Bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa: HĐXX vẫn tiếp tục xét xử?

Ngày đăng : 09:01, 23/05/2018

(Kiemsat.vn) -  Theo tác giả, khi người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử bình thường đối với bị cáo, đồng thời xem việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố là xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Ảnh minh họa

Khoản 2 Điều 155 BLTTHS quy định: Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Điều 282 BLTTHS năm 2015 quy định đình chỉ vụ án:

1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này;

b) Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.

Điều 319 BLTTHS năm 2015 quy định Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa: Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 chỉ cho phép tại phiên tòa Kiểm sát viên được rút một phần quyết định truy tố hoặc rút toàn bộ quyết định truy tố, còn việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm gồm các Chương XXI; XXII từ Điều 268 đến Điều 362 không có điều luật nào quy định về việc người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm thì vụ án được đình chỉ. 

Khi người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử bình thường đối với bị cáo, đồng thời xem việc người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo chính là việc người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, thuộc trường hợp quy định tại điểm c, Mục 5 của Nghị quyết 01/2000 ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn, để từ đó Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999, nay là khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 để  giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Ngoài ra, tại Điều 359 BLTTHS năm 2015 quy định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án:

1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

2. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Như vậy,  BLTTHS năm 2015 chỉ quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án trong các trường hợp: Không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác. Từ đó chúng ta có thể khẳng định rằng,  BLTTHS năm 2015 không có điều nào quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm trong các trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại rút yêu cầu khởi tố.

Trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, cho thấy: Người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo, chỉ khác nhau ở thời điểm rút yêu cầu. Đó là "rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà” và "rút yêu cầu tại phiên toà”.

BLTTHS năm 2015 quy định thì việc "rút yêu cầu” "thời điểm” đó là: Nếu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án, có nghĩa là vụ án chưa được đưa ra xét xử tại phiên toà sơ thẩm, còn tại phiên toà sơ thẩm người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại mới rút yêu cầu khởi tố, thì Toà án đã thụ lý vụ án, Chánh án đã phân công Thẩm phán và Hội thẩm tham gia xét xử vụ án, Thẩm phán đã nghiên cứu hồ sơ, triệu tập những người tham gia tố tụng đến toà, lập kế hoạch xét hỏi, và đã ra một số lệnh hoặc quyết định, Toà án cũng đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ cho việc xét xử, trên thực tế Toà đã và đang mở phiên toà xét xử đối với bị cáo.

Ảnh minh họa

Như vậy, pháp luật cho phép người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại được rút yêu cầu khởi tố từ khi vụ án mới được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại cho đến trước ngày mở phiên toà xét xử sơ thẩm họ có quyền rút yêu cầu khởi tố. Bởi vì, đây là một khoảng thời gian dài, đủ để người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại suy nghĩ, cân nhắc, để quyết định việc rút yêu cầu khởi tố đối với bị cáo trước ngày mở phiên toà, nhưng người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại đã không rút yêu cầu trong khoảng thời gian này, đến ngày Toà án mở phiên toà xét xử, người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại mới xin rút yêu cầu khởi tố thì Toà án không chấp nhận việc họ rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà là có căn cứ.

Nếu họ vẫn có ý kiến xin rút yêu cầu khởi tố thì Toà vẫn xét xử theo thủ tục chung và chỉ xem đây là việc người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại xin giảm hình phạt cho bị cáo, từ đó Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo mà thôi. Hay nói cách khác là người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại đã bị mất quyền rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà.

Tóm lại,  BLTTHS năm 2015 đã quy định thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại, nhưng nếu người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa sơ thẩm hay trong giai đoạn xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử không được đình chỉ vụ án mà vẫn phải xét xử theo thủ tục chung.     

Xem thêm>>>

Bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa thì giải quyết như thế nào?

Rút đơn khởi tố theo yêu cầu bị hại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015  

Ths. Lê Văn Quang, Phó Viện trưởng, VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh B