Tài sản nhà nước thất thoát lớn trong vòng xoáy mua đắt, bán rẻ

Ngày đăng : 14:36, 30/05/2018

Tài sản nhà nước tại doanh nghiệp bị thất thoát khủng khiếp với vòng xoáy mua đắt, bán rẻ và nhiều chiêu "hô biến" khác.

Trong phiên thảo luận mới đây tại Nghị trường về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại về "kẽ hở" trong định giá doanh nghiệp khiến tài sản nhà nước bị bòn rút, thất thoát.

tai san nha nuoc that thoat lon trong vong xoay mua dat ban re hinh 1
Tài sản nhà nước bị thất thoát trong quá trình cổ phần hóa DNNN do giá trị doanh nghiệp bị định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. (Ảnh minh họa: KT)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Hoàng Văn Cường, có 3 dạng làm thất thoát tài sản nhà nước. Đó là kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn; mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn; và định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa.

Về kinh doanh lỗ làm thất thoát vốn của doanh nghiệp, ông Cường cho rằng, có ba lý do: Trình độ quản lý của doanh nghiệp yếu kém dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Vì động cơ cá nhân, những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp nhưng lại hưởng lợi từ đấy. Đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả nhưng được chia phần từ những lĩnh vực đầu tư này. Hoặc cố tình tính giá trị đầu tư lớn hơn để hưởng những lợi ích, phần trăm từ đó.

"Đây là những hoạt động cố tình dùng những thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ các doanh nghiệp nhà nước", ông Cường khẳng định.

"Phép thần" biến hóa giữa lỗ và lãi

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nêu thực tế: Dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay xử lý đi tù vì chuyện quản lý yếu kém để doanh nghiệp lỗ... Thậm chí, có doanh nghiệp khi cần báo cáo để tăng chức, tăng quỹ lương hoặc để xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, khi báo cáo cho cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ.

tai san nha nuoc that thoat lon trong vong xoay mua dat ban re hinh 2
TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Những doanh nghiệp lỗ, nhưng đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp vẫn được hưởng mức lương cao chứ không phải thấp vì cơ chế trả lương cho các doanh nghiệp là khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì được xác định mức lương theo mức lãi, nhưng khi lỗ thì không được tăng lương nhưng không bị giảm mức lương này xuống. Chính vì yếu tố trên nên đây là một động lực lôi kéo những người quản lý doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa DNNN, ông Cường nêu rõ. 

Đề cập vấn đề thất thoát tài sản vốn doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do mua-bán tài sản, hàng hóa dịch vụ theo một công thức: mua thì giá cao, bán thì giá thấp.

"Đã có tổ chức định giá độc lập, tổ chức đấu giá độc lập nhằm minh bạch hóa việc mua, bán tài sản, nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng mua đắt, bán rẻ?", ông Cường thắc mắc, đồng thời khẳng định, việc định giá và đấu thầu chẳng qua chỉ là hình thức.

Trục lợi từ "đất vàng"

Băn khoăn với việc xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu chính xác, quản lý đất đai khi cổ phần hóa DNNN còn nhiều thiếu sót, đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) nhận định: Việc quản lý đất đai khi cổ phần hóa còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi, tham nhũng.

Nhiều cổ đông mua cổ phiếu doanh nghiệp trái ngành, thâu tóm các doanh nghiệp khi cổ phần hóa nên không thể loại trừ động cơ chờ cơ hội để được hưởng lợi lớn từ những "mảnh đất vàng" của các doanh nghiệp cổ phần hóa, ông Minh nhận định.

tai san nha nuoc that thoat lon trong vong xoay mua dat ban re hinh 3
Đại biểu Quốc hội  Mai Sỹ Diến

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa), vốn nhà nước nằm tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước không tính trong các doanh nghiệp cổ phần gần 1,4 triệu tỷ đồng, đây là nguồn lực lớn, nếu không được quản lý chặt chẽ, vốn nhà nước sẽ thất thoát, lãng phí, nhưng rất khó trong việc quy trách nhiệm cụ thể trong xem xét đánh giá.

Vấn đề xác định giá doanh nghiệp trong cổ phần theo phương pháp định giá bằng tài sản có nhiều nguyên nhân phản ánh giá trị doanh nghiệp không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước, kết quả kiểm toán 2016 của kiểm toán nhà nước về định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng đã minh chứng cho kẽ hở trong định giá doanh nghiệp thời gian vừa qua, ông Diến cho biết.

Theo đại biểu này, việc công khai minh bạch thông tin về doanh nghiệp là rất quan trọng nhằm hỗ trợ việc giám sát việc thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, thu hút các nhà đầu tư trong cổ phần hóa... 

Việc thiếu công khai, minh bạch là môi trường thuận lợi nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như đầu cơ, thao túng giá giao dịch chứng khoán và thôn tính doanh nghiệp bất hợp pháp, ông Mai Sỹ Diến nhấn mạnh./. 

Từ năm 2012-2016, qua kiểm toán 17 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước xác định các trường hợp tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 22.356,7 tỷ đồng, các trường hợp giảm giá trị thực tế vốn nhà nước 125,2 tỷ đồng./.

Trần Ngọc/VOV.VN