Chính phủ yêu cầu thay thế các cán bộ, công chức lạm dụng thẩm quyền để tư lợi
Ngày đăng : 16:24, 21/05/2018
Theo Nghị quyết, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, hoàn thành trước ngày 31/5/2018 trong đó tập trung các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Xác định cụ thể mục tiêu, các nhiệm vụ phải thực hiện, các văn bản pháp luật phải bổ sung, sửa đổi, thời hạn hoàn thành và đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, cách thức giám sát, đánh giá.
- Cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh và an toàn, vệ sinh môi trường các khu, địa điểm du lịch;…
- Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ; chỉ đạo cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng.
- Tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp... và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ quản lý nhà nước; thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thuê ngoài đối với các dịch vụ liên quan đến thanh toán, chi trả; đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.
- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đồng bộ, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra doanh nghiệp; đảm bảo quyền bình đẳng của doanh nghiệp trước pháp luật.
Ảnh minh họa |
- Về rà soát, cắt giảm Điều kiện đầu tư, kinh doanh:
+ Đối với các bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các Điều kiện đầu tư, kinh doanh cụ thể, thì hoàn thành việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2018.
+ Đối với các bộ chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát, thì phải hoàn thành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định trước tháng 6/2018 và hoàn thành soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về Điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó bãi bỏ các Điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn cần thiết, trình Chính phủ trong quý III/2018.
- Về cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành:
+ Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tập hợp, cung cấp danh Mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của các bộ quản lý chuyên ngành, trên cơ sở đó kiến nghị danh Mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành cần cắt giảm.
+ Các bộ, ngành cắt giảm ít nhất 50% danh Mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018 (kèm theo mã HS tương ứng theo quy định tại Danh Mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC).
+ Trước ngày 31/10/2018, hoàn thành việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm: Thay đổi chức năng, thẩm quyền của các bộ theo hướng đối với một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý; đổi mới phương thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn liền áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân và không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch.
+ Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch khuyến khích phát triển thị trường các dịch vụ thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; xóa bỏ độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay.
Song song với đó, Chính phủ ủy quyền cho Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 19/2818/NQ-CP.
Xem thêm>>>
Từ 01/7/2018 thực hiện xây dựng hương ước, quy ước theo quyết định mới
Phạt đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi