Mọi công dân có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong tiếp cận thông tin
Ngày đăng : 09:41, 14/06/2018
Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản quan trọng của công dân. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp; tạo tiền đề thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet) |
Điều 3 Luật tiếp cận thông tin quy định: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.; Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Trong quá trình thực thi quyền tiếp cận thông tin, có thể xảy ra trường hợp cơ quan nhà nước hoặc công chức cung cấp thông tin không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Luật tiếp cận thông tin, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Vì vậy, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu cung cấp thông tin, Điều 14 Luật tiếp cận thông tin quy định công dân có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
Việc khiếu nại, khởi kiện, tố cáo trong việc tiếp cận thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, khởi kiện, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính.
Các trường hợp khiếu nại, khởi kiện liên quan tới việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin có thể là:
- Người yêu cầu cung cấp thông tin bị từ chối cung cấp thông tin mà lý do từ chối không phù hợp với các căn cứ quy định tại Luật;
- Thông tin được cung cấp không phải là thông tin mà người yêu cầu đề nghị;
- Thông tin được cung cấp không đầy đủ, không chính xác nhưng không được cung cấp lại;
- Quá thời hạn xem xét, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin mà chưa được cung cấp thông tin hoặc chưa nhận được thông báo của cơ quan được yêu cầu về lý do gia hạn;
- Người yêu cầu phải trả chi phí tiếp cận thông tin trái với quy định của pháp luật…
Xem chi tiết Luật tiếp cận thông tin tại đây.
Xem thêm >>>
Cung cấp thông tin và các hành vi bị nghiêm cấm
Cung cấp thông tin cho công dân là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương
Chính sách hỗ trợ người cung cấp thông tin, đi tìm mộ liệt sĩ