Quốc hội biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết và 3 Luật quan trọng

Ngày đăng : 13:45, 12/06/2018

(Kiemsat.vn) - Sáng 12/6, Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 và ba Luật gồm Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật An ninh mạng và Luật Tố cáo (sửa đổi).

Bội chi ngân sách nhà nước bằng 5,52% GDP

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo

Trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết quan trọng về ngân sách nhà nước năm 2016 này, các Đại biểu đã lắng nghe đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo Tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Báo cáo nêu rõ tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng (một triệu, bốn trăm linh bảy nghìn, năm trăm bảy mươi hai tỷ đồng), bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng  (một triệu, năm trăm bảy mươi tư nghìn, bốn trăm bốn mươi tám tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017. Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng (hai trăm bốn mươi tám nghìn, bảy trăm hai mươi tám tỷ đồng), bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, trước những khó khăn thách thức của năm tài khoá 2016 do GDP không đạt kế hoạch nên ảnh hưởng đến thu, chi và cân đối NSNN, Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo điều hành, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội; mặc dù giá dầu thô giảm sâu và giảm thuế theo lộ trình cam kết quốc tế nhưng tổng thu ngân sách cơ bản đạt dự toán để bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ chi.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016

Với 468 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 465 đạt 96.10 %, số đại biểu không có ý kiến là 3 chiếm 0.62 %. Như vậy, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Kỳ vọng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp

Ngày 24/5/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và dự thảo Luật. Sáng 12/6, trước khi tiến hành biểu quyết thông qua, các Đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Với cấu trúc 10 chương, 118 điều trong đó có những chương đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền (Chương IV); Về tập trung kinh tế (Chương V) hay tố tụng trong cạnh tranh… Luật Cạnh tranh được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp, đem lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng và tăng cường quản lý Nhà nước.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh

Với 469 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 464 đạt 95.28 %, số đại biểu không tán thành là 5, chiếm 1.03 %. Như vậy, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh.

Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019

Năm 2019, dự kiến Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ tiến hành hai kỳ họp là Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8. Thực hiện quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; căn cứ tình hình thực tế hoạt động giám sát những năm qua và bối cảnh kinh tế - xã hội của nước ta năm 2019; trên cơ sở tổng hợp kiến nghị đề xuất của các cơ quan theo quy định của pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Biểu quyết thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019

Với 461 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 449 đạt 92.20 %, số đại biểu không tán thành là 9, chiếm 1.85 %, số đại biểu không tham gia biểu quyết là 3, chiếm 0.62%. Như vậy, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Để bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Quốc hội giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát, báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội; nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện, tăng cường các điều kiện đảm bảo để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng

Báo cáo trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng. 

Được xây dựng với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng được kỳ vọng sẽ tăng cường công tác Phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm mạng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng với sự tán thành cao

Với 466 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 423 đạt 86.86 %, số đại biểu không tán thành là 15, chiếm 3.08 %, số đại biểu không tham gia biểu quyết là 28, chiếm 5.75 %. Như vậy, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng.

Thanh tra Chính phủ là cơ quan đầu mối về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ

Ngày 24/5/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan về các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) gồm 9 Chương, 67 điều.

Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi)

Về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân (Điều 14 và Điều 15): Có ý kiến đề nghị không nên quy định Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cấp huyện giải quyết tố cáo, vì người làm việc ở TAND, VKSND cấp huyện do TAND, VKSND cấp tỉnh quản lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thẩm quyền giải quyết tố cáo của TAND, VKSND các cấp, bao gồm cả cấp huyện là kế thừa quy định của Luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn giải quyết tố cáo, thuận lợi cho TAND, VKSND cấp huyện trong xác minh vụ việc bị tố cáo của công chức cùng cấp. Do đó, vẫn giữ quy định này như trong dự thảo Luật.

Với 469 đại biểu tham gia biểu quyết, số đại biểu tán thành là 468 đạt 96.10 %, số đại biểu không tán thành là 1, chiếm 0.21 %. Như vậy, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi).

Minh Tú