Trao đổi về thực hiện đóng dấu bút lục tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự
Ngày đăng : 14:04, 18/05/2018
Khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 quy định: "Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không được quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.”
Tuy nhiên, đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn thống nhất về vị trí đóng dấu bút lục trong hồ sơ vụ án hình sự; thực hiện đánh số thứ tự bút lục kiểm sát trong mỗi biên bản, tài liệu... Đây là một trong những điểm quy định mới quan trọng trong BLTTHS năm 2015 nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, đề cao tính trách nhiệm, chủ động và vai trò của Viện kiểm sát trong việc thực hiện chức năng kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trước khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực, hồ sơ án vụ án hình sự đã được các cơ quan tố tụng thực hiện xắp xếp và đóng dấu bút lục theo quy định tại Điều 13 và Điều 21 Thông tư liên tịch 05/2005/TTLT-VKSNDC-BCA-BQP ngày 07/9/2005. Theo đó, hồ sơ vụ án hình sự được đóng dấu bút lục tại góc bên phải, phía trên của mỗi trang tài liệu trong hồ sơ vụ án. Mỗi hồ sơ vụ án hình sự có 3 loại dấu bút lục:
- Dấu bút lục của Cơ quan điều tra: Cơ quan điều tra đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra và ghi số thứ tự bút lục trên những tài liệu tố tụng do Cơ quan điều tra ban hành và tài liệu vụ án do cơ quan điều tra tiếp nhận, thu thập trong giai đoạn điều tra cho đến khi có kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát.
- Dấu bút lục của Viện kiểm sát: Viện kiểm sát đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát và ghi số bút lục tiếp theo số thứ tự của Cơ quan điều tra đối với những tài liệu tố tụng do Viện kiểm sát ban hành và tài liệu vụ án do Viện kiểm sát thu thập, tiếp nhận trong quá trình truy tố cho đến khi kết thúc giai đoạn truy tố chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án để xét xử.
- Dấu bút lục của Tòa án: Tòa án đóng dấu bút lục của Tòa án và ghi số bút lục tiếp theo số thứ tự của Viện kiểm sát đối với những tài liệu tố tụng do Tòa án ban hành và tài liệu vụ án do Tòa án thu thập, tiếp nhận trong giai đoạn xét xử và sau khi xét xử.
Sau khi BLTTHS năm 2015 ban hành, VKSND tối cao đã có Công văn số 3395/VKSTC-VP ngày 01/9/2017 về việc quản lý, sử dụng dấu bút lục kiểm sát. Mẫu dấu bút lục kiểm sát hồ sơ vụ án hình sự đã được VKSND tối cao hướng dẫn thể hiện 03 nội dung: Đơn vị kiểm sát vụ án; ngày nhận chứng cứ, tài liệu và số bút lục.
VKSND THÀNH PHỐ HÀ NỘI PHÒNG ..... Nhận hồ sơ ngày......../......../20....... Số bút lục:......................... |
Mẫu dấu bút lục
Theo Công văn số 3395 thì ngay sau khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu có liên quan từ Cơ quan điều tra chuyển sang, Viện kiểm sát phải đóng dấu bút lục, đánh số bút lục và điền đầy đủ các thông tin để trống trong con dấu (thời gian tiếp nhận hồ sơ) và số thứ tự (số bút lục). Đánh số thứ tự (bút lục) đánh một lần, không được tẩy xóa, đánh chèn nhiều lần.
Tại Điều 34 Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo QĐ số 03/VKSNDTC của VKSND tối cao ngày 29/12/2017 quy định Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ vụ án và bảo đảm từng trang tài liệu trong hồ sơ vụ án phải được đóng dấu bút lục của Cơ quan có thẩm quyền Điều tra, Viện kiểm sát kèm theo bản thống kê tài liệu. Khi nhận được tài liệu liên quan đến vụ án do Cơ quan có thẩm quyền điều tra chuyển đến, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính hợp pháp, giá trị chứng minh của tài liệu đó. Sau khi kết thúc Điều tra, những tài liệu do Viện kiểm sát thu thập ở giai đoạn truy tố phải được đưa vào hồ sơ vụ án và đánh số thứ tự bút lục tiếp theo số thứ tự bút lục trong hồ sơ do Cơ quan có thẩm quyền Điều tra chuyển sang; không được thay đổi thứ tự bút lục trong hồ sơ vụ án.
Trên cơ sở thực tế quản lý hồ sơ vụ án hình sự, để đảm bảo việc thực hiện đúng quy định khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 và đảm bảo việc sắp xếp, lưu trữ tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự được khoa học, thuận tiện cho việc theo dõi, nghiên cứu tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự, chúng tôi xin đề xuất cách thức đóng dấu bút lục tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự như sau:
Đối với dấu bút lục kiểm sát hồ sơ vụ án hình sự:
Thực hiện việc đóng dấu bút lục kiểm sát hồ sơ vụ án hình sự của Viện kiểm sát vào tài liệu có liên quan do cơ quan điều tra thu thập trong quá trình giải quyết vụ án cần được thực hiện kể từ khi phát sinh hoạt động điều tra, tức là từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (đối với các vụ án hình sự được khởi tố từ nguồn tin báo tố giác tội phạm). Việc đóng dấu bút lục kiểm sát hồ sơ vụ án hình sự đối với tài liệu Cơ quan điều tra thu thập các nguồn chứng cứ để chứng minh có phạm tội hay không sẽ được sử dụng xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Cơ quan điều tra phải chuyển đầy đủ, kịp thời, đúng hạn các chứng cứ, tài liệu có liên quan cho Viện kiểm sát theo đúng quy định tại Khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015, để đảm bảo kiểm sát chặt chẽ hoạt động và nắm chắc tiến độ điều tra của từng vụ án, kịp thời đề ra Yêu cầu điều tra phù hợp với tiến trình điều tra vụ án; chấn chỉnh cách làm việc thụ động trong việc tiếp cận hồ sơ; Kiểm sát viên phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ đầu để xây dựng kế hoạch điều tra, thống nhất quan điểm trong việc đánh giá chứng cứ, xác định tội phạm, chỉ ra những thiếu sót tố tụng để khắc phục kịp thời, tránh việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Dấu bút lục Kiểm sát hồ sơ vụ án hình sự được đóng phía dưới, bên phải tài liệu và điền đầy đủ các thông tin còn trống trong con dấu (thời gian tiếp nhận tài liệu) và số thứ tự (số thứ tự tài liệu tiếp nhận). Đồng thời việc chuyển giao tài liệu giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải có biên bản giao nhận, liệt kê rõ số lượng tài liệu; Biên bản giao nhận tài liệu này phải được đưa vào hồ sơ vụ án hình sự.
Dấu bút lục thống kê thứ tự tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự:
Là dấu bút lục của các cơ quan tố tụng xác nhận việc sắp xếp tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự sau khi kết thúc từng giai tố tụng: điều tra, truy tố, xét xử.
Dấu bút lục thống kê tài liệu được đóng tại góc trên, bên phải tài liệu trong hồ sơ vụ án, được đánh số thứ tự từ 01 đến hết tài liệu trong hồ sơ vụ án theo trình tự tố tụng vụ án từ điều tra, truy tố, xét xử. Tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự cần được xắp xếp theo trình tự và đánh số bút lục thống kê tài liệu được thực hiện như thông lệ vẫn áp dụng đối với các hồ sơ vụ án hình sự từ trước tới nay.
Có thể nói, chất lượng giải quyết án của các cơ quan tiến hành tố tụng đã từng bước được nâng cao khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực, tuy nhiên, việc chưa có hướng dẫn thống nhất chung của liên ngành Trung ương đã khiến việc thực hiện thiếu nhất quán, phát sinh một số cách hiểu khác nhau gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Trên đây là một số ý kiến đề xuất, rất mong liên nghành tố tụng Trung ương sớm ban hành hướng dẫn về việc đóng dấu bút lục hồ sơ vụ án hình sự.
Xem thêm>>>
Đóng dấu bút lục biên bản, tài liệu hồ sơ vụ án vào giai đoạn nào?