Vấn đề - sự kiện nổi bật tuần qua (21/5 - 25/5)
Ngày đăng : 15:47, 27/05/2018
1. Công bố và trao các quyết định điều động, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp vụ VKSND tối cao
Ngày 21/5, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã chủ trì Lễ công bố và trao các quyết định về việc điều động, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao và VKSND cấp cao tại Hà Nội.
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao trao các quyết định điều động, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo |
Tại buổi Lễ, đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao công bố các Quyết định ngày 14/5/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cấp Vụ một số đơn vị thuộc VKSND tối cao và VKSND cấp cao tại Hà Nội, cụ thể:
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Hải, Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9) giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4);
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Vương Văn Bép, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9);
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Khương Thị Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Vụ 16);
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Phùng Đức Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2) giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3);
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Trần Hưng Bình, Phó Hiệu trưởng Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2);
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Phạm Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4) giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội;
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Hoàng Văn Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Vụ 16) giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4);
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5);
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Lâm Huy Chiêu, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật;
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Hoàng Thế Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát;
- Điều động và bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11).
Các quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2018.
2. Đảng ủy VKSND tối cao tổ chức Hội nghị thời sự chuyên đề
Chiều 21/5, Đảng uỷ VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề "Ganh đua quyền lực và sự thay đổi địa - chính trị thế giới 2018 dưới góc độ quốc phòng, an ninh".
Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng truyền đạt nội dung chuyên đề. |
Đồng chí Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng truyền đạt nội dung chuyên đề.
Nội dung của chuyên đề tập trung vào vấn đề ganh đua quyền lực giữa các nước lớn; dự báo thay đổi địa - chính trị 2018 và tác động đến quốc phòng, an ninh Việt Nam.
3. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV
Sáng 21/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong vòng 20 ngày (không kể ngày nghỉ) và họp phiên bế mạc vào ngày 15/6/2018.
Kỳ họp thứ 5 sẽ diễn ra trong 20 ngày, từ 21/5 đến 15/6/2018 |
Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian dự kiến của Kỳ họp với việc xem xét, thông qua 8 dự án luật, các dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Đây là những dự án, dự thảo có ý nghĩa quan trọng và được đông đảo cử tri quan tâm.
Dưới đây là những vấn đề lớn được Quốc hội tập trung thảo luận trong 5 ngày (21/5 - 25/5):
Thẩm quyền của Chủ tịch UBND hành chính đặc khu
Sáng 23/5, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Điểm đáng lưu ý trong Dự án Luật này là Chủ tịch UBND hành chính đặc khu có thẩm quyền lớn trong tất cả các lĩnh vực quản lý.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. (Ảnh: Quốc hội) |
Một số ý kiến cho rằng việc trao cho Chủ tịch UBND đặc khu quyết định một thẩm quyền lớn như vậy là bất hợp lý, dễ phát sinh việc lạm quyền.
UBTVQH đã lý giải cụ thể: Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu, được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, đồng thời phát huy quyền tự chủ và làm rõ trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND đặc khu. UBTVQH cũng đề nghị việc phân quyền mạnh này phải bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với quy định của Hiến pháp; bảo đảm tinh gọn đầu mối, phân cấp, phân quyền mạnh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của chính quyền đặc khu, đáp ứng yêu cầu xây dựng thể chế hành chính thuận lợi, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa sự lạm quyền.
VKSND tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tương đương cấp huyện
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Quốc hội) |
Trên cơ sở ý kiến của VKSND tối cao, Uỷ ban tư pháp Quốc hội ghi nhận, xem xét và cụ thể hoá trong dự án Luật. Tại Khoản 2 Điều 75 quy định: “Tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đặc khu thực hiện theo quy định của Luật này, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan về Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện”; Khoản 3 Điều 75 quy định: Viện kiểm sát nhân dân đặc khu thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi đặc khu; khoản 4 Điều 75 quy định: Viện kiểm sát nhân dân đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động tương trợ tư pháp được quy định tại Luật Tương trợ tư pháp và các quy định khác của pháp luật có liên quan khi thực hiện thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân đặc khu. Khoản 5 Điều 75 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân đặc khu.
Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với dự thảo Luật về tổ chức VKSND tại các Đặc khu.
Có ý kiến cho rằng cần tăng thêm thẩm quyền của TAND đặc khu trong cả giải quyết án dân sự, hành chính. Về vấn đề này, trước đây, VKSND tối cao cũng đã có ý kiến tại công văn số 828/VKSTC-V14 gửi Uỷ ban tư pháp Quốc hội.
Bổ sung hình thức tố cáo mới: Tố cáo bằng điện thoại.
Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), tranh luận sôi nổi về việc áp dụng hình thức tố cáo mới: Tố cáo bằng điện thoại.
Nhiều đại biểu cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước. Mặt khác, dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định thụ lý giải quyết tố cáo. Do đó, đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Đồng thời, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo để bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: Công chức không được "dễ thì làm, khó thì bỏ" (Ảnh: Quốc hội) |
Ngoài việc bổ sung các hình thức tố cáo mới, đa số các đại biểu nhất trí như dự thảo là tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo. Theo đó, người được bảo vệ bao gồm người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Vì môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp
Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 24/5 về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), một số đại biểu nêu quan điểm tán thành với việc dự Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc có khả năng tác động đến hạn chế cạnh tranh của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: Quốc hội) |
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật lần này ra ngoài lãnh thổ Việt Nam với các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế có thể gây tác động và có khả năng gây tác động đến cạnh tranh của thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, một điểm tích cực của Dự án Luật Cạnh tranh là đã dành riêng một chương quy định chi tiết về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường. Một doanh nghiệp được coi là có vị trị thống lĩnh nếu chiếm 30% thị phần; với nhóm 2 doanh nghiệp, thị phần vượt trên 50%, 3 DN chiếm 65% thị phần hoặc 4 DN chiếm 75% thị phần. Các nhóm này nếu bắt tay với nhau gây ra những hành động cản trở DN khác tham gia thị trường hoặc kiểm soát cung cầu, giá cả trên thị trường đều bị xử lý.
Tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế và các vấn đề xã hội
Quốc hội dành trọn ngày làm việc 25/5 để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình những tháng đầu năm 2018; kết hợp thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, đoàn đại biểu Nghệ An (Ảnh: Quốc hội) |
Một số ý kiến cho rằng các chỉ số tăng trưởng đều rất tốt nhưng chất lượng tăng trưởng như thế nào, đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, cơ cấu xuất khẩu ra sao,... cần được phân tích kỹ hơn.
Phải làm rõ do quản lý yếu kém hay cơ chế chính sách đề dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2018, và từ đó đề xuất giải pháp mạnh để khắc phục thời gian tới.
Về vấn đề xã hội, các đại biểu đánh giá gần đây có "những việc động trời, khó tin" như giết người gây chấn động, thuốc chữa ung thư làm từ bột than, phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau... đang làm xói mòn đạo đức xã hội, giảm lòng tin của nhân dân, hoài nghi của cử tri.
4. Bắt tạm giam nguyên cán bộ ngân hàng lừa đảo hàng trăm tỷ đồng
Chiều 21/5, VKSND tỉnh Lâm Đồng đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Nam Đến, nguyên cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cảnh sát đọc lệnh bắt tạm giam nguyên cán bộ ngân hàng Hoàng Nam Đến (Ảnh: Báo BVPL) |
Hoàng Nam Đến là cán bộ của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Đức Trọng từ năm 2008, đến năm 2017 thì xin nghỉ.
Từ năm 2016 đến tháng 9/2017, bằng thủ đoạn vay tiền đáo hạn ngân hàng, trả lãi suất ngày, Đến đã lừa vay, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhiều bị hại và không có khả năng chi trả. Sau đó, các bị hại làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra Công an huyện Đức Trọng.
Qua điều tra, bước đầu đã xác định được 22 bị hại với số tiền 110 tỷ đồng.
5. Trump hủy cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNN) |
Ngày 24/5, Nhà Trắng đã công bố bức thư Tổng thống Donald Trump gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó thông báo quyết định hủy cuộc gặp cấp cao dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Trump rút khỏi hội nghị thượng đỉnh sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui hôm qua gọi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là "gã đần chính trị".
Phát ngôn từ bà Choe được cho là nhằm đáp trả việc Phó tổng thống Mỹ Pence hôm 21/5 ám chỉ chính quyền Triều Tiên có thể bị lật đổ nếu Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận với Trump. Tuyên bố của Phó tổng thống Pence gây căng thẳng cho Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng liên tục đe dọa hủy gặp thượng đỉnh.