Phòng, chống tham nhũng trong khu vực công vẫn phải là chủ đạo

Ngày đăng : 16:41, 13/06/2018

(Kiemsat.vn) - Hôm nay (13/6), Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cả ngày.

Có thể nói, đây là dự án luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nhân dân. Đây cũng là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới phức tạp, hiện vẫn còn nhiều nội dung mà các ĐBQH đang còn ý kiến khác nhau như những vấn đề về mở rộng hay thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập, xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc...

Về việc mở rộng phòng chống tham nhũng trong khu vực tư

Góp ý cho dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Bắc Kạn băn khoăn về việc mở rộng phòng chống tham nhũng trong khu vực tư. Theo bà Thuỷ, các cử tri thuộc khối doanh nghiệp bày tỏ sự băn khoăn với quy định này và cho rằng đây là các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, những người quản lý doanh nghiệp không phải là công chức, công bộc trong bộ máy nhà nước, họ là những nhà kinh doanh. “Chỉ vì họ kê khai tài sản không đầy đủ hoặc không giải trình được đầy đủ tài sản của mình mà bị xử lý 45% như công chức là không phù hợp”, Đại biểu Bắc Kạn chia sẻ và nhấn mạnh thêm đây cũng không phải là cách làm của các nước trên thế giới.

Trên bình diện quốc tế, các nước cũng quy định phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhưng cho đến nay chưa có pháp luật của nước nào quy định người quản lý doanh nghiệp tư phải kê khai tài sản và bị xử lý tài sản, nếu kê khai không trung thực. Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ viện dẫn Điều 12 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Việt Nam là thành viên), quy định 6 biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư cũng không đặt ra các trách nhiệm và nghĩa vụ này đối với doanh nghiệp.

Cho rằng phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư chính là hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thúc đẩy liêm chính, thiết lập đạo đức kinh doanh nên bà Thuỷ cho rằng cần phải đánh giá kỹ tác động của từng chính sách sẽ áp dụng lên khu vực này, làm từng bước, khả thi, chỉ rõ những nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện và đặc biệt là "tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp", bà Thuỷ kết luận.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Ảnh QH 

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nhưng đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng phòng, chống tham nhũng trong khu vực công vẫn phải là chủ đạo. Theo bà Phương Hoa, cần tránh nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng từ khu vực công sang khu vực tư vì làm khu vực công sẽ “khó khăn và động chạm” hơn so với khu vực tư. Nếu không đặt ra vấn đề này thì sẽ có nguy cơ lạm dụng quyền lực, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế.

Nguy cơ doanh nghiệp tư nhân sẽ bị thêm một dạng thanh tra nữa 

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo lắng hiện nay các Doanh nghiệp tư nhân đã và đang bị quá nhiều các loại ràng buộc, các loại khó khăn thì nay lại có nguy cơ đối mặt thêm một hình thức thanh tra nữa. Ông cho rằng, nếu doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước, họ không có các hành vi phạm tội, nguồn vốn của các cổ đông, của người gửi tiền đang được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả thì lại phải lo lắng tìm cách giải trình nguồn gốc tài sản là chưa hợp lý. “Điều này cũng đi ngược lại với tinh thần khởi nghiệp mà Thủ tướng đã phát động, tạo thêm rào cản không cần thiết cho doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đã rất khó khăn hiện nay”.  

ĐBQH, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ hơn nữa vấn đề phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư, tham khảo thêm kinh nghiệm Quốc tế và quan trọng hơn là cần tạo một môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp. Theo ông, đã có quá nhiều đoàn thanh tra hàng năm, nay lại thêm một dạng thanh tra nữa sẽ khiến người đứng đầu doanh nghiệp phải lo lắng, mệt mỏi. Cá nhân Chủ tịch VCCI cho rằng các biện pháp áp dụng đối với khu vực tư phải thiên về các biện pháp kinh tế, các biện pháp thị trường, chứ không phải là các biện pháp hành chính như áp dụng đối với các cơ quan nhà nước.

Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư là rất khó khăn 

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng ,Thanh tra Chính phủ

Bên hành làng Quốc hội, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư là rất khó khăn. Là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, ông Đạt cho rằng khó ở đây là về cơ chế, về chính sách, về con người, về nghiệp vụ, điều kiện để có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Ví dụ như về con người thì hiện nay, cả Cục phòng chống tham nhũng chỉ có vài chục con người, vốn đã rất nhiều công tác, nay lại nhận thêm trách nhiệm mới nên cũng rất khó khăn. Hay như cơ chế hiện nay rất phân tán, các địa phương đều có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng “cứ để địa phương làm thì bao nhiêu năm nay chúng ta không phát hiện được trường hợp nào”, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng cho biết. Từ khó khăn về cơ chế, theo ông Đạt tới đây sẽ phải phân công, phân cấp lại từ Trung ương đến địa phương để có một sức mạnh tổng hợp chứ không thể phân tán như hiện nay.

Ông Phạm Trọng Đạt cũng chia sẻ, tới đây, sẽ có một cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý, lưu trữ, thẩm định và xác minh tài sản; cơ quan này sẽ tiếp nhận báo cáo của các địa phương, các cơ quan, tổng hợp và tiến hành xác minh các kê khai tài sản thu nhập... 

Minh Tú