Nhiều ý kiến phản biện, tranh luận quanh mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Ngày đăng : 14:00, 25/05/2018

(Kiemsat.vn) - Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay 25/5 để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình những tháng đầu năm 2018; kết hợp thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và ước thực hiện năm 2017. Trong những tháng cuối năm, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tổng hợp kết quả đạt được cả năm cho thấy, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỷ USD(đã báo cáo nhập siêu 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Báo cáo bổ sung tình hình phát triển kinh tế năm 2017 Chính phủ cho biết, 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt trên 1% so với kế hoạch; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% (kế hoạch 4%); xuất siêu 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại hối là 63,5 tỷ USD. GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Nổi bật là cả ba khu vực cốt lõi của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và chế biến, chế tạo đều tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 4,05%; 9,7% và 13,56%. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận động lực tăng trưởng năm 2018 được dự báo "sẽ không tăng nhiều, mạnh như 2017".

Vai trò của dầu thô trong GDP 

Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách - ĐBQH tỉnh Phú Thọ. Ảnh Quốc hội

Cho rằng kinh tế đã có sự phát triển ngoạn mục năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì đây là “của để dành”. Tuy nhiên, ông đề nghị “bức tranh tăng trưởng” cần nhìn nhận thực chất.

Theo ông, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng. "Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ông Hàm lý giải vì sao ông cho rằng dầu thô đang “gánh” khoảng 0,4% GDP. Đồng thời, ông Hàm tỏ ra lo lắng vì tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.

Đại biểu Trần Quang Chiểu, đoàn Đại biểu tỉnh Nam Định

Chưa đồng tình với ý kiến của ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Đại biểu Trần Quang Chiểu, đoàn Đại biểu tỉnh Nam Định đã đăng ký tranh luận. Theo ông Chiểu, khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn. Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn. "Đây là số liệu Chính phủ gửi, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho hay năm 2017 khai thác vượt 1,2 triệu tấn dầu thô để bù đắp tăng trưởng thì số liệu ở đâu tôi không rõ", ông Chiểu nói và nhấn mạnh quan điểm của mình là, "ấn tượng với năm 2017, năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng".

Đáp lại ý kiến của ông Chiểu, ĐBQH Hoàng Quang Hàm vắn tắt cho biết đã dẫn lại báo cáo số 193 của Chính phủ ngày 16/5, theo đó sản lượng khai thác dầu cả năm 2017 đạt 13,57 triệu tấn, tăng 1,29 triệu tấn; "nghĩa là chúng ta đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng GDP".

Tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế và các vấn đề xã hội 

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đoàn đại biểu Cần Thơ

"Tính bền vững của những yếu tố vĩ mô như thế nào?" là câu hỏi mà Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đoàn đại biểu Cần Thơ đặt ra. Theo ông, các chỉ số tăng trưởng đều rất tốt nhưng chất lượng tăng trưởng như  thế nào, đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, cơ cấu xuất khẩu ra sao,... cần được phân tích kỹ hơn. Đề cập tới vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2018, đại biểu Xuân cho rằng, việc Chính phủ nêu "do những tháng đầu năm vướng nhiều ngày nghỉ lễ" là chưa thoả đáng, cần đánh giá đầy đủ hơn. "Phải làm rõ do quản lý yếu kém hay cơ chế chính sách và từ đó đề xuất giải pháp mạnh để khắc phục thời gian tới", ông nói. Ví dụ như Chính phủ vừa họp với 3 Bộ lớn thì cả 3 Bộ này đều chậm giải ngân ngân sách lên tới 44.000 tỷ đồng là rất yếu kém.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, đoàn đại biểu Nghệ An

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An cho rằng trong xã hội gần đây có "những việc động trời, khó tin" như giết người gây chấn động, thuốc chữa ung thư làm từ bột than, phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau... đang làm xói mòn đạo đức xã hội, giảm lòng tin của nhân dân, hoài nghi của cử tri. "Cử tri lo lắng và bày tỏ mong muốn, kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội bằng ngày xưa", ông Cầu nhấn mạnh.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng chia sẻ ấn tượng về những thành tích về kinh tế thời gian qua, trong đó có việc GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Cùng với đó, các chỉ số về tài chính tiền tệ, du lịch, xuất nhập khẩu đều tăng vượt chỉ tiêu đề ra; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện; kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm "nức lòng cử tri cả nước"... 

Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn đại biểu Hải Dương thì hiến kế cho Chính Phủ với 6 giải pháp tinh giản biên chế, công khai các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ trong lĩnh vực này; sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; đẩy mạnh cơ chế tự chủ, xã hội hoá đơn vị sự nghiệp công lập... Theo Đại biểu, trong 2 năm thực hiện kết luận Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, bên cạnh các kết quả thì tổng số người hưởng lương từ ngân sách còn cao, chi thường xuyên ngày càng tăng trong tổng chi... “Phải chăng người đứng dầu quyết tâm chính trị chưa cao, còn tư tưởng ngại khó, ngại va chạm, sợ mất quyền lợi”, ông Thăng băn khoăn.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.

Minh Tú