Về xác định thời hiệu khởi kiện thanh toán nợ lãi đối với tranh chấp đòi lại tài sản
Ngày đăng : 14:19, 13/06/2018
Nội dung vụ việc:
Ngày 05/01/2009, A cho B vay số tiền 300 triệu, hẹn 02 tháng sẽ trả, không thỏa thuận lãi. Đến ngày 05/3/2009, A yêu cầu B trả nợ nhưng B không thực hiện. Ngày 03/8/2017, A khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc B trả số tiền gốc 300 triệu và tiền lãi chậm trả cho A từ 06/3/2009 đến ngày 03/8/2017 là 250 triệu.
Theo quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 02 năm”. Tại điểm a khoản 3 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2011 quy định: “... tranh chấp về đòi lại tài sản thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện” và theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012 ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành quy định về thời hiệu khởi kiện theo Điều 159 BLTTDS năm 2011: “Đối với tranh chấp về đòi lại tài sản thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện” và để giải thích cho quy định này, Nghị quyết đã đưa ra một ví dụ như sau: “Ngày 01/01/2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay 01 năm. Đến ngày 01/01/2009, B không trả tiền gốc và lãi. Ngày 03/4/2011, A khởi kiện buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung”.
Theo quy định của pháp luật hiện hành lại có sự khác biệt về thời hiệu khởi kiện của tranh chấp đòi lại tài sản, tại Điều 429 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm” và tại Điều 155 BLTTDS năm 2015 quy định các yêu cầu, tranh chấp không áp dụng thời hiệu khởi kiện chỉ bao gồm yêu cầu bảo vệ nhân thân, bảo vệ quyền sở hữu và tranh chấp về quyền sử dụng đất, không tiếp tục quy định tranh chấp đòi lại tài sản là không xác định thời hiệu như BLTTDS năm 2011.
Ảnh minh họa |
Từ những quy định của pháp luật nêu trên, hiện có hai ý kiến về cách giải quyết vụ án như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, Tòa án phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện. Bởi vì, giao dịch được xác lập ngày 05/01/2009, về luật nội dung cần áp dụng BLDS năm 2005 với thời hiệu khởi kiện của hợp đồng dân sự là 02 năm, nhưng đến ngày 03/8/2017, A mới yêu cầu Tòa án giải quyết nên cần áp dụng luật hình thức là BLTTDS năm 2015, nhưng vì BLTTDS năm 2015 không quy định hợp đồng đòi lại tài sản là không xác định thời hiệu như BLTTDS năm 2011 và hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2012. Như vậy, tại thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết vụ án BLTTDS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành nên BLTTDS năm 2011 và Nghị quyết số 03/2012 đã hết hiệu lực thi hành, do đó, yêu cầu khởi kiện của A đã hết thời hiệu, Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Ý kiến thứ hai cho rằng, Tòa án cần xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của A, để buộc B trả lại cho A số tiền gốc 300 triệu, còn số tiền lãi 250 triệu thì không chấp nhận. Bởi vì, theo quy định của Nghị quyết số 03/2012, tranh chấp đòi lại tài sản không xác định thời hiệu, còn phần yêu cầu trả nợ lãi chậm trả thì áp dụng theo ví dụ tại điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012 là phần lãi đã hết thời hiệu khởi kiện nên không được giải quyết.
Ý kiến của tác giả cho rằng, thời điểm các bên xác lập hợp đồng vay tài sản là ngày 05/01/2009 nhưng đến năm 2017 mới yêu cầu Tòa án giải quyết. Do đó, về căn cứ áp dụng pháp luật cần áp dụng trình thự thủ tục theo quy định của BLTTDS năm 2015 để giải quyết, về nội dung áp dụng BLDS năm 2005 để phù hợp với thời điểm xác lập hợp đồng.
- Đối với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán lãi chậm trả cần được chấp nhận. Bởi vì theo quy định tại khoản 4 Điều 474 BLDS năm 2005, trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả tương ứng với thời hạn chậm trả. Như vậy, ngày 05/3/2009 là đến hạn trả nợ nhưng B không trả, do đó, thời gian chậm trả được tính từ ngày 06/3/2009 đến khi A có yêu cầu khởi kiện. Theo ví dụ trong hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2012 đối với yêu cầu trả lãi không được chấp nhận do hết thời hiệu, mặc dù ví dụ chỉ nêu khoản lãi theo thỏa thuận chứ không đưa ra trường hợp lãi chậm trả nên chưa rõ ràng, cụ thể nhưng cần phải hiểu đúng bản chất của nó chính là lãi theo thỏa thuận chứ không phải lãi chậm trả. Nghĩa vụ thanh toán lãi chậm trả đã được BLDS quy định. Do đó, yêu cầu của A buộc B thực hiện nghĩa vụ thanh toán lãi chậm trả là có căn cứ pháp luật.
- Đối với thời hiệu khởi kiện của hợp đồng đòi lại tài sản là không xác định thời hạn. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 và Nghị quyết số 03/2012 hướng dẫn thi hành BLTTDS năm 2011 đã quy định đối với tranh chấp đòi lại tài sản thì không xác định thời hiệu nên vụ án trên được thụ lý giải quyết là đúng pháp luật, bởi vì, mặc dù BLTTDS năm 2015 không quy định về thời hiệu như BLTTDS năm 2011 nhưng tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015 ngày 25/11/2015 của Quốc hội đã quy định: “Đối với các tranh chấp phát sinh trước ngày 01/01/2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 BLTTDS năm 2011”. Tức là đối với những giao dịch đã được thực hiện trước ngày 01/01/2017 nhưng đến nay mới yêu cầu Tòa án giải quyết thì vẫn tiếp tục áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện theo BLTTDS năm 2011 và văn bản hướng dẫn liên quan để giải quyết. Từ những phân tích trên, theo tác giả yêu cầu khởi kiện của A trong ví dụ nêu trên cần được chấp nhận là đảm bảo quyền lợi của A và đúng căn cứ pháp luật./.
Trần Thị Thu Hiền
VKSND Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Xem thêm>>>
TANDTC giải đáp vướng mắc về thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế
Thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản
Có áp dụng thời hiệu yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không?