Hiểm họa tai nạn giao thông sau ánh đèn pha, đèn led siêu sáng
Ngày đăng : 13:46, 12/06/2018
Hiểm họa từ việc độ đèn ô tô, xe máy siêu sáng
Hiện nay, nhiều người có xu hướng thay thế hoặc gắn thêm đèn siêu sáng cho xe để thể hiện độ “ngầu”, để xe “tỏa sáng” trong đêm. Những loại đèn này khá đa dạng về hình thức lẫn giá cả, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Do không có dây tóc, ít bị ảnh hưởng bởi những rung động bên ngoài, độ bền của những loại đèn siêu sáng như LED hay xenon có thể chiếu sáng đến 2.000 giờ, hiệu suất phát sáng gấp 3-4 lần bóng halogen thông thường.
Độ sáng cực lớn của các loại đèn siêu sáng khiến người lái xe đối diện không thể quan sát phía trước. Ánh sáng mạnh khiến các xe chạy đối diện mất khả năng phán đoán, ước lượng về kích thước, khoảng cách giữa các phương tiện khác đang lưu thông dẫn đến dễ xảy ra tai nạn. Không chỉ gây nguy hiểm với người lái xe đối diện hay những người cùng tham gia giao thông, bản thân chủ xe độ đèn siêu sáng cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của chính mình, dễ bị xe lưu thông ngược hướng do “mù đèn” gây tai nạn.
Thêm vào đó, sử dụng đèn siêu sáng còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao bởi nguồn điện của các loại đèn này thường không tương thích với xe chính hãng, nên khi lắp đặt sẽ ảnh hưởng đến dòng điện sạc của ăcquy, làm tăng nguy cơ cháy nổ ắc quy, IC. Những loại đèn siêu sáng khi nháy đèn chế độ Fa, bộ chấn lưu và khởi động phải ngắt mạch, khởi động lại. Việc đóng ngắt mạch liên tục càng làm giảm tuổi thọ của đèn, đồng thời bộ chấn lưu cũng dễ hỏng. Nguy hiểm nhất là nhiệt lượng từ những loại đèn này tỏa ra khá cao, nếu không cùng kích thước chuẩn, đèn siêu sáng có thể làm bít lỗ thoát nhiệt trên pha đèn, dễ dẫn đến cháy nổ.
Những bóng đèn siêu sáng lắp trên xe đang trở thành món đồ chơi phổ biến
Nguy hiểm nhưng thiếu chế tài và biện pháp xử lý
Bất cập nhất của vấn đề này hiện nay là những bóng đèn siêu sáng lắp trên xe đang trở thành món đồ chơi phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao mà chưa có chế tài hay biện pháp xử lý. Pháp luật không quy định về việc thay đổi đèn xe là thay đổi kết cấu xe và cũng không xử phạt hành chính đối với hành vi này.
Việc xử phạt các lỗi vi phạm liên quan đến đèn xe được áp dụng theo nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Cụ thể:
- Tại điểm a, khoản 3, Điều 16: đối với ô tô (các xe tương tự ô tô) bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000đ đối với hành vi:
a) Điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng phía sau xe;
- Tại điểm đ, khoản 2, Điều 17: đối với môtô (xe máy) bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi:
đ) Điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe;
Như vậy, theo luật thì chỉ có lỗi lắp thêm đèn chiếu sáng phía sau mới bị xử phạt, còn các loại đèn pha led lắp phía trước hiện chưa có chế tài xử lý.
Xe độ đèn có ánh sáng chói khiến người đi ngược chiều rất khó quan sát (Ảnh internet)
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi đường, các chủ phương tiện cần ý thức khi lắp đặt, sử dụng các loại đèn pha, đèn led. Nếu thay thế đèn xe phải dùng loại đèn có ánh sáng không phát tán sai chiều, nên chuyển đèn từ chế độ Fa sang Cos khi có xe chạy hướng đối diện. Đồng thời nên chọn mua những loại đèn chất lượng, chính hãng nhằm tránh những hư hỏng cho xe.
Tuy nhiên, dù có qua được các trạm tuần tra cảnh sát giao thông nhưng các phương tiện lắp thêm loại đèn siêu sáng này sẽ bị tuýt còi mỗi khi đến thời hạn đăng kiểm. Các thiết bị đo độ sáng, góc chiếu sáng hiện đại sẽ nhanh chóng phát hiện ra đèn độ chế không đảm bảo quy chuẩn của nhà sản xuất, phương tiện sẽ bị từ chối đăng kiểm, yêu cầu tháo bỏ đèn.
Xem thêm>>>
Thống nhất cách tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy
Sắp tới dân mua nhà, ô tô, xe máy sẽ không được dùng tiền mặt