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” |
Với 472 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 470 đạt 96.51 %, số đại biểu không tham gia biểu quyết là 2, chiếm 0.41 %, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” của Quốc hội năm 2019.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề và biểu quyết chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” tại kỳ họp thứ 8.
Quốc hội thông qua chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” |
Với 470 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 463 đạt 95.07 %, số đại biểu không tán thành là 04, chiếm 0.82%, số đại biểu không tham gia biểu quyết là 3, chiếm 0.62 %. Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” của Quốc hội năm 2019.
Các chuyên đề còn lại, Quốc hội sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả với Quốc hội.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Sáng ngày 12/6/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV (gọi chung là dự thảo Nghị quyết); đến cuối giờ sáng ngày 13/6/2018, đã nhận được 405 văn bản ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong đó, 359 văn bản đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 46 văn bản có ý kiến đóng góp cụ thể.
Nghị quyết đã đề cập đến bốn nội dung chính đã được tiến hành trong 3 ngày chất vấn và nhấn mạnh Quốc hội ghi nhận các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những cam kết, các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp tiếp theo.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV |
Với 471 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 471 đạt 100 %, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã điểm lại những việc mà Quốc hội đã thực hiện. Trong 20 ngày làm việc vừa qua, Quốc hội đã thông qua 07 luật, cho ý kiến về 08 dự án luật, biểu quyết tán thành việc chưa trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 sau khi cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật này. Quốc hội cũng đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; lao động, thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo.
Trong suốt kỳ họp thứ 5, Quốc hội cũng thực hiện giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Xem xét các báo cáo về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan …
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV |
Quốc hội cũng nhất trí với việc phát hành trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hay quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn 2017 – 2020 …
Với 466 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 466 đạt 100 %, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.