Bản tin Kiểm sát ngày 22/5
Ngày đăng : 19:54, 22/05/2018
* Ngày 20/5, Ban sơ tuyển của VKSND tỉnh Hải Dương tiến hành sơ tuyển đối với 17 thí sinh đăng ký thi tuyển vào trường ĐHKS Hà Nội năm 2018.
Hội trường sơ tuyển VKSND tỉnh Hải Dương |
Nội dung: Kiểm tra trực tiếp về chiều cao, cân nặng đảm bảo đúng quy định, không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính. Qua sơ tuyển, các thí sinh đều đảm bảo các điều kiện về đối tượng, sức khỏe, hạnh kiểm, học lực và lý lịch và được cấp Phiếu sơ tuyển theo quy định.
Một số hình ảnh tại buổi sơ tuyển |
PGS.TS. Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng trường ĐHKS Hà Nội phát biểu tại Lễ khai giảng |
* Từ ngày 17 đến ngày 19/5, VKSND tỉnh Hải Dương phối hợp trường ĐHKS Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hai cấp của VKSND tỉnh Hải Dương và được truyền hình trực tuyến đến các điểm cầu hai cấp của VKSND tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng.
Toàn cảnh lớp bồi dưỡng tại đầu cầu VKSND tỉnh Hải Dương |
Tham gia giảng dạy lớp học là các giảng viên trường ĐHKS Hà Nội và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Vụ, Kiểm sát viên cao cấp đã có thời gian công tác lâu năm trong ngành KSND.
Trong 03 ngày tổ chức, lớp học tập trung đi sâu, tập huấn 06 chuyên đề về các kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên khi giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, những quy định mới trong BLDS, BLTTDS năm 2015 và Luật TTHC năm 2015 liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND; giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Đồng chí Phạm Văn Quang, Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu bế giảng lớp học |
Nguyễn Trác Dương
VKSND tỉnh Hải Dương
* Ngày 18/5, tại Trường Đại học Thái Bình, VKSND tỉnh Thái Bình và TAND tỉnh phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử lưu động rút kinh nghiệm hai vụ án hình sự: Vận chuyển trái phép chất ma túy và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tham dự phiên tòa có đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Thẩm phán của hai đơn vị cùng các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên Trường Đại học Thái Bình.
Toàn cảnh phiên tòa |
Vụ thứ nhất: Khoảng 16h ngày 18/12/2017, Hờ A Tếnh (sinh năm 1987, cư trú bản Pa Kha, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) vận chuyển trái phép 01 bánh Heroin trọng lượng 324,0179 gam đến khu vực cầu Tám Tấn thuộc địa phận thôn Tân Lập, xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để giao cho người đàn ông không biết tên, tuổi, địa chỉ thì bị Công an tỉnh Thái Bình phát hiện bắt giữ. Tiền công vận chuyển Hờ A Tếnh được nhận là 10 triệu đồng.
Vụ thứ hai: Bằng thủ đoạn gian dối, giả danh là nhân viên của Công ty xổ số, nói biết trước kết quả xổ số quay thưởng hằng ngày, Phạm Văn Đê đã nhiều lần gọi điện cho anh Đặng Văn Trưởng (sinh năm 1973, trú tại thôn Phong Lẫm, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy) yêu cầu anh Trưởng đưa tiền để cho số lô đánh trúng thưởng. Trong tháng 12/2017, anh Trưởng đã 3 lần chuyển tiền theo yêu cầu của Đê với tổng số tiền là: 265 triệu đồng.
Kiểm sát viên công bố Bản Cáo trạng truy tố bị cáo |
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên THQCT đã chủ động xét hỏi, tranh luận để làm rõ vai trò, tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo. Trong phần luận tội, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã phân tích hành vi của các bị cáo thực hiện là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội; xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của các bị cáo, đề nghị mức hình phạt đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo bị cáo Hờ A Tếnh mức án 20 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, Phạm Văn Đê mức án 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Kết thúc phiên tòa, lãnh đạo VKND tỉnh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, chỉ ra những ưu điểm và tồn tại của Kiểm sát viên, Thẩm phán tại phiên xét xử. Qua họp rút kinh nghiệm, các Kiểm sát viên được trau dồi thêm những bài học, kinh nghiệm để rèn luyện bản thân nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Phạm Đức Hoành
VKSND tỉnh Thái Bình
* Sáng nay (22/5), VKSND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Sơ kết 03 năm công tác kiểm sát việc “Bắt, tạm giữ, trả tự do - Thực trạng và giải pháp” (2015-2017). Tham dự Hội nghị có Đại diện Lãnh đạo Viện Cấp cao 3; Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ; Ban pháp chế HĐND; UBMTTQ; đại diện Lãnh đạo tòa án, cơ quan Cảnh sát điều tra, cơ quan an ninh điều tra; lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ và VKSND 09 quận, huyện cùng hơn 300 đại biểu là các Kiểm sát viên, Điều tra viên. Đồng chí Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng VKSND tp Cần Thơ chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị Chuyên đề “Bắt, tạm giữ trả tự do - Thực trạng và giải pháp" |
Theo nội dung báo cáo, chuyên đề “Bắt, tạm giữ trả tự do - Thực trạng và giải pháp" đã đánh giá kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định về bắt, tạm giữ và trả tự do cho người bị bắt, bị tạm giữ tại địa bàn thành phố thời gian qua. Qua số liệu thống kê trong kỳ, hoạt động bắt, tạm giữ và trả tự do trong thời gian qua về cơ bản ổn định qua các năm (không có sự tăng giảm nhiều); tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó phải trả tự do, chuyển xử lý hành chính ít; trong các trường hợp trả tự do cho người bị bắt thì trường hợp trả tự do cho người bị bắt do phạm tội quả tang chiếm tỷ lệ cao.
Quá trình áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ đã có sự đánh giá, phân loại về tính chất, mức độ phạm tội, nhân thân của người bị bắt, bị tạm giữ để áp dụng cho phù hợp. Hầu hết các đối tượng bị bắt, tạm giữ đều có hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ tọa Hội nghị giải đáp thắc mắc của các đại biểu |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Viện trưởng Huỳnh Văn Ri khẳng định Hội nghị chuyên đề đã góp phần giải tỏa những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn tội phạm; việc đi sâu phân tích các quy định về căn cứ, đối tượng áp dụng, thẩm quyền ra lệnh, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động bắt, tạm giữ và trả tự do cho người bị bắt, bị tạm giữ cũng như thực trạng việc áp dụng các biện pháp này trên thực tế là việc làm hết sức cần thiết. Thực tiễn áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ trong những năm qua đã đạt được kết quả to lớn, ngăn chặn được hành vi phạm tội, giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được thuận lợi, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, hạn chế tối đa lạm dụng việc bắt, tạm giữ dẫn đến các trường hợp bắt, tạm giữ khi chưa đủ căn cứ; bắt, tạm giữ khi không cần thiết buộc phải trả tự do cho người bị bắt, bị tạm giữ; nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Bảo Anh
* Hôm nay (22/5), VKSND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề kháng nghị phúc thẩm án hình sự. Tham dự Hội nghị có tập thể lãnh đạo Viện, lãnh đạo phòng cùng toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên tại 10 điểm cầu VKSND cấp huyện. Đồng chí Lại Văn Loan, Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đồng chí Lại Văn Loan, Viện trưởng VKSND phát biểu tại Hội nghị |
Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt chuyên đề thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự. Thông qua số liệu thống kê, trong 3 năm đã xét xử phúc thẩm 395 vụ án hình sự, trong đó số vụ đã sửa án là 110 vụ chiếm tỉ lệ 27,8% số án đã xét xử phúc thẩm. Báo cáo đã chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như đề ra các giải pháp kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm trong thời gian tới như: Quán triệt sâu kỹ chỉ thị 08/CT – VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng, nghiên cứu, kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm của Kiểm sát viên để kịp thời phát hiện vi phạm; kiên quyết khắc phục tình trạng Tòa án gửi bản án chậm; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, mối quan hệ phối hợp giữa VKS và Tòa án. Đặc biệt Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự là đơn vị đầu mối, trong 06 tháng đầu năm 2018 đã ban hành 01 Kháng nghị phúc thẩm và ban hành 02 thông báo rút kinh nghiệm chung.
Toàn cảnh hội nghị |
Tham luận đến từ các điểm cầu của VKSND cấp huyện, các đơn vị đều thống nhất kết quả cũng như nguyên nhân tồn tại, giải pháp mà báo cáo chuyên đề đã nêu; đồng thời rút kinh nghiệm, đưa ra các phương pháp để tập trung nghiên cứu sâu, kỹ các bản án quyết định của Tòa án, đặc biệt tận dụng triệt để mối quan hệ sâu sắc, chặt chẽ giữa VKS và Tòa án để án xử đúng luật, hạn chế tình trạng án sửa hủy.
Hồ Thị Thanh Nga
VKSND tỉnh Bình Thuận
* Ngày 21/5, VKSND huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã phối hợp với UBND xã, Đoàn thanh niên xã, Ban giám hiệu trường THCS xã Quyết Thắng, huyện Ninh Giang tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật về “Luật giao thông đường bộ và ma túy” cho học sinh tại trường.
Cán bộ tuyên truyền của VKSND huyện Ninh Giang hướng dẫn, tuyên truyền những kiến thức về luật giao thông đường bộ; tác hại về ma túy |
Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh được cán bộ của VKSND huyện hướng dẫn, tìm hiểu những kiến thức về luật giao thông đường bộ; tác hại về ma túy nói chung và ma túy học đường nói riêng; giới thiệu sơ lược về các chất ma túy, các loại ma túy mới mà học sinh dễ gặp phải; cách phòng chống tác hại ... bằng nhiều hình thức để các em dễ nhớ và dễ hiểu như: Tham gia đố vui, trả lời các tình huống giao thông, tác hại về ma túy, cách phòng tránh.
Buổi tuyên truyền được toàn thể các em học sinh trường THCS xã Quyết Thắng chú ý lắng nghe và tham gia nhiệt tình trong việc trả lời các câu hỏi tình huống xoay quanh nội dung tuyên truyền.
Các em học sinh trường THCS xã Quyết Thắng tại buổi tuyên truyền |
Nguyễn Thành Trung
VKSND huyện Ninh Giang
Xem thêm>>>