Họp báo công bố dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV
Ngày đăng : 12:24, 19/05/2018
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 21/5/2018 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình dự kiến, kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong 20 ngày (không kể ngày nghỉ); bế mạc vào chiều ngày 15/6/2018.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi Họp báo |
Dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XII đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát huy những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong thời gian qua. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2018, năm bản lề của nhiệm kỳ 2016 - 2021. Vì vậy, chương trình nghị sự của kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng đổi mới, phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị, xã hội.
Để cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi có thể kịp thời nắm bắt các vấn đề đang được Đại biểu Quốc hội thảo luận, dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp (chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp). Ngoài những nội dung được tường thuật trực tiếp theo quy định của Nội quy kỳ họp, dự kiến phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và phiên thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến kéo dài 3 ngày. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 01 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.
60% thời gian họp dành cho công tác xây dựng luật
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ dành 12 ngày vào công tác xây dựng luật (chiếm khoảng 60%) tổng thời gian họp. Các đại biểu sẽ xem xét, thông qua 08 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 08 dự án luật khác. Đáng lưu ý, trong kỳ họp lần này một số dự án luật được xem xét thông qua dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Luật An ninh mạng; đồng thời tiếp tục đưa ra xem xét, cho ý kiến có một số luật quan trọng như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển.
Nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng trong dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ trình ra Quốc hội để cho ý kiến lần thứ 2, Chính phủ đã xem xét nhiều ý kiến góp ý về dự án luật này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong đó có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng hay người kê khai không thể giải trình hoặc giải trình không trung thực về tài sản tăng thêm… Ý kiến có thể xem xét việc tịch thu hay phạt hành chính đều ở mức 45% số tài sản tăng thêm kê khai chưa trung thực hay thu hồi toàn bộ tài sản đó sẽ được xem xét trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu tài sản của cá nhân được quy định tại Hiến pháp và các luật hiện hành. Các vấn đề trên sẽ được xem xét toàn diện, bổ sung vào báo cáo để có thể trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 6.
Không có “vùng cấm” tại các kỳ họp Quốc hội
Trả lời trực tiếp các câu hỏi của phóng viên về công tác nhân sự của Kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Việc xử lý các đại biểu quốc hội có vi phạm pháp luật đều được tiến hành đúng luật và không có vùng cấm”. Tuy nhiên, qua việc xử lý vi phạm, Quốc hội cũng rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc ngay từ công tác thẩm định hồ sơ đại biểu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội chứ không chỉ xử lý khi đại biểu đã có những vi phạm pháp luật rõ ràng.
Tổng Thư ký Quốc hội mong muốn cử tri theo dõi sát các hoạt động của Quốc hội trong Kỳ họp |
Trong bối cảnh Quốc hội đang không ngừng đổi mới, gần gũi, sát với nguyện vọng của cử tri hơn, Tổng Thư ký Quốc hội mong muốn cử tri theo dõi sát các hoạt động của Quốc hội trong Kỳ họp để có các ý kiến phản ánh kịp thời thông qua các cơ quan báo chí, phản ánh tới Quốc hội. Qua đó, các đại biểu Quốc hội sẽ “ấn nút” hay phát biểu ý kiến cho chính xác, đúng với nguyện vọng của cử tri, giúp các đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri đã kỳ vọng.
Xem thêm >>>
Cách hết chức vụ Đảng đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh và đề nghị bãi nhiệm ĐBQH
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri Quận 11, TP Hồ Chí Minh
Đấu tranh phòng chống tham nhũng đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta