VKSND tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tương đương cấp huyện

Ngày đăng : 17:15, 23/05/2018

(Kiemsat.vn) - Sáng 23/5, Quốc hội dành thời gian thảo luận và xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Các ý kiến còn có những điểm khác biệt, nhưng về cơ bản đều xác định các cơ quan tư pháp, trong đó có VKSND sẽ tương đương với VKSND cấp huyện.

Cấp huyện nhưng có thẩm quyền cấp tỉnh trong tương trợ tư pháp 

Ngày 10/5/2018, UBTVQH đã có Báo cáo số 266/BC-UBTVQH14 về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật gửi các vị ĐBQH. Kèm theo Báo cáo có dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 6 chương, 85 điều và 6 Phụ lục, dự thảo Nghị quyết thi hành Luật. Tại khoản 2 Điều 75, Chương IV, Mục 3 có quy định VKSND các đặc khu là cơ quan tương đương cấp huyện. 

Trước đó, ngày 05/3/2018, VKSND tối cao đã có công văn số 828/VKSTC-V14 gửi Uỷ ban tư pháp Quốc hội về việc góp ý quy định về tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp trong dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đó, VKSND tối cao cơ bản tán thành các quy định về tổ chức và hoạt động của VKSND đặc khu và nhấn mạnh tuy VKSND đặc khu tương đương cấp huyện nhưng cần có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm tương đương với VKSND cấp tỉnh trong hoạt động tương trợ tư pháp được quy định trong Luật Tương trợ về tư pháp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.   

Trên cơ sở ý kiến của VKSND tối cao, Uỷ ban tư pháp Quốc hội ghi nhận, xem xét và cụ thể hoá trong dự án Luật. Tại Khoản 2 Điều 75 quy định: “Tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đặc khu thực hiện theo quy định của Luật này, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan về Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện”; Khoản 3 Điều 75 quy định: Viện kiểm sát nhân dân đặc khu thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi đặc khu; khoản 4 Điều 75 quy định: Viện kiểm sát nhân dân đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động tương trợ tư pháp được quy định tại Luật Tương trợ tư pháp và các quy định khác của pháp luật có liên quan khi thực hiện thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân đặc khu. Khoản 5 Điều 75 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân đặc khu.

Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với dự thảo Luật về tổ chức VKSND tại các Đặc khu

Có nên tăng thẩm quyền các cơ quan tư pháp đặc khu? 

Góp ý về Mục 3, Chương 4 của dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Nhiều đại biểu phát biểu những băn khoăn xung quanh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn cho rằng cần tăng thêm thẩm quyền của TAND đặc khu trong cả giải quyết án dân sự, hành chính. Đối với các vụ án hành chính thì dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho tòa án đặc khu mà giữ như thẩm quyền của tòa án cấp huyện hiện nay. Theo đó, mọi khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu sẽ do Tòa án cấp tỉnh giải quyết, tòa án đặc khu không có thẩm quyền giải quyết loại việc này. “Nếu muốn khởi kiện hành chính UBND đặc khu thì người dân và nhà đầu tư ở Phú Quốc phải đi tàu để vượt quá 120 km đường biển đến Tòa án tỉnh Kiên Giang. Còn nếu theo thủ tục phúc thẩm thì phải lên TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh, và khi đó sẽ rất vất vả cho người dân, nhà đầu tư tiếp tục theo kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình", đại biểu Thuỷ nêu ví dụ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Quốc hội)

Thực tế là cùng với sự phát triển năng động của các đặc khu thì cũng dự báo sự gia tăng lớn các vụ án dân sự, các vụ án hành chính, nhất là các vụ án liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường dự án v.v... Theo số liệu thống kê trong 3 năm từ 2015 tới nay số lượng các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bị khiếu kiện đến tòa tăng mạnh. Trong 3 đơn vị mà Quốc hội đang thảo luận ngày hôm nay thì đáng lưu ý của huyện Phú Quốc tăng gần gấp 2 lần... Quy định như dự thảo thì toàn bộ loại án hành chính này dồn lên Tòa án cấp tỉnh giải quyết và còn tiếp tục đưa lên tòa án cấp cao, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ băn khoăn.

Về vấn đề này, trước đây, VKSND tối cao cũng đã có ý kiến tại công văn số 828/VKSTC-V14 gửi Uỷ ban tư pháp Quốc hội: "Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 dự thảo Luật thì có quá nhiều Tòa chuyên trách có thể được thành lập ở Tòa án nhân dân đặc khu. Quy định này là chưa phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, thiếu tính khả thi, chưa thể hiện được đặc thù của Tòa án nhân dân đặc khu là có thẩm quyền đặc biệt trong việc giải quyết các vụ việc đầu tư, kinh doanh, thương mại. Vì thế, VKSND tối cao đề nghị cân nhắc quy định theo hướng tổ chức Tòa án nhân dân đặc khu phải thành lập Tòa kinh tế, việc thành lập các Tòa chuyên trách khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định".

 

Minh Tú