Chỉ nên đặc xá những người chấp hành xong hình phạt bổ sung

Ngày đăng : 20:55, 11/06/2018

(Kiemsat.vn) - Sáng 11/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Thời điểm đặc xá phải đúng những sự kiện đặc biệt quan trọng

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình bày tỏ sự đồng tình cao với đánh giá của rất nhiều đại biểu về việc tần suất và số lượng đặc xá trong những năm gần đây là nhiều và điều này tạo ra một sự mâu thuẫn là khi Hội đồng xét xử tăng lên 6 tháng, 1 năm thì phải họp cân nhắc, thậm chí chịu áp lực rất lớn từ xã hội, khi đặc xá 6 tháng, 1 năm thì phải cân nhắc nhưng khi đặc xá thì đặc xá với số lượng rất lớn và rất nhiều năm. Theo ông, điều này luật không nghiêm và để khắc phục tình hình này thì từ đầu năm nay khi BLHS mới có hiệu lực, có một chế định mới Quốc hội đã thông qua là tha tù trước thời hạn và việc tha tù trước thời hạn này được thực hiện hằng năm.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình bổ sung ý kiến của các Đại biểu Quốc hội

Từ quan điểm đó, ông Nguyễn Hòa Bình muốn trình rõ trước Quốc hội sự khác biệt giữa tha tù trước thời hạn và đặc xá. “Đầu tiên là vấn đề thẩm quyền, thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch nước và tha tù trước thời hạn là của Chánh án các cấp”, Chánh án khẳng định.

Sự khác biệt cơ bản nữa là tha tù trước thời hạn, nếu trong thời hạn được tha tù, đối tượng lại tiếp tục vi phạm pháp luật thì sẽ phải lại quay lại nhà tù để chấp hành phần còn lại của bản án trong khi đó đặc xá là tha luôn, miễn luôn phần án còn lại. Chánh án TAND tối cao khẳng định tha tù trước thời hạn vừa thể hiện tính nhân đạo, vừa có tính nghiêm minh, vừa gắn trách nhiệm với cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương còn bản thân đối tượng phải giữ gìn không được tái phạm. Ông Bình cũng lưu ý với các Đại biểu là thời điểm đặc xá phải đúng những sự kiện đặc biệt quan trọng, nhiều năm mới làm một lần, nếu làm mỗi năm một lần sẽ trùng với tha tù trước thời hạn.

Các trường hợp không được đề nghị đặc xá

Tranh luận với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang), Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng chưa đồng tình với quan điểm về tăng nặng hình phạt. Theo ông, các quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm khi chấp nhận kháng nghị theo hướng tăng nặng có nghĩa đã chấp nhận tình huống có tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tăng nặng được hiểu một là tăng về hình phạt, hai là sửa tội danh nhẹ thành tội danh nặng và ba là có thể thêm một tội danh khác đối với bị án đó.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng

Ông Dũng đồng tình với quy định trong dự thảo luật mang hướng phòng ngừa để tránh tình huống pháp lý không mang lại ý nghĩa chính trị, cũng như ý nghĩa xã hội của quyết định đặc xá. Để dẫn chứng cho quan điểm này, ông Nguyễn Quang Dũng lấy ví dụ trường hợp cụ thể: Một người phạm tội có ý gây thương tích được Chủ tịch nước đưa vào diện đặc xá, nếu giả sử đang có quyết định kháng nghị quyết định giám đốc thẩm sửa thành tội giết người, trong trường hợp này Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhưng ngay sau đó Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tối cao chuyển tội danh cố ý gây thương tích thành tội giết người. Trong trường hợp này sau khi đã được đặc xá thì lại trở lại điều tra truy tố xét xử về tội giết người thì rõ ràng là không phù hợp.  

Chỉ nên đặc xá những người chấp hành xong hình phạt bổ sung

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng cần phải bắt buộc thực hiện xong tiền phạt và án phí đối với mọi tội phạm mới xem xét đặc xá. Bà Trang cho rằng điều này “rất có ý nghĩa đối với các động cơ phạm tội là tiền và tài sản, như các loại tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hay tội tham nhũng...” .

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An). Ảnh QH

Bảo vệ thêm ý kiến của mình, đại biểu của Nghệ An đưa ra số liệu của Bộ Tư pháp cung cấp thì từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2018, tổng số tiền phải thi hành của người đang chấp hành án hình phạt tù 104.000 tỷ đồng, tôi xin nói số tròn mà số đã thi hành được chỉ có 8.000 tỷ đồng, tức là chỉ đạt được 8%. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 3,5 năm có đến gần 95.000 tỷ đồng của nhà nước, của các tổ chức và cá nhân bị hại chưa được thi hành, có nghĩa là còn một khoảng thiệt hại tổn thất lớn chưa được bù đắp. “Chúng ta cần tránh tình trạng quá nhân đạo với người có điều kiện nhưng cố tình không chấp hành hoặc quá khắt khe đối với người cải tạo tốt nhưng về kinh tế thì thực sự khó khăn”, bà Trang chia sẻ.

Minh Tú