Luật Công an nhân dân (sửa đổi): Cần có lộ trình khi chính quy hoá lực lượng Công an xã

Ngày đăng : 15:48, 14/06/2018

(Kiemsat.vn) - Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Công an nhân dân sửa đổi. Vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất là về lực lượng Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức CAND và cho rằng cần một lộ trình thích hợp.

Hiện nay, số đơn vị Công an xã, thị trấn đã được bố trí Công an chính quy là 1.065; số đơn vị Công an xã, thị trấn chưa được bố trí Công an chính quy còn 8.516. Như vậy, để xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh Công an xã.

Đại biểu Lê Tấn Tới (Bạc Liêu). Ảnh QH 

Theo đại biểu Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) thì Công an xã giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương: Từ công tác quản lý hộ khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng, nắm hộ, nắm người, đến công tác tiếp nhận thông tin, lập hồ sơ ban đầu, bảo vệ hiện trường, truy bắt nóng người phạm tội quả tang, tạm giữ người theo thủ tục hành chính và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây là những mặt công tác quan trọng mà công an xã trực tiếp thực hiện. 

Ông ủng hộ việc chính quy hoá lực lượng Công an xã bởi lẽ vừa tốt cho công tác an ninh trật tự, lại có lợi cho địa phương nhưng cần một lộ trình thích hợp. “Việc bố trí công an xã, thị trấn chính quy không làm tăng thêm biên chế lực lượng mà ngược lại các địa phương giảm bớt khó khăn về ngân sách khi không phải trả lương và các chính sách khác cho lực lượng này là Bộ Công an đã trả lương”, Đại biểu tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) băn khoăn về nghiệp vụ của lực lượng Công an xã 

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) bày tỏ sự băn khoăn khi luật đang giao cho công an xã được sử dụng nhiều loại vũ khí và công cụ hỗ trợ như súng trường, súng tiểu liên, bình xịt hơi cay, roi điện, rùi cui... Đồng ý với nhiệm vụ của Công an xã rất nặng nề, áp lực lớn nhưng Đại biểu tỉnh Nghệ An lại lo lắng đội ngũ công an xã không được đào tạo nghiệp vụ bài bản, trong tay lại được trang bị những vũ khí có khả năng sát thương cao sẽ không tránh khỏi những vấn đề liên quan đến quyền con người và “thực tế thời gian qua, đã xảy ra nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, trong đó có những vụ thậm chí đánh chết người dân, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án,... “. Và tuy đồng ý với quan điểm phải chính quy hoá lực lượng Công an xã nhưng đại biểu tỉnh Nghệ An “trân trọng đề nghị” Chính phủ và Bộ Công an cần phải xây dựng một lộ trình để chính quy hóa công an xã một cách rất cụ thể, phù hợp, không làm đồng loạt và ồ ạt. 

Ông Phan Văn Tường (ĐB tỉnh Thái Nguyên) thì lại lo lắng cho hơn 17.000 người hiện là trưởng, phó công an cấp xã của 8.516 xã, thị trấn thuộc diện giải quyết bằng các chính sách khác sẽ như thế nào và đề xuất nên cân nhắc việc kết hợp giữa chuyên trách và bán chuyên trách. Theo ông, “đây vẫn là mô hình tiết kiệm ngân sách và hiệu quả về an ninh trật tự”.

Còn đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) lại băn khoăn đến chế độ cho Công an xã những năm qua và tương lai sắp tới. Theo báo cáo đến tháng 7/2016 có 44 đồng chí hy sinh, có 487 đồng chí bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ, nhưng mới có 27 đồng chí được công nhận là liệt sĩ, có 128 đồng chí được công nhận thương binh, còn 17 đồng chí chưa được công nhận liệt sĩ 359 đồng chí chưa được công nhận là thương binh vì “còn lấn cấn về hồ sơ" nên ông cho rằng các đồng chí quá thiệt thòi. 

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà nẵng. Ảnh QH 

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà nẵng giơ biển xin tranh luận với đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) về ý kiến giữ lại lực lượng bán chuyên ở Công an xã. Ông Dũng khẳng định Hiến pháp 2013 đã đề cao quyền con người, công an xã theo quy định của pháp luật, là có thực hiện chức năng tư pháp, tức là ở góc độ như Bộ luật Tố tụng hình sự quy định công an xã là cơ quan có trách nhiêm tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, tức là thực hiện hoạt động tư pháp. Nếu công an xã, khi thực hiện quyền tư pháp đó, nếu không có nhận thức, trang bị về kiến thức về vấn đề chính quy thì sẽ rất dễ trong việc lạm dụng để mà xâm phạm quyền con người, như thế chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đại biểu Quang Dũng đồng ý chủ trương thực hiện chính quy hóa là cần thiết khi đưa ra ví dụ: Quảng Nam từng có vụ việc vì công an xã không hiểu rõ quy trình giải quyết tin báo tố giác tội phạm nên có vụ giữ lại ở xã gần 2 năm sau đó mới chuyển lên huyện để khởi tố, điều tra. Do kéo dài nên khi điều tra thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, vụ án kéo dài 5 năm chưa xét xử xong.  

Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm. Ảnh QH  

Thay mặt Ban soạn thảo, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp quý giá, sát thực của các Đại biểu. Thượng tướng khẳng định Ban soạn thảo dự án luật sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội vào kỳ họp lần thứ 6 theo đúng chương trình của Quốc hội đã đề ra. 

Minh Tú